Nghề lạ mua tiền rách ở TPHCM: Chỉ còn 1/2 tờ vẫn bán được!

Loan Tô

(Dân trí) - Những tờ tiền hư hỏng, cháy, mất màu, mất góc, thậm chí là chỉ còn giữ 1/2 diện tích vẫn sẽ được tiểu thương thu đổi.

"Ai tiền rách bán hông?", bà Kim Loan (60 tuổi, tiểu thương chợ đồ cổ Sài Gòn) mỉm cười, nhớ về khoảng thời gian len lỏi giữa các con hẻm, rao mua tiền vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Lâu lâu nhà dân gom được mớ đồ đồng, tiền cũ, tiền quý và cả tiền rách, họ sẽ chạy ra trước hiên, gọi bà Loan đến gom. Cứ thế, hơn 30 năm nay, nghề lạ lùng "thu tiền rách" bỗng chốc trở thành cái nghiệp "bất đắc dĩ" theo bà Loan.

Nghề lạ mua tiền rách ở TPHCM: Chỉ còn 1/2 tờ vẫn bán được! - 1

Bà Loan là một ít tiểu thương vẫn giữ cái nghề mua tiền rách vì đam mê của bản thân (Ảnh: Loan Tô).

30 năm theo nghề mua tiền rách

Thuở bé, gia đình khó khăn nên bà Loan chọn nối nghiệp theo cha hành nghề mua đồ cũ nhằm kiếm kế mưu sinh. Thời điểm đó không có vốn tích lũy, bà đành mượn tiền góp theo tháng với tiền lãi cao.

Vì gánh nặng lãi suất, mỗi ngày bà đều đạp xe đi khắp TPHCM tìm mua đồ cũ, sau đó mang ra chợ Dân Sinh (quận 1, TPHCM) bán cho các tiểu thương. Mãi một thời gian sau, tiền giấy lưu thông nhiều và thường xuyên xảy ra tình trạng hư hỏng, bà Loan bèn nghĩ ra thêm nghề thu tiền rách, đổi cho ngân hàng để kiếm lời.

"Cứ mỗi nhà có vài tờ, ít quá ngại đổi nên mình thay họ thu hồi, lấy công làm lời. Vậy nên với nghề này, 1.000 đồng, 2.000 đồng vẫn rất giá trị", bà Loan nói.

Theo đó, mỗi tờ tiền khi bị rách, cháy, mất góc, mất màu… sẽ được bà Loan đánh giá tình trạng và mua bằng 50% giá trị thực. Sau đó, bà gia công bằng cách dán, làm sạch và gửi cho các tiểu thương lớn hơn để nhận 20% tiền hoa hồng.

Tương tự, anh Tuấn Anh (34 tuổi, tiểu thương Chợ đồ cổ Sài Gòn) cho biết bản thân cũng đã có gần 15 năm hành nghề mua tiền rách. Ban đầu anh Tuấn Anh thường đi sưu tầm những tờ tiền cũ, tiền quý hiếm. Nhiều khách hàng qua đó đề nghị anh có thể giúp họ mua thêm tiền bị mất góc, rách, hư hỏng…

Nghề lạ mua tiền rách ở TPHCM: Chỉ còn 1/2 tờ vẫn bán được! - 2

Anh Tuấn Anh đang bán tiền cho khách có đam mê sưu tầm trong phiên chợ cuối tuần (Ảnh: Loan Tô).

Nhận thấy nhu cầu mà không ai giải quyết, anh Tuấn Anh đã theo nghề. Qua vài năm, tên tuổi được biết đến nên anh đã mở cửa hàng kinh doanh, khách hàng tự chủ động tìm tới khi có nhu cầu.

"Tờ 500 nghìn đồng mà rách đôi, dán lại thôi thì sẽ được đổi 400 nghìn đồng, mất góc thì 350 nghìn đồng, còn lớn quá thì 200 nghìn, 100 nghìn… Tùy mức độ mà sẽ được mua dựa trên phần trăm giá trị", anh Tuấn Anh nói.

Chỉ còn 1/2 tờ tiền vẫn bán được

Theo các nhà sưu tầm đồ cổ, nghề thu mua tiền rách bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ khi nhà nước lưu hành tiền giấy thay thế cho tiền xu. Trong quá trình này, nhiều tờ tiền xảy ra tình trạng hư hỏng, mất góc mà người dùng không có điều kiện đến ngân hàng. Ngay lập tức, những chiếc xe mua tiền dựa xu hướng này đã xuất hiện.

