Ngồi ngoài đường cúng giải hạn: Phản cảm, thiếu văn minh

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh việc ngồi ngoài đường cúng giải hạn vừa mất an toàn giao thông vừa không có tác dụng tâm linh.

Dịch vụ giải hạn tăng giá từng năm?

Đầu năm, nhiều người thường lựa chọn đến chùa, đền để dâng sao giải hạn, cầu phúc, cầu bình an đối với gia đình và con cái. Tuy nhiên theo chuyên gia văn hóa, một tập quán hay, ý nghĩa của dân tộc đang bị biến tướng tại nhiều nơi, trở thành dịch vụ giải hạn, kinh doanh trục lợi.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng lễ giải hạn đã có từ lâu và hiện nay đang khá phổ biến trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Để xua đi vận đen của bản thân và gia đình, nhiều người thường tìm đến chùa, đền để tỏ lòng thành kính.

GS.TS Thịnh khẳng định: “Quan niệm số phận con người tương ứng với một sao có từ rất xa xưa nhưng có đúng hay không thì không ai biết, không có gì để căn cứ cả. Nó thuộc vấn đề tâm linh, có cái rõ có cái không rõ.

Tâm lý nhiều người bây giờ là cứ làm, có trúng hay không thì cũng được. Giải hạn để cho yên tâm, dẹp bớt nỗi lo trong lòng”.

Tuy nhiên, theo GS.TS Thịnh, tín ngưỡng như các cụ ngày xưa chỉ cần lòng thành hướng phật 1 nén hương chứ không cần gì nhiều lễ vật. Nhưng giờ xã hội thay đổi và trở nên rất tệ khi cứ nghĩ rằng có nhiều lễ vật cúng thần là được hưởng nhiều may mắn.

“Quan niệm cứ lễ vật chất đống như vậy sẽ được phù hộ. Cái đó rất sai lầm vừa phản văn hóa, vừa phản tín ngưỡng. Quan trọng chính là tấm lòng thành kính hướng phật, làm nhiều điều tốt đẹp. Người dân cần phải hiểu được điều này.”, GS.TS Thịnh nhấn mạnh.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh việc ngồi ngoài đường cúng giải hạn vừa mất an toàn giao thông vừa không có tác dụng tâm linh. Ảnh: Dân Việt
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh việc ngồi ngoài đường cúng giải hạn vừa mất an toàn giao thông vừa không có tác dụng tâm linh. Ảnh: Dân Việt

Từng nhiều năm nghiên cứu cũng như tham gia trực tiếp vào các lễ dâng sao giải hạn đầu năm, GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng bên cạnh nhiều địa phương làm nghiêm túc thì một số nơi đã biến tập quán tốt đẹp của dân tộc trở thành dịch vụ để kinh doanh, trục lợi phản cảm.

“Cách đây vài năm một khóa lễ chỉ khoảng 200.000 – 300.000 đồng nhưng gần đây nó lên cùng với giá thành khoảng 800.000 – 900.000 đồng, thậm chí có nơi người ta còn kinh doanh, chặt chém cao hơn. Việc này là phi tôn giáo, phi tín ngưỡng. Đây là điều nguy hiểm nhất hiện nay của Việt Nam khi trục lợi hóa trong tín ngưỡng.”, GS.TS Thịnh chỉ rõ.

Theo ông, việc người dân đổ xô đi đến chùa, đền làm giải hạn đầu năm vô tình đã trở thành động lực để một số người lợi dụng biến thành dịch vụ giải hạn để trục lợi.

“Tâm lý thì liên quan đến tâm linh thì người ta không bàn đến giá cả. Cái đó dễ dẫn đến việc người ta lợi dụng nâng giá. Người dân đành phải chấp nhận. Chả lẽ đến đó mà trả giá như mớ rau ngoài chợ.

Dâng sao giải hạn là cái mà ai muốn đi thì đi với tấm lòng thành kính là chủ yếu. Việc cứ nâng dần giá lên là rất nguy hiểm. Tín ngưỡng và văn hóa không thể đem ra kinh doanh được. Dần dần nó sẽ biến tướng thành một cái tệ nạn”, GS.TS Thịnh lo ngại.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, cần hạn chế những người việc lợi dụng tín ngưỡng để chặt chém, thu tiền, mở dịch vụ kinh doanh.

Ngồi tràn ra đường là phản cảm

Đánh giá về việc nhiều người dân vì muốn cầu bình an, giải hạn đã ngồi tràn ra đường, GS.TS Thịnh khẳng định đây là hành động phản cảm và cần phải chấn chỉnh lại.

Theo ông những cảnh tượng trên không phải là phổ biến trong xã hội hiện nay và chỉ xuất hiện ở một vài nơi khuôn viên chùa chật hẹp.

“Nhà chùa và địa điểm đó phải tổ chức như thế nào để người dân người ta có thể thực hiện tín ngưỡng một cách lành mạnh chứ ngồi ngoài đường mà chờ giải hạn thì làm sao mà có tác dụng được. Việc cảnh sát đứng ra để dẹp đường cũng không nên, chính quyền không nên tham gia vào những việc đó.”, GS.TS Thịnh cho biết thêm.

Vị giáo sư nhấn mạnh dù là thiểu số nhưng nhà chùa và chính quyền địa phương cần phải có những biện pháp hợp lý để dẹp bỏ hiện tượng chưa được đẹp mắt, gây phản cảm trong xã hội.

“Chùa có thể tổ chức ngày này, ngày kia làm thành nhiều đợt để thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhà chùa cũng cần phải có một đội ngũ để tổ chức, tránh lộn xộn. Ngoài ra, chính quyền và cán bộ văn hóa địa phương phải nắm và chấn chỉnh ngay những hiện tượng chưa đẹp. Chính quyền người ta biết cả. Cái này thuộc về quản lý thôi, hoàn toàn có thể làm được.”, GS.TS Thịnh thẳng thắn.

Theo Đất Việt