Ninh Bình:

Người dân "biến" chân cầu vượt thô cứng thành bức tranh quê khổng lồ

(Dân trí) - Thấy chân cầu vượt trước nhà thô cứng và nhiều rác thải, anh Thuật cùng bà con trong phố đứng ra dọn dẹp. Anh còn bỏ tiền ra thuê họa sĩ đến vẽ một bức tranh phong cảnh khổng lồ để tô thêm vẻ đẹp cho cả khu phố.

Những ngày gần đây, người dân thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) mỗi khi đi qua đường Nguyễn Công Trứ, phường Thanh Bình lại có dịp nhìn ngắm bức tranh đồng quê khổng lồ được vẽ ngay trên chân cầu vượt Thanh Bình.

Người lên ý tưởng, bỏ kinh phí thuê họa sĩ vẽ bức tranh này là anh Đinh Tiến Thuật (SN 1978), trú đường Nguyễn Công Trứ, phường Thanh Bình. Anh Thuật cho biết, bức tranh mà anh thuê vẽ lên chân cầu vượt là một bức tranh phong cảnh, miêu tả về cảnh đẹp của mùa vàng ở Tam Cốc, huyện Hoa Lư (Ninh Bình).

Bức tranh mùa vàng Tam Cốc được anh Thuật thuê người vẽ ngay chân cầu vượt Thanh Bình nhằm tô đẹp phố phường nơi mình sinh sống.
Bức tranh mùa vàng Tam Cốc được anh Thuật thuê người vẽ ngay chân cầu vượt Thanh Bình nhằm tô đẹp phố phường nơi mình sinh sống.

Bức tranh này có chiều dài 11m, một bên cao 3,2m và một bên cao 3,8m (dài dọc theo chân cầu vượt). Anh Thuật chia sẻ, ý định của anh khi thuê họa sĩ vẽ tranh lên chân cầu chỉ mong muốn làm cho khu phố sạch hơn và góp phần nào tô đẹp thêm cho khu phố nơi anh cùng mọi người sinh sống.

Người đàn ông 40 tuổi cho biết thêm, gia đình anh chuyển đến ở khu phố hơn 1 năm nay. Bên kia đường trước nhà vốn là chân cầu vượt Thanh Bình, hàng ngày anh cùng mọi người làm việc trong nhà nhìn ra đường chỉ thấy chân cầu là một bức tường lớn bằng bê tông kiên cố án ngữ rất thô cứng. Bên cạnh đó, ngay dưới chân cầu luôn vương vãi nhiều loại rác thải nhưng ít khi được dọn dẹp nên nhìn đường phố rất mất mỹ quan.

Từ đó, anh Thuật nảy ra ý định sẽ làm đẹp khu phố bằng cách riêng của mình. "Tôi có ý định sẽ vẽ tranh lên cầu vượt và trồng hoa dưới chân cầu. Khi tôi bàn với mọi người trong khu phố thì được nhiều người nhất trí cao. Tuy nhiên, khi bàn về kinh phí thì hơi khó khăn đôi chút do nhiều gia đình không phải là dân gốc mà chỉ thuê nhà ở tạm khu phố này", anh Thuật nói.

Anh Thuật cùng con gái bên bức tranh ngay trước cửa nhà mình.
Anh Thuật cùng con gái bên bức tranh ngay trước cửa nhà mình.

Vì thế, để làm được việc vẽ tranh lên chân cầu vượt kéo dài cả khu phố (mấy chục mét) thì rất khó nên anh Thuật đã chủ động là người tiên phong, bỏ tiền để làm việc này ngay trước cửa nhà mình sau đó để mọi người có tinh thần và hưởng ứng và làm theo.

Nói là làm, anh Thuật bắt đầu lên ý tưởng cho ý định của mình. Anh lên mạng tìm những hình ảnh về các bức tranh phong cảnh đẹp. Cuối cùng, anh đã chọn bức ảnh đẹp được nhiều người ưa thích nói về "mùa vàng Tam Cốc".

Lý giải về việc chọn bức tranh này anh Thuật tâm sự: "Ban đầu nhiều người góp ý tôi nên vẽ tranh phong cảnh thuyền và biển hoặc cảnh sơn thủy hữu tình... nhưng tôi thấy nó không hợp lý. Bức tranh khi vẽ lên chân cầu vượt không chỉ để gia đình mình ngắm mà người dân đi qua đây thường ngày cũng phải có cảm tình. Ngoài tô đẹp cho phố phường nó còn phải mang một ý nghĩa nào đó".

Từ chân cầu vượt thô cứng, đầy rác thải, anh Thuật cùng bà con khu phố đã biến thành nơi lý tưởng, được nhiều người dân mỗi khi đi qua chú ý và vô cùng thích thú.
Từ chân cầu vượt thô cứng, đầy rác thải, anh Thuật cùng bà con khu phố đã biến thành nơi lý tưởng, được nhiều người dân mỗi khi đi qua chú ý và vô cùng thích thú.

"Tôi chọn bức tranh "mùa vàng Tam Cốc" vì nó là hình ảnh của Ninh Bình được nhiều người biết khi đến Tam Cốc du lịch. Mùa vàng mang ý nghĩa sâu xa vì người dân Việt Nam mình gắn liền với nghề nông nghiệp trồng lúa nước. Mùa vàng là được mùa, nói đến nhân dân được no đủ. Mùa vàng cũng nói đến việc có lao động thì mới có được thành quả của lao động. Đặc biệt, bức tranh này cũng có ý nghĩa lớn khi góp một phần nào để quảng bá cho du lịch Ninh Bình", anh Thuật lý giải ý nghĩa của bức tranh.

Ban đầu, chân cầu vượt bên kia đường đối diện nhà anh Thuật là bức tường bê tông rắn chắc, đen kịt bởi rong rêu, bụi bẩn bám đầy, bên dưới là đầy rẫy những loại rác thải. Anh cùng mọi người trong khu phố đã sắn tay vào dọn dẹp. Khi vệ sinh môi trường được sạch sẽ, lòng lề đường thông thoáng, anh thuê họa sĩ về bắt đầu công đoạn vẽ bức tranh theo ý định của mình.

Bức tranh lớn "mùa vàng Tam Cốc" dần dần hiện lên trên chân cầu một cách rõ nét. Người dân mỗi khi đi qua đây lại dừng xe ngắm nhìn. Ai cũng khen ngợi về bức tranh, không chỉ đẹp về cách trình bày, ý nghĩa về mặt nội dung mà còn tôn thêm vẻ đẹp cho khu phố mà không nơi nào có được. "Tôi chọn cách vẽ mà không in phông bạt vì vẽ tranh bền đẹp hơn, nó cũng có ý nghĩa hơn", anh Thuật nói.

Bức tranh mùa vàng Tam Cốc tôn thêm vẻ đẹp của phố phường cũng như góp phần quảng bá cho du lịch Ninh Bình.
Bức tranh mùa vàng Tam Cốc tôn thêm vẻ đẹp của phố phường cũng như góp phần quảng bá cho du lịch Ninh Bình.

Bức tranh lớn này được vẽ gần 1 tháng mới hoàn thành. Hiện nay, công việc mới chỉ xong khoảng 80%, để bức tranh hoàn thiện thì họa sĩ sẽ còn chăm chút cho các chi tiết, đường nét trên tranh thật tỉ mỉ thì mới sinh động và nhìn hoàn hảo hơn. Trong thời gian chờ hoàn thiện bức tranh khổng lồ, anh Thuật cùng nhiều người dân ở khu phố đã cùng nhau mua giống hoa mười giờ về trồng ngay dưới chân cầu để tôn thêm vẻ đẹp cho con đường nơi mọi người sinh sống.

"Trước kia chân cầu này chẳng ai để ý đến cả, rác rưởi vương vãi khắp nơi. Thậm chí nơi đây còn là chỗ cho nhiều người đi vệ sinh, nhiều con nghiện đến hoạt động. Từ khi mọi người trong khu phố chung tay dọn dẹp, trồng hoa, vẽ tranh lên đã biến chân cầu thô cứng, ô nhiễm này trở nên có sức sống hơn. Mọi người giờ ai cũng muốn ngắm nhìn ra trước nhà để nhìn những cây hoa đang dần xanh tốt và chờ ngày nở hoa".

Chủ nhân của bức tranh cùng con gái chăm sóc vườn hoa mười giờ ngay dưới bức tranh và dọc theo chân cầu của khu phố.
Chủ nhân của bức tranh cùng con gái chăm sóc vườn hoa mười giờ ngay dưới bức tranh và dọc theo chân cầu của khu phố.

Khi được hỏi về kinh phí bỏ ra vẽ bức tranh "khủng" để tô đẹp phố phường, anh Thuật khiêm tốn cho biết: "Mình may được sự ủng hộ của người bạn là họa sĩ nên chỉ mất tiền vật liệu, giá mỗi mét tranh cũng rẻ hơn so với giá thị trường rất nhiều. Nếu tính nhanh thì chi phí vẽ bức tranh này cũng hơn 10 triệu đồng, nhưng với mình điều đó không quan trọng bằng ý tưởng của mình đã được thực hiện và hạnh phúc hơn nữa khi có nhiều người cũng vui mừng và thấy thích thú về điều này".

Thái Bá