Ngôi làng đến nay vẫn dùng nhà vệ sinh kiểu "cầu tõm"

Huy Hoàng

(Dân trí) - Mỗi lần có nhu cầu cần đi vệ sinh, Ramjaena sống ở làng Paku Alam (Indonesia) lại nhìn xung quanh xem liệu có ai đang ở gần đó hay không, rồi mới ngại ngần bước vào.

Những âm thanh gây "xấu hổ"

Ramjaena sống ở làng Paku Alam, nằm trên phụ lưu của sông Martapura thuộc Nam Kalimantan, Indonesia. Đến nay khi bước sang tuổi 35, người phụ nữ này đã quen với kiểu đi vệ sinh dạng "cầu tõm". 

Ngôi làng đến nay vẫn dùng nhà vệ sinh kiểu "cầu tõm"

Giống như hầu hết người dân trong làng, nhà vệ sinh gia đình nhà Ramjaena nằm dọc theo bờ sông, xây theo kiểu "nhà sàn", làm từ gỗ và chỉ có mảnh vải mỏng bao quanh để đảm bảo sự riêng tư với diện tích khoảng 1,5m2. Trước nhà có lối đi nhỏ bằng gỗ tới khu vệ sinh.

Ngôi làng đến nay vẫn dùng nhà vệ sinh kiểu cầu tõm - 1
Nhà vệ sinh dạng nổi có từ nhiều đời nay ở ngôi làng Paku Alam

Suốt hàng chục năm đã quá quen với kiểu đi vệ sinh này, nhưng mỗi khi có "nhu cầu", Ramjaena vẫn phải nhìn ngó xung quanh xem liệu có ai đang ở gần đó hay không, rồi mới ngại ngần bước vào trong. Và khi âm thanh của "chất thải" rơi xuống sông, cô vẫn thấy xấu hổ.

"Tôi thật sự rất ngại. Chúng tôi không thích nhà vệ sinh kiểu thiên nhiên thế này, chỉ muốn có một nơi riêng tư", cô bày tỏ.

Chẳng riêng gì Ramjaena, đây là sự mong mỏi chung của rất nhiều người dân trong làng. Các nhà bảo vệ môi trường đã lắng nghe, kêu gọi chính quyền cần xem xét vấn đề. Nhưng thực tế, việc xây dựng những khu nhà vệ sinh khép kín cho toàn bộ người dân tại làng Paku Alam không phải là điều đơn giản.

Khó khăn nối tiếp

Ở tỉnh Nam Kalimantan của Indonesia có khoảng 150 con sông và hàng nghìn nhà vệ sinh như vậy. Người dân địa phương vẫn gọi đó là "nhà vệ sinh nổi". Đây là vấn đề ở khu vực nơi có hơn 4 triệu cư dân.

Ông Kisworo Dwi Cahyono, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Walhi South Kalimantan cho biết, dọc suốt chiều dài lịch sử, tỉnh thành này đã gắn liền với những con sông.

"Xét theo văn hóa và truyền thống, người địa phương chưa quen cuộc sống rời xa sông nước. Họ có thói quen sinh hoạt trên sông, từ tắm gội, đi vệ sinh cho tới đi lại bằng thuyền", chuyên gia cho biết.

Ngôi làng đến nay vẫn dùng nhà vệ sinh kiểu cầu tõm - 2
Chị Ramjaen đứng trước khu nhà vệ sinh của gia đình

Trong khi đó, bà Hanifah Dwi Nirwana, người đứng đầu cơ quan môi trường ở địa phương lưu ý, hầu hết người dân sống dọc theo các con sông ở Nam Kalimantan vẫn còn thói quen dùng "nhà vệ sinh nổi" trong những năm qua. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa biết chính xác còn bao nhiêu hộ như vậy.

Cuộc sống gắn bó với sông nước đã trở thành một phần văn hóa của người dân Nam Kalimantan. Họ tắm giặt bên sông, trò chuyện cùng hàng xóm. Vào buổi sớm, dân làng lại tắm ở sông Martapura hay chèo thuyền tới chợ nổi Lok Baintan. Đây vốn là điểm du lịch hút khách nổi tiếng.

Ngôi làng đến nay vẫn dùng nhà vệ sinh kiểu cầu tõm - 3
Chợ nổi Lok Bainta ở gần đó là điểm du lịch có tiếng trong vùng

Tuy nhiên, khi được hãng tin CNA phỏng vấn, những người dân địa phương bày tỏ, việc còn giữ lại lối vệ sinh kiểu cổ, không chỉ do lối sống truyền thống, mà phần nhiều là do khó khăn tài chính.

"Thực ra chúng tôi không đủ tiền để xây một nhà vệ sinh bình thường. Muốn xây, gia đình phải bỏ ra khoảng 333 USD (hơn 7,7 triệu đồng). Con số này còn cao hơn mức thu nhập mỗi tháng", cô nói.

Thật vậy, với một gia đình hai vợ chồng làm nghề nông, lại thêm việc nuôi 4 người con như Ramjaena, điều này vượt quá tầm với.

Hay như Idup, một người dân sống trong làng, cũng thú thật ông không đủ tiền để làm một nhà vệ sinh mới, thay thế cho "cầu tõm".

"Tôi thường chờ xung quanh thật yên tĩnh mới dám dùng nhà vệ sinh", người nông dân ngoài 70 tuổi, bộc bạch.

Dù bất tiện, nhưng các hộ gia đình như nhà chị Ramjaena hay ông Idup thực ra còn "sướng hơn" nhiều người khác trong làng. Có những hộ khó khăn phải chung nhau xây tạm "nhà vệ sinh nổi". Nếu không may nhiều người cần dùng một lúc, điều này rất bất tiện.

Những hệ lụy

Trước kia, những nhà vệ sinh nổi chưa trở thành mối quan tâm nhiều vì số lượng còn ít. Nhưng đến nay, khi dân số ở Nam Kalimantan tăng lên, số lượng "cầu tõm" cũng tăng theo. Đi cùng với đó là mức độ ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Kết quả kiểm tra của chính quyền địa phương cho thấy, nước sông chứa nhiều vi khuẩn như (E.coli) trong phân thường tìm thấy ở ruột của người và động vật. Vi khuẩn này có thể gây bệnh.

Ngôi làng đến nay vẫn dùng nhà vệ sinh kiểu cầu tõm - 4
Đến nay, việc xóa sổ những nhà vệ sinh thế này không thể diễn ra trong một sớm một chiều

"Nước sông Martapura và nước ở thượng nguồn đều không đạt tiêu chuẩn", bà Nirwana nói.

Các nhà vệ sinh nổi đang biến dòng sông thành "nơi chứa phân" còn nguồn nước thì ô nhiễm. Trong khi đó, người dân vẫn dùng nước sông để sinh hoạt, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. 

Nhằm giải quyết vấn đề, chính quyền địa phương đã xây dựng một số khu vực vệ sinh trên đất liền. Nhưng vẫn có người dân quyết xây nhà vệ sinh kiểu cũ chỉ vì thói quen. Theo các chuyên gia, việc loại bỏ chúng không đơn giản, vì nhận thức của người dân là điều quan trọng không kém.

Ảnh: CNA

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm