Ngôi chùa cổ ở miền Tây có hàng trăm tác phẩm điêu khắc từ gỗ

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Sau thời gian làm lễ và đi khất thực, các nhà sư ở chùa Hang sẽ xuống xưởng mộc để điêu khắc gỗ. Họ đã cùng nhau tạc nên tác phẩm Nhất Long Giang được công nhận kỷ lục châu Á.

Chùa Hang là tên người dân thường dùng để gọi chùa Kamponnigrodha, một trong những ngôi chùa Khmer nổi tiếng nhất ở Trà Vinh.

Ngoài kiến trúc độc đáo và khu vườn cổ thụ rộng lớn có hàng ngàn con chim trời trú ngụ, chùa còn thu hút du khách vì có hàng trăm tác phẩm điêu khắc gỗ do chính các sư trong chùa thực hiện.

Ngôi chùa cổ ở miền Tây có hàng trăm tác phẩm điêu khắc từ gỗ - 1

Sau thời gian làm lễ và khất thực, các sư ở chùa Hang sẽ đến xưởng mộc để điêu khắc (Ảnh: CTV).

Các sư ở đây chia sẻ, năm 1990, chùa đã mời nhà sư Thạch Buôl từ Vĩnh Long về khắc tượng tứ linh. Nhiều nhà sư trẻ trong chùa thích thú với việc điêu khắc nên đã theo sư Thạch Buôl phụ việc và học nghề.

Chỉ sau mấy năm, nhiều sư ở chùa Hang đã có tay nghề tốt. Chùa cũng mở xưởng mộc, tận dụng những gốc cổ thụ trong vườn để tạc tượng.

"Sản phẩm giá trị đầu tiên mà các sư trong chùa thực hiện là tác phẩm Cửu Long, được khách trả giá hơn 1 tỷ đồng nhưng chùa không bán. Tác phẩm cao hơn 2m, dài hơn 4m, tạc 2 mặt gốc cây dầu cổ thụ thành 9 con rồng", nghệ nhân ưu tú Sơn Sốc (49 tuổi), người thuộc lớp sư thạo nghề điêu khắc đầu tiên ở chùa Hang chia sẻ.

Ngôi chùa cổ ở miền Tây có hàng trăm tác phẩm điêu khắc từ gỗ - 2

Một gốc cây sắp được tạc chủ đề 12 con giáp (Ảnh: CTV).

Đến đầu những năm 2000, các nhà sư ở chùa Hang đã tạc được trên 100 tác phẩm, chủ yếu về chủ đề linh vật và các hoạt động đời sống thường ngày của đồng bào Khmer. Các tác phẩm đều không bán mà được trưng bày trong chùa phục vụ khách tham quan.

Tay nghề của các nhà sư ở chùa Hang dần nổi tiếng. Nhiều người khắp miền Tây mang gỗ đến chùa nhờ điêu khắc, tiền công được gộp vào tiền cúng dường để xây dựng chùa và làm các hoạt động xã hội. Nhiều người và nhiều nhà sư ở các tỉnh cũng tìm đến chùa học nghề.

Ông Sơn Sốc cho biết, 20 năm qua, mỗi năm lớp dạy điêu khắc của chùa có khoảng 5 người theo học. Theo phong tục của đồng bào Khmer, con trai đều sẽ trải qua thời gian đi tu, sau đó tùy duyên có thể ở lại chùa hoặc hoàn tục. Nhiều nhà sư trong thời gian xuất gia học được nghề điêu khắc, khi hoàn tục đã trở thành nghệ nhân nổi tiếng.

Ngôi chùa cổ ở miền Tây có hàng trăm tác phẩm điêu khắc từ gỗ - 3

Một phần của tác phẩm Cửu Long nổi tiếng do các sư ở chùa Hang thực hiện (Ảnh: CTV).

Đến nay, sản phẩm giá trị nhất mà các nhà sư ở chùa Hang đã thực hiện là tác phẩm Nhất Long Giang. Tác phẩm này thể hiện đang dạng chủ đề từ văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, tạo tác 2 mặt trên gốc dầu cổ thụ nguyên khối.

Nhất Long Giang dài 6m, rộng 4m, nặng gần 9 tấn, được các nhà sư tạo tác suốt 14 tháng. Tác phẩm đã được xác nhận kỷ lục độc bản châu Á hồi tháng 6.

Hàng ngày, sau những thời gian làm lễ và khất thực, khoảng 5 nhà sư lại đến xưởng mộc làm việc. Trong xưởng có nhiều tác phẩm đang dần hoàn thiện, nhiều gốc cây đang được tạo hình.

Những tác phẩm do các nhà sư điêu khắc chủ yếu có kích thước vừa phải, giá trị 30-40 triệu đồng. Mỗi tác phẩm đều là công sức của cả tập thể.

Sư Thạch Ngọc Sang (27 tuổi) đã học nghề điêu khắc 3 năm cho biết, công việc này cần đam mê, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Dù đã thành thạo mọi việc, có thể khắc hầu hết chủ đề nhưng sư Sang tự nhận tay nghề còn yếu. Vì vậy nhà sư trẻ luôn chăm chỉ và tự giác rèn luyện.

Sư Kim Sa Rết (28 tuổi) đang tu tại một ngôi chùa cách chùa Hang hơn 40km nhưng đã tìm đến đây học nghề điêu khắc. Sư Rết muốn học nghề điêu khắc để có thể tạc được tượng cho chùa nơi đang tu tập.