Sóc Trăng:

Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian

(Dân trí) - Xuất thân từ xứ dừa Bến Tre, người con gái của quê hương Đồng Khởi về làm dâu vùng đất Sóc Trăng. Chị đã gây tiếng vang khi nhiều năm qua miệt mài sưu tầm, lưu giữ, cải tiến nhiều loại bánh dân gian Nam Bộ.

Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan (SN 1967) cho biết, chị quê ở huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre). Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Toán của trường ĐH Cần Thơ, năm 1993 chị theo chồng về tỉnh Sóc Trăng.

Riêng về công việc làm bánh thì chị vốn đã yêu thích từ lâu, nhưng đến khoảng năm 2000 chị mới chính thức ra mắt cộng đồng với thương hiệu Bánh kem Ngọc Lan cùng slogan “Hạnh phúc là sống với đam mê, thành công là biến đam mê thành thu nhập bền vững”.

Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian - 1

Nghệ nhân làm bánh Huỳnh Ngọc Lan.

Giới thiệu về sản phẩm của mình, nghệ nhân Ngọc Lan vui vẻ cho biết: “Tôi đã có trên 200 loại bánh Á – Âu và hàng trăm loại bánh dân gian. Trong đó, tôi rất thích và gắn bó với các loại bánh dân gian như bánh bầu, bánh chuối, bánh củ cải, bánh da lợn, bánh lá, bánh khọt, bánh xèo, bánh khoai mì, bánh ít trần, bánh cốm dẹp, bánh gan,….”.

Theo nghệ nhân Ngọc Lan, các loại bánh dân gian của chị được làm từ nguyên liệu là sản phẩm của nhà nông ở địa phương, có sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, cả về hình thức và chất lượng, tạo được dấu ấn riêng không ai có được. Nguyên liệu cho các loại bánh là gạo, nếp, chuối, khoai mì (sắn), dừa, gấc, sầu riêng, bí xanh, bí đỏ, lá cẩm, củ dền,… đều rất tốt cho sức khỏe.

Đặc biệt, có những loại bánh dân gian đã bị thất truyền từ lâu nhưng hiện nay nghệ nhân Ngọc Lan đã dày công sưu tầm, phục hồi như loại bánh bầu, vốn là của người Hoa ở vùng biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Theo chị Lan, bánh bầu có 2 loại là bánh bầu ngọt và bánh bầu mặn. Bánh này được làm từ nguyên liệu là bầu xanh hoặc bầu trắng (được nhà nông trồng làm thực phẩm), nước cốt dừa, nhân tôm tươi, nước mắm ngon và gia vị (bí mật nhà nghề không thể tiết lộ).

Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian - 2
Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian - 3
Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian - 4
Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian - 5
Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian - 6
Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian - 7
Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian - 8

Một số loại bánh dân gian mà nghệ nhân Ngọc Lan làm ra như bánh da lợn, bánh chuối, bánh bò,...

Ngoài ra, nghệ nhân Ngọc Lan còn “phá cách” để tạo ra nhiều sản phẩm bánh cùng của một loại bánh. Như bánh chuối nướng, chị cho ra đời nhiều sản phẩm với nhiều màu sắc khác nhau, nhìn vào không ai nghĩ đó là bánh chuối nướng quen thuộc mà cứ cho rằng đó là bánh Âu. Với loại bánh bầu, chị cho ra đời bánh bầu lá cẩm (màu tím), bánh bầu sầu riêng (màu vàng),…

Nói về cơ duyên nào khiến chị gắn bó với loại bánh dân gian thì chị Lan cho biết: “Bánh dân gian sử dụng nguyên liệu có sẵn của nhà nông, giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền của mọi người. Hơn nữa, cha ông mình đã sáng tạo ra nhiều loại bánh từ bao đời nay nhưng bây giờ đã bị mai một, thậm chí bị thất truyền. Vì thế, tôi muốn góp sức mình khôi phục, gìn giữ nét văn hóa đó.

Hiện nay, tôi vừa làm vừa dạy các học viên làm các loại bánh dân gian, hi vọng các em sẽ tiếp tục phát huy, gìn giữ loại bánh truyền thống của cha ông mình và nâng tầm bánh dân gian của chúng ta lên tầm cao, vươn xa khắp thế giới”.

Người con gái xứ dừa mê bánh dân gian - 9

Nghệ nhân Ngọc Lan đang hướng dẫn các học viên học nghề làm bánh.

Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan chia sẻ, tới đây, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ VIII, năm 2019 dự kiến diễn ra vào tháng 4 tại TP Cần Thơ, chị sẽ đem bánh củ cải và bánh lá để giới thiệu với du khách. Bánh sẽ được cải tiến từ hình thức đến chất lượng để vừa đẹp mắt, sang trọng, vừa đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách.

“Sắp tới, tôi sẽ mở rộng cơ sở để phát triển, duy trì dòng bánh dân gian, khôi phục lại những loại bánh nguy cơ thất truyền để tái tạo, phát huy các sản phẩm bánh dân gian của địa phương”, nghệ nhân Ngọc Lan bày tỏ.

Cao Xuân Lương