Thông thường, tiền sẽ được thu theo giá trị và mức độ hư hỏng, thế nhưng nó vẫn đảm bảo các yếu tố như còn số seri, 1/2 diện tích tờ tiền… Riêng những tờ không thể thu đổi tại ngân hàng thì tiểu thương nhất quyết không nhận.

Những năm 2000, việc sử dụng tiền cô-tông phổ biến đã giúp nghề mua tiền rách thịnh hành nhất. Anh Tuấn Anh kể, có tháng anh đã thu hơn 1 triệu tiền lẻ rách. Thậm chí với nhiều tờ được nhà nước thu hồi nhưng mang giá trị sưu tầm thì nhiều người vẫn sẽ mua lại với giá trị cao.

"Thường mình thu được hơn 1 triệu đồng sẽ lãi 100 nghìn đồng. Số tiền này rất ít nên nghề mua tiền rách chỉ để cho vui", anh Tuấn Anh nói.

Nghề lạ mua tiền rách ở TPHCM: Chỉ còn 1/2 tờ vẫn bán được! - 3

Nghề mua tiền rách thịnh hành nhất vào những năm 2000 khi tiền cô-tông được dùng rộng rãi (Ảnh: NVCC).

Hiện nay, chiếc xe với tiếng rao "Ai mua tiền rách" ít xuất hiện trên đường phố, các tiểu thương cũng chọn kinh doanh tại chỗ. Cả anh Tuấn và bà Loan đều thừa nhận, với việc thanh toán online nên nghề này không còn nhiều người bám trụ. Riêng cả hai cũng chỉ giữ công việc này vì đam mê sưu tầm đồ cổ.

 "Dở khóc dở cười" chuyện tiền rách

Suốt hơn 30 năm, những tiểu thương mua tiền rách gặp không ít câu chuyện "dở khóc dở cười". Trong đó, bà Loan kể khách hàng của bà là chủ tiệm tạp hóa khi thường xuyên bị trẻ con "lừa" kẹp tiền rách để mua đồ ăn vặt.

"Nhiều khi chỉ 1000 đồng, 2000 đồng nhưng đã quen biết nên khi họ gom thành số lớn thì vẫn kêu mình chạy xe tới mua", bà Loan nói.

Nghề lạ mua tiền rách ở TPHCM: Chỉ còn 1/2 tờ vẫn bán được! - 4

Hiện nay tại cà phê Chợ đồ cổ quận Bình Thạnh vẫn còn tồn tại nhiều tiểu thương thu mua tiền rách và tiền cổ (Ảnh: Hải Long)

Riêng anh Tuấn nhớ mãi tình huống 2 vợ chồng cãi nhau đã xé tờ tiền USD có giá trị lớn. Ngay sau đó cả hai ngượng ngùng tìm tới anh để có thể thu hồi. Trường hợp khác thì khách lỡ ủi đồ có tiền trong túi, tờ polymer bị nhúng nước sôi đến teo tóp.

"Thậm chí có lần cháy chợ, cọc tiền bị thiêu rụi một nửa, khách hàng chỉ còn cách đem ra ngân hàng làm giấy tờ để đổi vì giá trị quá lớn. Nghề này không còn thịnh hành nhưng với người buôn đồ cổ như tụi mình vẫn có gì đó rất vui và hoài niệm", anh Tuấn kể thêm.

Theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN, đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông quy định do rách nát, hư hỏng trong quá trình lưu thông hoặc lỗi kỹ thuật khi in đúc, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi có trách nhiệm thực hiện việc thu, đổi ngay cho khách hàng.

Đồng thời tiền cũng cần theo các điều kiện sau: Tiền rách nát, hư hỏng không phải do hành vi hủy hoại; Trường hợp bị cháy, thủng, rách mất một phần thì diện tích còn lại phải bằng hoặc lớn hơn 60%; Nếu được can dán thì phải có diện tích tối thiểu bằng 90% với tờ tiền cùng;  Đối với tiền polymer bị cháy hoặc biến dạng co nhỏ lại do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao, thì diện tích còn lại tối thiểu phải bằng 30%; Đồng thời nhận biết được ít nhất hai trong các yếu tố bảo an như: yếu tố hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, mực không màu phát quang, phát quang hàng số seri, dây bảo hiểm, yếu tố IRIODIN, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm