Hà Tĩnh:

Người “canh rừng” dưới núi Hoành Sơn

(Dân trí) - Chứng kiến những cánh rừng ngày một biến mất, người cựu binh Nguyễn Tiến Vít đã làm đơn xin được bảo vệ những cây gỗ quý, quyết tâm trả lại màu xanh cho rừng...

Ông Vít bên những đứa con tinh thần của mình
Ông Vít bên những "đứa con" tinh thần của mình

Hơn 20 năm nay, người dân ở xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã quá quen thuộc với hình ảnh của ông Vít. Người ta trầm trồ khen sự dũng cảm, lòng quyết tâm của ông Vít khi đã giữ lại được màu xanh cho những cánh rừng.

Ông Vít kể, ngày xưa ở khu vực Kỳ Thượng (nằm dưới ngọn núi Hoành Sơn) này chỉ có rừng với rừng. Thế nhưng theo thời gian, những cánh rừng ấy dần biến mất.

Sau hơn 6 năm làm nghĩa vụ đến năm 1974 ông trở về quê hương mang trên mình thương tật 3/4.

Mang trong mình vết thương, nỗi đau của chiến tranh nhưng có lẽ nỗi đau đớn nhất trong ông lúc bấy giờ là những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề và đang dần biến mất.

“Tôi lớn lên từ những cánh rừng này nên khi làm nghĩa vụ trở về không còn rừng nữa tôi rất đau lòng. Lúc đó tôi cứ suy nghĩ phải làm một cái gì đó để cứu rừng, trả lại màu xanh cho rừng”, ông Vít chia sẻ.

Nghĩ là làm, ông đã làm đơn xin chính quyền địa phương khoanh trồng và bảo vệ 40 héc ta rừng, trong đó có 10 héc ta rừng tự nhiên

Sau khi được chính quyền đồng ý, ông bắt tay thực hiện kế hoạch mà mình đã vạch sẵn.

Những cây nguyên sinh thì ông giữ lại, phát quang. Đồng thời, ông đi mua những loại cây giống phù hợp với địa hình để về trồng vào những khu vực rừng bị chặt phá, đất trống.

“Lúc thực hiện thì cũng có lời vào lời ra, cho rằng tôi làm vậy chẳng có kết quả, 100 năm sau cánh rừng này cũng không thể phục hồi. Nhưng tôi cứ bỏ ngoài tai và tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình”, ông Vít nói.

Ông Nguyễn Tiến Vít: Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi đã phải mất bao công sức, mồ hôi, thậm chí là máu của mình
Ông Nguyễn Tiến Vít: "Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi đã phải mất bao công sức, mồ hôi, thậm chí là máu của mình"

Để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống hằng ngày cũng như tiền để mua cây giống trồng rừng, ông Vít đã cải tạo đất xung quanh bìa rừng, đào ao thả cá, nuôi gà, trồng thêm ít cây hoa quả.

Sau hơn 10 năm tỉ mẩn với bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu đến nay những vùng đất hoang hóa trên thượng nguồn Kỳ Thượng đã trở thành những rừng cây bạt ngàn, xanh tốt với nhiều loại cây gỗ quý hiếm như lim, táu, sến, dẻ đỏ, có cây cao 40 m, đường kính 40 cm đến 50 cm.

Thế nhưng trồng được rừng đã khó, giữ rừng lại càng khó hơn.

Khi rừng đang bắt đầu hồi phục trở lại thì lâm tặc đã đến tại rừng để chặt hạ. Vì muốn bảo vệ rừng, nên ông Vít đã có nhiều lần bị lâm tặc đánh trọng thương.

“Vì tôi làm lán bảo vệ rừng ngay dưới chân núi nên lâm tặc khó có thể phá rừng. Có hôm, biết hai vợ chồng tôi ngủ trong lán trại, chúng phục kích ném đá khiến tôi bị chảy máu ở đầu. Vợ con lúc đó rất lo lắng cho tôi. Nhưng được các cơ quan chức năng cùng phối hợp nên lâm tặc không thể làm được gì", ông Vít nhớ lại.

Mỗi năm ông đầu tư hàng chục triệu đồng để tiếp tục trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Rừng của ông quy hoạch trồng chỉnh chu, thành nhiều tầng, lớp, phía trên trồng các loại cây lấy gỗ rợp bóng phía dưới trồng cây mây, tắt và các loại cây cho thu hoạch ngắn ngày.

Ngoài thời gian trồng và giữ rừng, ông còn thường xuyên đi tuyên truyền người dân cùng thực hiện giữ rừng. Nhờ vậy mà màu xanh đang dần trở lại trên những ngọn đồi ở Kỳ Thượng.

Nhìn lại “công trình” suốt 20 năm của ông với những cánh rừng xanh ngát, những cây gỗ sừng sững ai cũng phải thán phục ông.

“Ông Vít là người tích cực trong công tác bảo vệ rừng. Ông cũng thường xuyên vận động nhân dân, cũng như các đối tượng khác tham gia bảo vệ rừng, giảm thiểu việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép”, một cán bộ xã Kỳ Thượng nói.

Xuân Sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm