Người Hà Nội lắp thuyền tự chế, dùng chổi làm chèo di chuyển trong nước lũ

Hồng Anh

(Dân trí) - Để lưu lại "kỷ niệm" bất đắc dĩ ngày mưa lũ, chị Khánh đã quay video và chia sẻ lên mạng xã hội. Nhiều người xem xong video khá bất ngờ trước sự khéo tay của bố chị Khánh.

Ngày 11/9, trên trang cá nhân, chị Nguyễn Khánh chia sẻ đoạn clip ngắn với tiêu đề: "Anh bộ đội công binh hơn 30 năm tự chế bè đưa vợ qua "sông Cổng". Clip ghi lại cảnh một người đàn ông cho vợ thử nghiệm chiếc thuyền bè tự chế di chuyển trên sân nhà nước ngập sâu.

Chị Khánh cho biết, clip được quay tại nhà của bố mẹ chị ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Do ảnh hưởng của mưa bão, thôn xóm nơi chị và người thân sinh sống bị ngập. Nước dâng cao từ 30cm đến 60-70cm. Cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, di chuyển khó khăn.

Người Hà Nội lắp thuyền tự chế, dùng chổi làm chèo di chuyển trong nước lũ - 1

Chiếc thuyền tự chế của bố mẹ chị Khánh (Ảnh cắt từ clip nhân vật cung cấp).

 "Do mưa liên tục, nước có chỗ ngập ngang bụng nên các gia đình chủ yếu ở trong nhà, chủ động kê cao đồ đạc hoặc gửi nhờ nhà hàng xóm một số tài sản, đồ dùng", chị Khánh cho hay.

Đến chiều 11/9, nước chưa có dấu hiệu rút. Trước đó, nhận thấy nước vẫn ở mức cao, đi lại khó khăn. Bố chị Khánh đã nghĩ ra cách dùng các thùng tôn và thanh gỗ có sẵn trong nhà ghép lại thành một chiếc thuyền tự chế.

Bố chị Khánh là bộ đội công binh về hưu. Ông khá khéo léo, thường sửa chữa nhiều đồ dùng trong nhà. Khi mới làm xong, bố chị quyết định thử nghiệm độ thăng bằng xem thuyền có di chuyển thuận tiện không.

Để lưu lại "kỷ niệm" bất đắc dĩ này, chị Khánh đã quay video và chia sẻ lên mạng xã hội. Nhiều người xem xong video khá bất ngờ trước sự khéo tay của bố chị Khánh, một số người gửi lời hỏi thăm cuộc sống của gia đình chị trong những ngày mưa lũ.

Người Hà Nội lắp thuyền tự chế, dùng chổi làm chèo di chuyển trong nước lũ - 2

Nước dâng cao, người dân tìm cách thích ứng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo chị Khánh, chiếc thuyền tự chế được sử dụng để di chuyển hoặc chở đồ đạc ra đoạn đường nơi không bị ngập. Nếu có người kéo thì chiếc thuyền đi lại thuận tiện hơn, nhưng nếu có gậy hoặc chổi cán dài thì người ngồi trên cũng có thể khiến thuyền di chuyển được.

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều khu vực trên địa bàn huyện Quốc Oai bị ngập úng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Người dân một số vùng lũ đã phải nghĩ ra nhiều cách để thích ứng với cuộc sống những ngày mưa ngập. Những cách phổ biến thường thấy là "hô biến" thùng nhựa, thùng tôn, thùng xốp kết hợp với tre, gỗ… thành thuyền di chuyển.

Người Hà Nội lắp thuyền tự chế, dùng chổi làm chèo di chuyển trong nước lũ - 3

Nước lũ dâng cao tràn vào nhiều ngôi làng ở Quốc Oai (Ảnh: Hồng Anh).

Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên các sông, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai yêu cầu các xã khẩn trương rà soát, vận động nhân dân thuộc các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của lũ thực hiện di dời đến nơi an toàn theo quy định.

Các xã bố trí đủ lực lượng, điều kiện cơ sở vật chất hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Mực nước tại sông Tích những ngày qua luôn ở mức cao, lúc 9h ngày 11/9 là 8,56m, trên mức báo động 3 là 0,56m.

Mực nước sông Tích lên cao ảnh hưởng lớn đến một số xã: Ngọc Liệp, Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu, Phú Cát, Đông Yên, Hòa Thạch. Nước lũ lên cao đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân một số xã trên.