Người phụ nữ khuyết tật vẽ lại cuộc đời bằng sự lạc quan

Ngô Linh

(Dân trí) - Hai chân đi lại khó khăn do sốt bại liệt từ nhỏ, thế nhưng chị Nguyễn Hoàng Linh không đầu hàng số phận. Chị vượt lên chính mình và giúp đỡ nhiều người đồng cảnh ngộ.

"Là người khuyết tật, tôi nghĩ mình cần cố gắng nhiều hơn"

"Cuộc đời đẹp khi ta sống có mục đích và lý tưởng" là phương châm sống của chị Nguyễn Hoàng Linh (43 tuổi, ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam).

Người phụ nữ khuyết tật vẽ lại cuộc đời bằng sự lạc quan - 1

Bố mẹ chính là chỗ dựa vững chắc giúp chị Linh qua phong ba (Ảnh: NVCC).

Sinh ra ở vùng quê nghèo khó, 14 tháng tuổi, chị Linh lên cơn sốt co giật, rồi bại liệt. Thương con, bố mẹ đưa con đi chạy chữa khắp từ Bắc tới Nam với hy vọng mong manh, cuối cùng vẫn phải chấp nhận số phận.

Từng sống khép mình, tự ti vì những lời trêu đùa của bạn bè, mọi người xung quanh, chị Linh đã có lúc cảm thấy bế tắc, thấy mình là gánh nặng cho người thân.

"Bố chính là đôi chân của tôi trong suốt 12 năm đèn sách, mẹ là bờ vai ấm áp khi tôi tủi thân, cần được vỗ về. Chưa một lời oán than, họ luôn khích lệ tôi đi về phía trước. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó, phải thoát khỏi tình cảnh hiện tại, không muốn bố mẹ phải khổ vì mình nữa", chị Linh nhớ lại.

May mắn, sau khi học xong THPT, chị được nhiều đoàn thể, tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ, giao lưu với những người đồng cảnh ngộ và được đào tạo nghề miễn phí.

Người phụ nữ khuyết tật vẽ lại cuộc đời bằng sự lạc quan - 2

Nhờ có một cái nghề, chị Linh thấy bản thân mình tự tin hơn (Ảnh: Ngô Linh).

"Có nhiều bạn khuyết tật nặng hơn tôi nhưng họ rất lạc quan, sống ý nghĩa. Nhìn họ, tôi mới thấy cảm xúc tự ti, mặc cảm của mình thật trẻ con, thiếu chín chắn", chị Linh bộc bạch.

Sau thời gian học nghề, chị Linh tìm được công việc ở một tiệm may. Mỗi ngày, chị là người sau cùng rời tiệm khi đã giải quyết xong công việc nên được chủ tiệm thương mến, tạo điều kiện để chị có thu nhập ổn định. Để đến tiệm, chị Linh phải đi nạng, nhờ mẹ đón đưa mỗi ngày.

"Với một người phụ nữ khuyết tật, cần cố gắng không ngừng nghỉ, cuộc sống của mình mới tốt hơn. Lúc đó, tôi chỉ mong có được một công việc, không cần biết lương bao nhiêu", chị Linh chia sẻ.

Người khuyết tật cần có một cái nghề để làm chủ bản thân

Những ngày làm việc tại tiệm may, chị nhận thêm công việc sửa đồ cho khách, nhờ đó tay nghề được nâng cao. Để tăng thu nhập, chị Linh mạnh dạn vay mượn bố mẹ, người thân ít vốn để mua sắm thiết bị may công nghiệp, nhận may gia công quần áo xuất khẩu, quần áo thể thao, khẩu trang… tại nhà.

Người phụ nữ khuyết tật vẽ lại cuộc đời bằng sự lạc quan - 3

Gia đình nhỏ hạnh phúc của chị Linh (Ảnh: NVCC).

Từng nhiều lần phối hợp cùng các đoàn thể dạy may miễn phí cho người khuyết tật, hơn ai hết, chị Linh hiểu được tầm quan trọng của việc trao "cần câu cơm". Khi các mối làm ăn mở rộng, chị sắm thêm máy may, dạy nghề miễn phí cho một số chị em khuyết tật rồi nhận họ vào làm việc.

"Không ai giúp mình mãi được, phải tự vươn lên bằng chính sức lực của bản thân. Với tôi và các chị em khuyết tật, điều hạnh phúc nhất là được lao động mỗi ngày, tự khẳng định giá trị, thấy mình có ích cho cuộc đời này", chị Linh trải lòng.

Mỗi ngày, cùng với việc may gia công sản phẩm may mặc từ các xưởng, công ty may theo đơn hàng; phân việc cho các thành viên tổ may rồi thu gom, giao hàng, chị Linh tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm công việc yêu thích.

Những sản phẩm trà gạo lứt đậu đen, bột ngũ cốc hay các món kim chi, thịt lợn muối mắm… mang thương hiệu "Cô Ba Đại Lộc" của chị được khách hàng đón nhận và tin dùng. Nhờ đó, chị có thêm thu nhập để lo cho tổ ấm gia đình.

Người phụ nữ khuyết tật vẽ lại cuộc đời bằng sự lạc quan - 4

Ngoài nghề may, chị Linh làm thêm bột ngũ cốc, thịt lợn muối mắm... để bán.

Chia sẻ về gia đình nhỏ của mình, chị Linh cười hạnh phúc, cho biết 39 tuổi, chị mới dám vun vén hạnh phúc lứa đôi, dù kết hôn khá muộn nhưng lại gặp đúng người, khiến cuộc sống hôn nhân của chị luôn ngập tràn niềm vui. Năm 2020, con gái chào đời, vợ chồng chị vỡ òa vui sướng.

"Vợ chồng đều khuyết tật, ai cũng lo lắng, rồi mọi thứ đều ổn, con gái chào đời, tiếp thêm động lực cho chúng tôi cố gắng mỗi ngày. Ngoài giờ làm, vợ chồng con cái tỉ tê trò chuyện, hạnh phúc chỉ đơn giản vậy thôi", chị Linh cười rạng rỡ.

Thấy bố mẹ ngày một già yếu, anh chị em đều ở riêng, vợ chồng chị Linh nỗ lực tích cóp, xây dựng được một căn nhà khang trang ở gần nhà bố mẹ để báo hiếu.

Mỗi năm, từ nguồn lợi kinh doanh, chị Linh trích một khoản nhỏ để cùng bạn bè tổ chức trao quà Tết đến người già neo đơn, người khuyết tật, chia sẻ với cộng đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm