Quảng Bình:

Người phụ nữ 21 năm đặt tên cho cá voi

(Dân trí) - Xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nổi tiếng là “làng cá voi”, với nghĩa địa cá voi linh thiêng được người dân xây dựng bề thế bên bờ biển, trải qua hàng trăm năm sóng gió. Đặc biệt, mỗi ngôi mộ cá voi ở làng biển này đều có một cái tên riêng.

Xã Cảnh Dương được biết đến là một trong tám ngôi làng nổi tiếng từ xưa (bát danh hương) của tỉnh Quảng Bình với gần 400 năm lịch sử, có đầy đủ điều kiện để trở thành điểm du lịch cộng đồng ven biển. Cảnh Dương còn nổi tiếng là “làng cá voi” với nghĩa địa cá voi bên bờ biển, trải qua mấy trăm năm sóng gió.

Ở đây, không ai là không biết câu chuyện về người phụ nữ tên Mai, đã 21 năm canh mộ cá voi. Điều đặc biệt, đây cũng là người phụ nữ đặt tên cho những “cá ông”, “cá bà” khi “lụy” (bị nạn) dạt vào bờ biển Cảnh Dương.

Khu mộ cá voi tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình
Khu mộ cá voi tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình

Ông Hồ Quang Hướng, Phó Chủ tịch Hội ngư dân xã Cảnh Dương cho biết, khu mộ này hiện tại có 24 ngôi mộ cá. Khu mộ này do người dân địa phương lập nên và được một người bà Mai tự nguyện trông giữ, hương khói nhiều năm nay.

Theo chỉ dẫn của ông Hướng, chúng tôi tìm về nhà của bà Nguyễn Thị Mai (SN 1963) ở xã Cảnh Dương. Người phụ nữ 21 năm qua gắn liền với những ngôi mộ cá, lo hương khói, quét dọn tại khu mộ đặc biệt này.

Cũng như những người dân khác ở Cảnh Dương, bà Mai sinh ra và lớn lên cũng tại làng biển. Từ ông cha mình, bà được nghe không ít chuyện kì diệu về biển khơi, nghe truyền thuyết về “cá Ông, cá Bà” (2 con cá voi kích cỡ rất lớn dạt vào bờ biển Cảnh Dương hàng trăm năm trước).

Người phụ nữ 21 năm đặt tên cho cá voi - 2
Bà Mai tự nguyện trông giữ, hương khói ở khu mộ cá voi nhiều năm nay.
Bà Mai tự nguyện trông giữ, hương khói ở khu mộ cá voi nhiều năm nay.

Bà Mai cho biết, trước năm 1997, khu mộ cá chỉ có một ngôi miếu nhỏ dân làng lập nên để thờ “cá Ông, cá Bà” từ hàng trăm năm trước. Theo thời gian, những ngôi mộ cá voi ngày càng nhiều lên bởi những cá thể cá voi dạt vào bờ biển.

Theo quan niệm của những người dân làng biển, cá voi “lụy” vào bờ là điềm lành, báo hiệu mùa ra khơi an toàn, bội thu, tôm cá đầy thuyền. Mỗi lần có cá dạt vào, sau khi dân làng đưa cá về khu mộ, bà Mai sẽ đích thân nấu nước hoa (nước nấu từ nhiều loại hoa tự nhiên) và tắm cho cá thật sạch sẽ rồi mới làm lễ.

Lúc chờ hạ táng, dân làng biển sẽ tổ chức hát chèo cạn, sau đó chọn ra 6 người trai tráng, khỏe mạnh hạ táng “cá ngài”. Điều đặc biệt, mỗi ngôi mộ cá voi ở Cảnh Dương đều được khắc một cái tên riêng biệt, những cái tên này do chính bà Mai đặt cho các ngôi mộ cá.

“Sau khi hạ táng cho các ngài, khoảng 6 đến 7 năm sau thì sẽ bốc mộ và lập bia đá, khi đó đích thân tôi sẽ đặt tên cho từng ngôi mộ. Sau đó người dân sẽ cho khắc lên bia đá để tưởng nhớ về “cá ngài”, bà Mai nói.

Mỗi ngôi mộ cá voi ở Cảnh Dương đều được khắc một cái tên riêng biệt, những cái tên này do chính bà Mai đặt.
Mỗi ngôi mộ cá voi ở Cảnh Dương đều được khắc một cái tên riêng biệt, những cái tên này do chính bà Mai đặt.

Theo chân bà Mai ra khu mộ, chúng tôi quan sát trên những ngôi mộ mộ cá, có ghi đầy đủ tên, ngày hạ táng. Ngoài ra tất cả đều có xưng danh rõ ràng và thứ bậc riêng, sẽ được xếp theo thứ tự từ lớn đến bé.

Hiện tại, toàn khu mộ cá đã có 24 ngôi, trong đó 18 ngôi đã được bà Mai đặt tên, 6 ngôi còn lại mới được hạ táng nên chưa bốc mộ. Trước những ngôi mộ cá, dường như bà ghi nhớ rất rõ thông tin từng ngôi, không bỏ sót một ngôi nào.

Không chỉ riêng bà Mai, đối với người dân làng biển Cảnh Dương, họ tôn thờ loài cá voi và đối xử rất mực cung kính, chu đáo, gọi cá voi là “đức Ông, đức Bà” cùng niềm tin tâm linh ăn sâu trong tiềm thức và gắn bó máu thịt truyền từ đời này sang đời khác.

Tiến Thành