Người Hà Nội kể phút nước lũ tràn vào nhà, chi tiền triệu mua gấp bao cát
(Dân trí) - Trong tình cảnh nước dâng cao 50-80cm, tràn qua bậc thềm trước cửa nhà, nhiều người dân sinh sống và kinh doanh ở phố Tân Ấp (quận Ba Đình) đã dùng nhiều bao cát ngăn lại để tránh hư hại tài sản.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, mức nước sông Hồng dâng cao khiến toàn bộ khu vực phố Tân Ấp (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) ngập sâu 50-80cm, nhiều hộ dân được lực lượng chức năng hỗ trợ sơ tán.
Tính đến 12/9, mực nước đã giảm song nước vẫn chưa rút hết, người dân vẫn tiếp tục ở lại khu lánh nạn được UBND quận Ba Đình sắp xếp. Một số hộ vẫn phải dùng bao cát đắp trước cửa nhà ngăn nước.
Có cửa hàng kinh doanh đồ điện tử ở đầu phố Tân Ấp, anh Mạnh kê ghế ngồi giữa nhà, chân gác lên mấy bao cát đang dùng để chắn nước trước cửa. Dưới chân anh, nước bì bõm, ngập khoảng 15cm.
"Cửa hàng tôi ở đầu đường nên cũng đỡ ngập hơn khu phía trong. Nếu không có mấy bao cát này, chắc chắn nước đã dâng ngang đùi, chập hết các ổ điện rồi", anh nói.
Cả phố mất điện từ sáng sớm 11/9 nên anh Mạnh không kịp hạ cửa cuốn, nước tràn vào khắp cửa hàng. Lo sợ hư hại tài sản, đến hơn 8h, anh mới vội tìm mua gần 20 bao cát chắn lũ.
"Do mua gấp, tôi đành chấp nhận mua giá cao hơn thường ngày, 80.000 đồng/bao cát, tổng đã chi hơn 1 triệu đồng", anh cho hay.
Sau khi đã cất các đồ dùng quan trọng, kê cao nội thất như bàn thờ ông địa, quạt điện, máy lọc nước… anh Mạnh lần lượt xếp các bao cát thành hai hàng chặn phía trước cửa hàng. Ở cửa ngách phía sau, anh cũng phải dùng 4 bao cát ngăn nước lũ.
Dù vậy, theo anh Mạnh, việc dùng bao cát làm "bờ kè" trước cửa chỉ là giải pháp tạm thời.
"Mỗi khi có xe tải đi qua, hay có chuyển động nào tác động đến dòng nước là nước lại ồ ạt tràn vào. Bây giờ chưa có điện, tôi không dám đi đâu khỏi cửa hàng, phải ở đây trông đồ phòng trường hợp nước dâng cao còn kịp thời xử lý", anh cho biết.
Tương tự anh Mạnh, nhiều chủ hộ gia đình tại phố Tân Ấp cũng sử dụng các "bức tường" bao cát để ngăn nước lũ. Khi mưa lớn, họ nhanh chóng xếp các bao cát chồng lên nhau, chắn trước cửa chính. Cát khi ướt tạo ra độ kết dính cao, hạn chế tối đa nguồn nước chảy vào nhà.
Một số gia đình đã cửa đóng then cài, cả nhà đi sơ tán tránh lũ vẫn cẩn thận dùng bao cát kết hợp lót bạt hay tấm formex mỏng bên trong để hạn chế nước vào, gây hư hại tài sản. Đây là cách cũng được cư dân nhiều khu chung cư, cửa hàng ở chỗ trũng ngập sử dụng mỗi khi trời mưa lớn gây lụt.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, một số người dân phản ánh đã chi 40.000-50.000 đồng mua một bao cát nặng chừng 20-30kg để ngăn nước lũ trong những ngày vừa qua.
Trên các nền tảng thương mại điện tử, bao tải chống ngập khẩn cấp được bán với giá 400.000 đồng cho 5 bao. Khác với bao tải cát thông thường, loại này tự thấm hút và phồng lên khi gặp nước, với cân nặng tối đa khoảng 15-20kg. Một số loại bao cát dùng chống ngập lụt được vận chuyển từ nước ngoài có giá chưa đến 100.000 đồng.
Ông Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) - cho biết địa phương đã chuẩn bị một cách chu đáo nhất có thể để phục vụ người dân di tản do lũ lụt tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề, Giáo dục thường xuyên (67 Phó Đức Chính, Ba Đình).
Ở đây, người dân được đảm bảo đủ điều kiện về chỗ ở, bữa ăn hàng ngày, nhu yếu phẩm. Đặc biệt, lực lượng dân quân thường trực, công an, y tế… túc trực 24/24h, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.