Ngại đổ xăng, dân văn phòng ở TPHCM "người nghỉ việc, người đạp xe đi làm"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Đợi gần một tiếng đồng hồ trong cơn mưa để đổ xăng nhưng chỉ đổ được 30.000 đồng, không ít dân văn phòng chuyển hướng sang đạp xe đi làm.

Ngại đổ xăng, dân văn phòng ở TPHCM người nghỉ việc, người đạp xe đi làm - 1

Những ngày qua, người dân TPHCM phải đợi hàng giờ đồng hồ để đổ xăng nhưng có nơi chỉ cho đổ 30.000 đồng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngán ngẩm trước tình trạng xếp hàng "rồng rắn" tại các cây xăng ở TPHCM những ngày qua, chị Minh Phượng (23 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) quyết định xin làm việc tại nhà đến hết tuần này.

Vì tính chất công việc áp lực, kèm theo phải học thêm tiếng Anh đến 22h mới nghỉ ngơi, chị Phượng tỏ ra khá ái ngại khi phải dậy sớm chỉ để xếp hàng đổ xăng.

"Tôi không thể dậy sớm được, cố lắm thì chỉ dậy được lúc 6h. Công ty tôi 7h30 là đã vào ca trực nên việc xếp hàng, tìm cây xăng hơn 30 phút, 1 tiếng thì không ổn chút nào. Mấy ngày vừa qua tôi loay hoay đi tìm cây xăng, sợ trễ nên không đổ luôn. Giờ 2 chiếc cạn xăng rồi, nhắn xin phép sếp cho làm ở nhà, may là sếp cũng thông cảm", chị Phượng nói.

Tương tự, chị Ngọc Ngân (21 tuổi, ngụ quận 12) cũng vừa nhắn tin xin phép được làm việc tại nhà, sau khi tan làm trong tình trạng xe hết xăng, dắt bộ dưới cơn mưa giờ tan tầm. Được biết, Ngân đang thực tập tại một công ty ở quận 1, mỗi ngày phải chạy hơn 14km để đi làm.

Trước cơn "khát" xăng dầu, quá trình di chuyển của Ngân càng trở nên khó khăn hơn. Để tránh đi trễ bị phạt tiền, chị Ngân xin nghỉ luôn đến hết tuần này.

Ngại đổ xăng, dân văn phòng ở TPHCM người nghỉ việc, người đạp xe đi làm - 2

Không ít dân văn phòng chuyển qua chạy xe đạp vì không thể đổ xăng (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Hôm qua tôi đi từ quận 12 lên quận 1, không tìm thấy bất kỳ cây xăng nào còn hoạt động trên đường đi. Lúc đó tôi sợ lắm vì kim xăng đã về mức đỏ. May mắn tìm được cây xăng gần công ty, tấp vào thì… bật ngửa vì quá đông. Tôi phải đợi gần 30 phút mới đổ được 50.000 đồng, chạy về nhà thì xăng cũng gần cạn", Ngân buồn bã chia sẻ.

Với thói quen đi làm bằng xe ôm công nghệ, anh Thanh Tâm (27 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) loay hoay cả buổi chiều vẫn không thể đón xe về nhà. Vào giờ cao điểm, thay vì chờ khoảng 15 phút là có xe, anh Tâm chỉ nhận được các cuộc gọi nhờ hủy cuốc vì… tài xế chưa đổ được xăng.

"Lần đầu tiên, tôi phải đi bộ 4km về nhà. Trời thì đổ mưa mà đặt xe mãi không ai nhận. May mắn có người nhận nhưng đợi 30 phút chưa thấy phản hồi, gọi lại thì tài xế nói đang chờ đổ xăng, nhờ tôi hủy chuyến giúp. Thấy vậy nên tôi quyết định làm việc ở nhà luôn. Do tính chất công việc linh hoạt, tôi có thể dễ dàng xin làm ở nhà, nhưng như vậy thì thiếu tiếp xúc với đồng nghiệp, dễ bỏ lỡ các hợp đồng tốt vì khách hàng thường ghé công ty", anh Tâm chia sẻ.

Trong khi đó, vì tính chất công việc phải thường xuyên lên công ty, không ít người chọn các giải pháp khác để đến chỗ làm một cách nhanh nhất.

Thanh Nhi (25 tuổi, ngụ quận 10) đã chọn giải pháp chạy xe đạp đến công ty từ hôm nay. Nhi cho biết, vì đã có thói quen tập thể dục rèn luyện sức khỏe, việc đạp xe đến chỗ làm được xem như "một công đôi việc".

"Thấy chỗ nào cũng xếp hàng dài để đổ xăng, tôi cũng không muốn mất thời gian đứng chờ làm gì. Chạy xe đạp vừa giúp tôi giữ gìn sức khỏe, bảo vệ môi trường mà còn đem lại tâm trạng thoải mái vì không phải chờ đợi", chị Nhi tâm sự.

Ngại đổ xăng, dân văn phòng ở TPHCM người nghỉ việc, người đạp xe đi làm - 3

Nhi dự kiến đi xe đạp đi làm từ nay đến cuối tuần (Ảnh: Nguyễn Vy).

Dự tính, nữ nhân viên văn phòng này sẽ đi xe đạp trong hết tuần này, tùy theo tình hình xăng dầu trong nước. Song chị Nhi vẫn hi vọng mọi thứ trở lại bình thường để những người lao động khác không gặp khó khăn trong công việc, đời sống.

Theo ông Nguyễn Văn Út - Giám đốc công ty nội thất ở quận 10, 3 ngày qua 2/3 nhân viên công ty đều đi trễ. Theo quy định, công ty sẽ trừ lương nhưng do nhân viên có lý do đặc biệt nên được miễn trừ.

"Bản thân tôi đi đổ xăng cũng phải dậy từ 4h sáng, chờ đợi gần 2 tiếng mới có xăng đổ. Nhân viên họ không đổ được xăng thì xe đâu mà đi làm. Không riêng công ty tôi đâu, công ty nào cũng bị tình trạng tương tự. Mình làm sếp mình cũng phải tâm lý, không thể áp dụng luật công ty một cách máy móc", ông Út nói thêm.

Để hỗ trợ nhân viên, tuần này công ty của anh Út sẽ đi làm muộn hơn thường ngày 3 tiếng. Công ty cũng đang xem xét phương án mua xăng dự trữ để hỗ trợ nhân viên nếu tuần tới tình hình xăng dầu vẫn chưa thể ổn định. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm