Người lao động miền Tây xúc động khi được tặng cơm trên đường về quê

Thư Quỳnh

(Dân trí) - Vượt hàng trăm cây số từ TPHCM về với quê hương, những người lao động miền Tây đã mừng đến rơi nước mắt khi đón nhận những chai nước, hộp cơm nghĩa tình của dân Tiền Giang gửi tặng trên đường.

Người lao động miền Tây xúc động nhận cơm trên đường hồi hương

Đường về quê thật xa và lắm gian nan

Sáng 1/10, chiếc xe máy của hai vợ chồng trẻ chở theo đứa con nhỏ dừng trước cửa tiệm tạp hóa đang khép hờ của chị Tuyết Lan. Người vợ ngập ngừng hỏi thăm: "Cô ơi! Cô có bán gì cho con được không ạ? Con của con đói quá!".

Dù chưa được phép mở cửa buôn bán trở lại, nhưng nghe tiếng gọi, chị Lan lập tức mở cửa, cầm lấy sữa tươi cùng bánh ngọt dúi vào tay hai vợ chồng.

Người lao động miền Tây xúc động khi được tặng cơm trên đường về quê - 1

Hai vợ chồng trẻ xúc động khi nhận được thức ăn cho con của mình (Ảnh: Sunny Châu).

"Tui tặng cho cháu bé, cô chú khỏi trả tiền!". Nghe được câu này, hai vợ chồng không khỏi xúc động, cảm ơn chủ tiệm. Chỉ là chiếc bánh ngọt cùng bịch sữa tươi đơn giản, nhưng suốt chặng đường dài từ TPHCM về, họ không tìm được hàng quán nào mở cửa để mua cho con. 

Sau câu chuyện này, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (49 tuổi), ngụ tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang quyết định cùng người thân, gia đình và những người hàng xóm nấu cơm để tặng để gửi tặng những người lao động miền Tây từ TPHCM trở về.

Chị Tuyết Lan chia sẻ: "Dịch bệnh ảnh hưởng tới tất cả mọi người, gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhưng giờ mỗi người hùn nhau một ít để giúp người khó khăn hơn mình".

Người lao động miền Tây xúc động khi được tặng cơm trên đường về quê - 2

Những người thân trong gia đình hoặc hàng xóm cùng nhau "mỗi người một việc" để trao gửi yêu thương mùa dịch (Ảnh: Sunny Châu).

Đối với chị Lan, việc làm này hoàn toàn xuất phát từ tình thương giữa người với người trong những lúc hoạn nạn nhất. Chị Lan chia sẻ rằng không chỉ riêng chị, mà còn có rất nhiều bà con ở Tiền Giang rất lo lắng khi biết tin nhiều người miền Tây "thông chốt" về quê. Dù rằng chỉ là những hộp cơm với món ăn đơn giản nhưng với quan điểm "một miếng khi đói bằng một gói khi no", chị Lan hy vọng sẽ giúp mọi người no bụng, có đủ sức để về nhà.

"Tôi không bao giờ quên cảnh bà con vất vả về quê giữa trời mưa gió. Có người còn chở theo con nhỏ rất vất vả!" - chị Lan ngậm ngùi kể lại.

Anh Đạt (43 tuổi) dừng xe đón nhận những hộp cơm trong sự xúc động. Trên chiếc xe gắn máy đã cũ của anh chở theo lỉnh kỉnh hành trang cùng với đứa con nhỏ đang mệt lả đi vì nóng và đói. 

Người lao động miền Tây xúc động khi được tặng cơm trên đường về quê - 3

Mỗi nhà một ít, những gia đình ở ngay quốc lộ cùng nhau chung tay hỗ trợ những người đang gặp khó khăn (Ảnh: Sunny Châu).

Anh Đạt là công nhân của một công ty chế xuất, từ khi TPHCM giãn cách, anh mất việc. Hai cha con chắt chiu từng chút, nhờ với những hỗ trợ của chính quyền mà cầm cự được 4 tháng qua. Tuy nhiên, vừa phải đóng tiền nhà trọ, vừa phải lo cho con nhỏ, không kiếm được thu nhập, cuộc sống của cha con anh ngày một rơi vào bế tắc. Đến nay, anh đã không còn khả năng trụ lại TPHCM nữa.

