Cuộc sống bỏ phố về quê, hạn chế mua sắm của cặp vợ chồng ở Khánh Hòa
(Dân trí) - Vợ chồng Ngọc Anh lựa chọn bỏ phố về quê, sống cuộc sống bớt tiện nghi và tiết kiệm. Nhờ thế cô tránh xa được những "cám dỗ" từ siêu thị, hàng quán hay các dịch vụ giải trí.
Đào Thị Ngọc Anh (25 tuổi) là một phụ nữ nội trợ toàn thời gian. Cô thường chia sẻ câu chuyện nuôi dạy con, bếp núc, làm việc nhà lên mạng xã hội nhằm truyền động lực tới các bà mẹ bỉm sữa.
Nhìn hình ảnh cô gái trẻ xinh xắn làm bánh, cắm hoa trong gian bếp ngập nắng hay khoan thai chở con trên chiếc xe đạp đi qua cánh đồng xanh mướt… nhiều người ngỡ Ngọc Anh sinh sống ở một miền quê nước Nhật.
Tuy nhiên cô cho biết, mình cùng chồng và hai con nhỏ sinh sống ở một ngôi làng nhỏ gần trung tâm huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Từng có sở thích đặc biệt 6 tháng chuyển nhà một lần
Trước khi lựa chọn về đây sinh sống, cô cũng có quãng thời gian dài mưu sinh ở thành phố. Sau cùng, cô nhận ra lựa chọn cuộc sống an yên, gần gũi với thiên nhiên là tuyệt vời nhất.
Ngọc Anh kể, trước khi bỏ phố về quê, cô là chủ một tiệm hoa ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Công việc kinh doanh ổn định khi ngoài khách lẻ, Ngọc Anh còn là đầu mối cung ứng hoa cho một số khu resort lớn.
Đầu năm 2019, chồng cô chuyển công tác từ bệnh viện ở Đồng Hới vào Nha Trang nên đưa cả gia đình đi cùng. Từ thời điểm đó đến cuối năm 2021 là chuỗi ngày cả nhà Ngọc Anh dịch chuyển, thuê hết căn nhà này đến căn nhà khác.
"Tôi là người đam mê cái đẹp và thích trang trí nhà cửa nên luôn muốn thay đổi không gian sống mỗi ngày. Tôi đặt tên cho cuộc sống lúc đó là "Nha trang vô vàn lần chuyển nhà".
Với tôi, trải nghiệm sống là tài sản vô giá nhất nên xê dịch là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hai vợ chồng", cô gái trẻ nói.
Thời điểm đó, cứ 6 tháng Ngọc Anh lại chuyển nhà một lần. Lúc thì cô thuê căn hộ sát biển để có thể tắm biển mỗi ngày. Lúc thì cô chuyển sang ở căn nhà hướng núi, gần làng chài.
Mỗi lần chuyển nhà, cô và chồng luôn đưa ra mức ngân sách cố định khoảng 5-6 triệu đồng mỗi tháng. Quỹ thuê nhà được để riêng để không ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt hằng tháng của gia đình.
Để phù hợp với cuộc sống ở nhà thuê, Ngọc Anh thường không mua sắm gì nhiều vì ở các căn hộ cho thuê đã có đầy đủ tiện nghi. Mỗi lần chuyển nhà, cô và chồng con chỉ xách ba lô lên rồi chuyển đến nơi ở mới.
Vì thế, thay vào cảm giác mệt mỏi mỗi khi chuyển chỗ ở, gia đình cô thường vô cùng hào hứng. Bởi nơi ở mới đem đến cho họ những trải nghiệm mới, cho họ cơ hội được gặp gỡ những người hàng xóm tốt bụng...
Tháng 8/2021, Ngọc Anh mang thai lần thứ hai. Đây cũng là thời điểm địa phương nơi cô ở giãn cách xã hội vì Covid-19. Cuộc sống bó buộc trong căn nhà ở thành phố khiến những ngày tháng trôi qua nặng nề. Khi cả gia đình bị Covid-19, phải cách ly, Ngọc Anh càng thấy thêm ngột ngạt.
Bà mẹ trẻ cho hay: "Lúc ấy, tôi nghĩ nếu mình ở quê thì vẫn có thể hít khí trời và hòa mình vào cây cỏ xung quanh. Thiên nhiên cũng là một liệu pháp chữa lành.
Thêm nữa tôi nghĩ khi sinh con thứ hai, nếu tiếp tục cuộc sống ở thành phố thì mọi thứ sẽ rất đắt đỏ. Sau dịch Covid-19, du lịch phát triển trở lại, phí thuê nhà cũng tăng cao. Sau khi suy tính, chúng tôi quyết định về quê, xây một căn nhà nhỏ để phù hợp với kinh tế".
Cuối năm 2021, vợ chồng Ngọc Anh về mảnh đất mua hồi năm 2020 để xây dựng một ngôi nhà nhỏ.
