Ngỡ ngàng trước những dải băng lạ trên đường lên chùa Đồng - Yên Tử

(Dân trí) - Chùa Đồng – Yên Tử đang mất dần đi vẻ thanh tịnh của chốn thiêng vì gọi mời oang oang của rất nhiều thợ ảnh. Ngoài ra, những dải băng màu đỏ treo đầy cành cây dọc lối lên chùa cũng khiến nhiều du khách ngỡ ngàng.

Tiếng rao thợ ảnh "phá toang" thanh tịnh chốn thiêng

Trên chặng đường đường về với đất Phật – Yên Tử, chùa Đồng là điểm dừng chân cuối cùng mà bất kỳ khách hành hương nào cũng muốn đến. Đây được xem là điểm giao hòa giữa đất trời với thiên nhiên, nơi mà con người sẽ tìm thấy sự thanh tịnh và linh thiêng của chốn Phật. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chốn thiêng này đã không còn giữ được sự thanh tịnh vốn có vì có quá nhiều thợ ảnh bủa vây.

Có mặt tại chùa Đồng – Yên Tử vào ngày 1/4, phóng viên chứng kiến tới vài chục thợ ảnh mặc đồng phục lẫn không mặc đồng phục len lỏi khắp mọi ngóc ngách để gọi mời khách hành hương. Điều đáng nói là tiếng oang oang của cánh thợ ảnh át luôn cả tiếng chuông chùa và tiếng khấn nguyện của khách hành hương khiến không ít người cảm thấy khó chịu.

Ngỡ ngàng trước những dải băng lạ trên đường lên chùa Đồng - Yên Tử - 1
Ngỡ ngàng trước những dải băng lạ trên đường lên chùa Đồng - Yên Tử - 2
Thợ chụp ảnh cất tiếng mời gọi khách hàng hương chụp ảnh ở mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Tùng Long.
Thợ chụp ảnh cất tiếng mời gọi khách hàng hương chụp ảnh ở mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Tùng Long.

Bà Tô Thị Vân (62 tuổi) ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, đây là lần đầu tiên bà hành hương về Yên Tử. Cứ ngỡ khi đặt chân lên đến chùa Đồng, bà sẽ cảm nhận được một cách trọn vẹn nét thanh tịnh – trầm mặc của ngôi chùa nổi tiếng này. Tuy nhiên, khi trải qua một chặng đường dài leo núi rất mệt, vừa đặt chân đến chùa Đồng đã ngay lập tức bị một toán thợ ảnh đến bủa vây mời gọi chụp ảnh.

“Cứ tưởng lên đến chùa Đồng sẽ được tĩnh tâm – yên ắng mà chắp tay lễ Phật, khấn nguyện cầu bình an… nhưng tôi lại cảm thấy rất khó chịu vì tiếng rao của cánh thợ ảnh phá toang bầu không gian này. Họ luồn lách vào mọi lối đi của khách hành hương để mời chụp ảnh lấy nhanh với giá 25.000 đồng/tấm. Thậm chí, họ còn oang oang chỉnh sửa tư thế cho khách hàng mà không thèm để ý đến cảm giác của những người đi lễ Phật xung quanh”, bà Vân bức xúc.

Chưa kể, bên phải chùa Đồng là một lán tôn tạm bợ được dùng để ghi công đức, phía bên trái là một lán tôn dùng bán hàng lưu niệm và cách đó không xa là một lán tôn tập kết in ảnh của nhóm thợ ảnh. Tiếng khua khoắng của người bán hàng, tiếng mời chào của toán thợ ảnh, tiếng giao dịch của các thợ ảnh với thợ in ảnh khiến cho không gian nhốn nháo đến ngỡ ngàng.

Những dải băng màu đỏ in chữ lạ

Một điều khác cũng khiến nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng chính là những dải băng màu đỏ in chữ lạ treo đầy các ngọn cây, cành cây và thân cây ở lối lên chùa Đồng, dọc đường xuống tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Một người bán hàng rong ở đây cho biết, từ Tết Nguyên đán đến này, nhiều du khách lên chùa thường mang theo sợi dây màu đỏ này buộc vào thân cây, cành cây.... Những năm trước hiện tượng này chưa có, chỉ năm nay mới có.

Theo người bán hàng này thì khách hành hương mua dải băng đỏ này ở nhà xe Ga Giải Oan hoặc thỉnh tại Chùa Trình (thuộc quần thể di tích- danh thắng Yên Tử) rồi mang lên đây treo lên thân cây, cành cây... để cầu may.

Ngỡ ngàng trước những dải băng lạ trên đường lên chùa Đồng - Yên Tử - 4
Những dài băng màu đỏ được buộc chi chít trên các cành cây, thân cây... dọc lối đi lên chùa Đồng. Ảnh: Tùng Long.
Những dài băng màu đỏ được buộc chi chít trên các cành cây, thân cây... dọc lối đi lên chùa Đồng. Ảnh: Tùng Long.

Một vị trụ trì một ngôi chùa ở Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, dải băng màu đỏ này được nhiều người gọi là dây cát tường. Dây này vốn không phải là nét văn hóa của Phật giáo Việt Nam mà du nhập về từ Trung Quốc.

Dòng chữ trên dải băng màu đỏ này mang ý nghĩa cầu an, cầu may mắn và in bằng tiếng Trung. Điều đáng nói là nhiều Phật tử dù không hiểu hoặc chưa hiểu về ý nghĩa của dải băng này nhưng thấy người khác mua cũng mua. Và việc họ mang các dài băng này buộc lên thân cây, cành cây và thậm chí là tháp phật trong khuôn viên Yên Tử khiến cho cảnh quan không được đẹp mắt.

Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng ban Quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, việc thợ ảnh lên chùa Đồng chụp đều được sự đồng ý của Ban quản lý.

“Ban Quản lý giao cho một đầu mối, họ quản người ở trên đó, tất cả thợ ảnh đều phải mặc áo màu xanh có chữ của cửa hàng ảnh ở đằng sau. Những ngày đông đúc, chính những thợ ảnh này cũng là người phát hiện ra hiện tượng trộm cắp, báo cho anh ninh để tiến hành bắt giữ. Có thể những ngày đông, thợ ảnh mang cả người nhà lên để hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện tượng như phóng viên nêu, chúng tôi sẽ cho người tiến hành kiểm tra”, ông Dũng nói.

Còn những dải băng đỏ, ông Lê Tiến Dũng cho hay đã tuyên truyền du khách không mang dây đỏ lên cây treo nữa. Những sợi dây này từ trước và Ban Quản lý sẽ gỡ ra trong nay mai.

Hà Tùng Long