Vừa nghe tin thành phố nới lỏng giãn cách, anh Đạt lập tức gói ghém đồ đạc ngay trong đêm, cùng con mình vượt chốt về quê tìm đường sống.

Cố gắng đùm bọc nhau lúc hoạn nạn khó khăn

Theo lời kể của người cha đơn thân ấy, những người miền Tây muốn về quê như cha con anh rất đông. Hành trình qua được chốt kiểm soát vô cùng khó khăn. Có những đêm phải trả chiếu nằm đợi tại chốt. Thấy con mình còn nhỏ phải chịu cảnh vất vả đến mệt đờ người như vậy anh cũng rất xót xa, nhưng đành ôm con động viên rồi cố gắng vượt qua. Bởi anh biết, chỉ có rời khỏi Sài Gòn, tìm về với quê hương, anh mới có thể sống và lo được cho con.

Người lao động miền Tây xúc động khi được tặng cơm trên đường về quê - 4

Những phần cơm miễn phí được đặt ở vỉa hè được trao tận tay cho bà con miền Tây từ TPHCM trở về với quê hương (Ảnh: Sunny Châu). 

"Tôi từ quận 9 về, trên đường không có ai bán gì để mua cho con ăn hết. May mắn sao đi đến địa bàn Tiền Giang thì lại được người dân phát cơm miễn phí. Tôi cảm động và biết ơn nhiều lắm" - anh Đạt rưng rưng nước mắt nói.

Tấp xe vào một bóng cây, anh Đạt cho con ăn cơm, uống nước rồi cũng vội vàng ăn thật nhanh phần cơm của mình. Ngay sau đó, chiếc xe máy lại tiếp tục lăn bánh. Đoạn đường về Cà Mau quê anh còn gần 300km nữa...

Tại địa bàn xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, gia đình chị Châu Phạm Sunny (25 tuổi) đã vận động hàng xóm, người thân cùng nấu cơm "tiếp sức" cho những chuyến "hồi hương" của người lao động miền Tây.

Người lao động miền Tây xúc động khi được tặng cơm trên đường về quê - 5

Gia đình chị Sunny chuẩn bị thêm khẩu trang để kèm theo những phần cơm và nước gửi đến người dân từ TPHCM về miền Tây (Ảnh: Sunny Châu).

Theo chia sẻ của chị Sunny, lúc đầu, gia đình chị chỉ có ý định nấu hết số gạo và rau củ đã được nhận. Nhưng sau khi thấy đoàn người về quá đông, mà ai cũng mệt, đói và cần thức ăn, nước uống. Vì vậy, chị Sunny đã kêu gọi thêm và nhận được rất nhiều sự ủng hộ như: nước suối, gạo, bánh mì… từ bà con và bạn bè của mình rất nhiều.

"Em nhớ nhất là lúc vừa đem 500 phần cơm ra để trên bàn, bà con ghé vào lấy rất đông. Chỉ trong 5 phút đã hết sạch luôn! Ai nhận xong cũng vui mừng và không ngừng cảm ơn vì đã giúp đỡ họ" - Sunny chia sẻ trong sự xúc động.

Bên cạnh đó, hình ảnh những người đi bộ về quê, hoặc những người bị thủng lốp xe, phải dắt bộ về trong thời tiết mưa gió cũng khiến chị Sunny và gia đình mình cảm thấy xót xa.

Người lao động miền Tây xúc động khi được tặng cơm trên đường về quê - 6

Những phần cơm "cây nhà lá vườn" tuy đơn giản nhưng đầy tình nghĩa của người dân Tiền Giang (Ảnh: Sunny Châu).

Dù phải nấu nướng liên tục từ 5h sáng đến gần 10h đêm nhưng với chị Lan, chị Sunny hay nhiều người dân Tiền Giang khác đó chẳng phải khó khăn hay vất vả gì. Điều khiến họ thấy khó khăn và tiếc nuối nhất là khi bà con còn về rất đông mà kinh phí và khả năng của họ thì lại còn hạn hẹp do tự phát.

Tỉnh Tiền Giang nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 70km, có nhiều địa phương nằm trên quốc lộ 1A nên con đường trở về quê nhà của người lao động miền Tây chắc chắn phải đi qua nơi này. Những hộp cơm, ổ bánh mì, chai nước suối nghĩa tình được đặt ở lề đường đã hỗ trợ thêm cho người dân trên đường về.