Tránh xa được những "cám dỗ" tốn kém
Chuyển từ phố về quê, cuộc sống của gia đình Ngọc Anh có nhiều thay đổi. Vùng quê này thuộc xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa - một xã mới thành lập vào tháng 4/2020.
Lượng dân cư sinh sống ở đây không quá đông đúc, người dân chủ yếu làm nông và trồng các loại cây quả. Đặc biệt, nơi đây vẫn còn giữ được nhiều ruộng lúa trải dài nên không khí rất trong lành.
Vợ chồng Ngọc Anh đều là những người xa quê, yêu thiên nhiên và cây cỏ nên khi đến đây ở, họ có cảm giác như được trở về với nơi mình sinh ra và lớn lên.
Mỗi ngày, Ngọc Anh thường dậy từ 5h30 để chuẩn bị đồ ăn sáng cho chồng và các con, sau đó đưa con đến trường. Sau khi chồng đi làm, cô dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa trưa cho con lớn (con Ngọc Anh học trường ở xã nên không có bán trú). Xong việc nhà, cô làm các công việc liên quan đến sáng tạo nội dung.
Buổi tối cả nhà Ngọc Anh sẽ tụ tập nấu nướng, cùng trò chuyện.... Theo cô, nếu sống ở thành thị, gia đình cô chắc hẳn sẽ khó có những giây phút yên bình như vậy.
"Tôi ở xa bố mẹ nên không có ông bà phụ giúp. Cuộc sống của một bà mẹ bỉm sữa không tránh khỏi những áp lực. Song, tôi vẫn luôn cố gắng cân bằng cảm xúc để hướng tới những điều tích cực vì tôi biết xung quanh mình còn nhiều người đang chật vật hơn.
Tôi thường quay các clip, video để lan tỏa năng lượng nội trợ tích cực đến với những bà mẹ bỉm sữa", cô gái trẻ cho hay.
Điều Ngọc Anh thích nhất khi ở quê là gia đình cô tránh xa đô thị ồn ào, khói bụi. Không khí ở quê trong lành, yên tĩnh, cô được ở gần những người quê hiền lành, dễ thương.
Ở quê, mức phí sinh hoạt của gia đình Ngọc Anh giảm đi rõ rệt. Cô được sử dụng các nông sản địa phương, giá rẻ và vô cùng chất lượng.
Cuộc sống ở quê kém tiện nghi hơn ở thành phố. Muốn ăn món gì ngon, bà mẹ trẻ cũng phải tự vào bếp nấu. Tuy nhiên, đổi lại, gia đình cô tiết kiệm được rất nhiều.
Cô tránh xa được những "cám dỗ" từ siêu thị, hàng quán hay các dịch vụ giải trí. Trước đây, ở thành phố, nhiều lần cô chỉ định mua một món ở siêu thị nhưng đến khi bước vào thì lại mua rất nhiều.
Đôi khi cô mua sắm không kiểm soát, không biết gia đình có thật sự đang cần món đồ đó hay không nên rơi vào tình trạng bội chi.
Ở quê, cuối tuần thay vì la cà quán xá, cả nhà cô sẽ cùng nhau nấu ăn, làm bánh, làm vườn. Đơn giản, họ chỉ ngồi uống cà phê trên hiên nhà và ngắm các con chơi trong vườn cũng đã thấy hạnh phúc, thư thái.
Chia sẻ về trào lưu bỏ phố về quê đang được nhiều người lựa chọn, Ngọc Anh cho rằng, về quê thu nhập thấp hơn thành phố nhưng không đồng nghĩa là không có con đường để phát triển sự nghiệp.
Nhiều người rời thành phố về quê để khởi nghiệp từ những công việc liên quan tới trồng trọt chăn nuôi. Một số người mở những dịch vụ mà ở quê chưa có. Họ vừa có thêm thu nhập, vừa làm cho vùng quê đó ngày càng phát triển.
"Mỗi người về quê sẽ có một ý chí khởi nghiệp khác nhau nên nếu có ý tưởng thì bạn nên thử và bắt tay vào làm. Biết đâu những việc nhỏ lẻ lại là bước đệm để bạn đưa công việc đó tiến xa hơn.
Mỗi gia đình sẽ có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nếu bạn về quê những vẫn tiếp tục công việc ở thành phố thì điều này sẽ giúp giảm gánh nặng về tài chính. Như nhà tôi, ở ngoại ô nhưng mỗi ngày chồng vẫn vào trung tâm thành phố làm việc.
Còn nếu về quê mà bỏ hết công việc, muốn làm lại từ đầu thì mỗi người phải chuẩn bị tài chính, tâm lý, sức khỏe thật kỹ càng, không nên bất chấp tất cả để theo đuổi 2 chữ bình yên", bà mẹ 2 con chia sẻ.