Nghẹt thở 100 tiếng giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống giếng 20m ở Ấn Độ
(Dân trí) - Trong khi đang chơi trong sân nhà, cậu bé 10 tuổi rơi xuống giếng khoan. Nhờ sự nỗ lực của đội cứu hộ, Rahul Sahu (Ấn Độ) đã được đưa lên mặt đất an toàn.
Hơn 100 tiếng cứu hộ
Tháng 6/2022, gia đình của cậu bé Rahul Sahu (làng Pihrid, huyện Janjgir-Champa, bang Chhattisgarh, Ấn Độ) trải qua nỗi lo lắng, thất thần đến vỡ òa cảm xúc khi em được đội cứu hộ đưa lên mặt đất sau 5 ngày mắc kẹt dưới lòng giếng khoan sâu hơn 20m.
Trải qua hơn 100 tiếng căng não của lực lượng giải cứu, mọi lời nguyện cầu bình an cho cậu bé tội nghiệp đã thành sự thật.
Trước đó, khi đang chơi trong sân nhà, cậu bé câm điếc bị rơi xuống giếng khoan. Người mẹ nhớ lại: "Sau khi cả nhà ngủ trưa, Rahul chơi ở sân còn tôi ngồi may vá. Một lúc sau, tôi không nhìn thấy con trai đâu, sau đó nghe thấy tiếng khóc của Rahul dưới giếng".
Được biết, giếng khoan này do gia đình Rahul làm để lấy nước. Tuy nhiên, cha mẹ của em không dùng do không có nhiều nước. Không ai ngờ rằng, chỉ một phút bất cẩn cậu bé Rahul đã bị lọt xuống dưới giếng sâu.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ gồm đội ứng phó thảm họa, quân đội, chính quyền địa phương có mặt ở nhà của Rahul. Nhân viên cứu hộ đưa loại camera đặc biệt xuống giếng để xác định tình trạng của cậu bé nhằm đưa ra phương án giải cứu.
Để có thể tiếp cận với vị trí của Rahul Sahu, đội cứu hộ đã dùng máy xúc đất và rô bốt để đào hố sâu 20m song song với giếng. Sau khi đào đến độ sâu như dự định, một đoạn hầm dài 5m được nối thông từ giếng khoan với hố mới đào để đội cứu hộ tiếp cận với Rahu.
Toàn bộ quá trình giải cứu cháu bé đã được lên kế hoạch một cách tỉ mỉ và chính xác để đảm bảo Rahul không bị thương. Trong khi đội cứu hộ đào một hố song song với giếng, quân đội lắp ống dẫn oxy nhằm cung cấp không khí để Rahul có thể thở bình thường.
Trong quá trình cứu hộ Rahul, lực lượng chức nặng gặp không ít khó khăn do thời tiết xấu. Phía dưới giếng khoan có địa hình nhiều đá, trong khi đào có rắn, bọ cạp bò ra đe dọa sự an toàn của nhân viên cứu hộ.
Khi đào được đến độ sâu 18m, lực lượng cứu hộ phải tạm ngừng chờ thêm phương tiện do gặp đá quá cứng. Một đội cứu hộ với máy móc hạng nặng chuyên xử lý các sự cố ở mỏ than được cử đến. Nhờ loại máy móc chuyên dụng này mà họ đã đào được qua lớp đá cứng nhằm sớm tiếp cận vị trí của Rahul.
Không dám tin là sự thật
Sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của đội cứu hộ, Rahul Sahu được đưa lên mặt đất an toàn. Trải qua 5 ngày ở dưới lòng đất, cậu bé vẫn tỉnh táo, nhanh nhẹn. Tiếng reo hò, vỗ tay và sự vui mừng như lời động viên, xua tan mệt nhọc của những người cứu hộ ướt đẫm mồ hôi.
Rahul Sahu được chuyển đến bệnh viện để thăm khám. Các bác sĩ đánh giá, sức khỏe của cậu bé ổn định. Tuy nhiên, em phải nằm trong phòng hồi sức cấp cứu để nhân viên y tế theo dõi thêm.
Sau những giờ chờ đợi căng thẳng, cha mẹ của Rahul có lẽ là những người hạnh phúc nhất. Thậm chí, họ không dám tin khoảnh khắc giải cứu con trai thành công là sự thật.
Người cha cũng không giấu được niềm hạnh phúc, ông nói: "Thằng bé có ý chí sắt đá. Mặc dù, con trai tôi khuyết tật, nó mạnh mẽ hơn nhiều người khác".
Người mẹ ví việc giải cứu thành công cho Rahul giống như hành trình đưa cậu bé từ cõi chết trở về.
"Khi con trai được đưa ra ngoài, tôi chỉ nhìn thấy thằng bé qua màn hình điện thoại. Tôi chỉ có thể nói lời cảm ơn với những người cứu hộ. Tôi không hề nghĩ sẽ mất con vì tất cả lực lượng từ quân đội, đội cứu hộ cố gắng không ngừng nghỉ để đưa Rahul ra ngoài", mẹ của cậu bé nhớ lại giây phút hạnh phúc đến nghẹn ngào.