Hàng nghìn con chim trú ngụ trong ngôi chùa cổ 300 năm
(Dân trí) - Trong ngôi chùa cổ ở Trà Vinh luôn có hàng nghìn con chim đậu kín cành cây. Những loài chim quý hiếm có tên trong Sách đỏ quốc gia cũng tìm về đây trú ngụ.
Chùa Nodol tọa lạc tại xã Đại An (Trà Cú, Trà Vinh) có lịch sử trên 300 năm. Từ lâu ngôi chùa Khmer cổ này đã được người dân gần xa quen gọi là chùa Cò vì vườn chùa thường xuyên có hàng nghìn con chim, cò trú ngụ.
Một khách du lịch chia sẻ khi đến cổng chùa mới biết tên thật của địa danh này bởi trên bản đồ du lịch thể hiện là chùa Cò.
Hòa thượng Pháp Tánh, sư Cả chùa Nodol cho biết, chùa được xây dựng từ năm 1677 trên diện tích gần 6 ha. Trong khuôn viên chùa, ngoài những công trình thờ tự và công trình chức năng, phần diện tích rất lớn còn lại đều được trồng cây xanh.
Vì có đầm nước, cây cối rậm rạp được nhà chùa cùng người dân trong vùng bảo vệ nên nơi đây có hàng nghìn con chim kéo nhau về trú ngụ. Những cây lớn trong vườn chùa đều có nhiều tổ chim với đủ kích thước.
Sáng và chiều, khuôn viên chùa đều râm ran tiếng chim kêu. Từng đàn chim lượn vòng trên mái chùa cổ kính tạo nên cảnh sắc yên bình, thơ mộng.
Trong vườn chùa Nodol chủ yếu là cò. Ngoài cò trắng còn có cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, cò giang, cò và.
Cò quắm đặc trưng bởi chiếc mỏ cong xuống là loài chim lớn nhất trong vườn chùa Nodol với trọng lượng khoảng 3kg.
Theo ghi nhận của phóng viên, cò cổ rắn quý hiếm có tên trong Sách đỏ quốc gia cũng tìm về đây làm tổ.
Ngoài ra, vườn chùa cũng có rất nhiều loài chim khác như diệc, vạc, cồng cộc, mòng, két, sáo…
"Chim, cò bắt đầu kéo về chùa từ hơn 100 năm trước, mọi người thấy vậy mới quen gọi là chùa Cò. Ngày trước lượng chim rất nhiều, từ xa đã thấy chim đậu kín chùa, tiếng kêu vang vọng", sư Cả chia sẻ.
Hòa thượng Pháp Tánh chùa Nodol cho biết, mấy năm gần đây, do nước nhiễm mặn, cây chết, chim mất chỗ làm tổ nên đã bay đi nhiều. Nhà chùa và người dân đang trồng thay thế những cây mới để khôi phục cảnh quan.