Nét đẹp nhà rường Huế
(Dân trí) - Từng là kinh đô của Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, Huế mang nhiều đặc trưng với phủ đệ, nhà rường là nơi sinh sống của các bậc tao nhân mặc khách.
Kinh đô Huế là nơi có nhiều dạng kiến trúc phong kiến điển hình của Việt Nam vào thế kỷ XIX với cung điện, miếu mạo, lăng tẩm, đài tạ, phủ đệ... lộng lẫy và đa dạng. Đặc trưng nhất và hiện có nhiều tại Huế là các nhà rường - loại kiến trúc mà vật liệu được lấy chủ yếu từ gỗ như thân cây mít, kiền kiền, hay chò, táu...
Nếu so với ngôi nhà gỗ Đàng Ngoài, nhà rường Huế thường có nét mảnh dẻ, đan thanh bởi cột nhỏ mái thẳng và mỏng được điểm tô qua những nét nhấn bằng các loại hồi văn uốn lượn theo mô típ long hóa, giao hóa hay hoa lá cách điệu trên đường nóc hoặc các góc mái, và tuyệt nhiên không có những loại đầu đao cong vút mạnh mẽ và sinh động như ở Đàng Ngoài.
Huế phổ biến dạng kết cấu nối hai kiến trúc theo trục dọc được chuyển tiếp bằng một mái vòm mà người ta thường gọi là nhà "vỏ cua" hay "trùng thiềm - điệp ốc". Mặt bằng thường được hạ thấp hơn ở phần hiên để xóa cảm giác mái quá thấp ở tiền điện kiến trúc.
Ngôi nhà rường phổ biến ở Huế có thể kể đến là nhà một gian hai chái (nhà bánh ú), hay nhà ba gian hai chái; nhà rường thường hòa mình vào tổng thể thiên nhiên với cây xanh, rêu, đá, hoa, trái, nước... làm điều hòa giữa con người và thiên nhiên.
Trong nhà rường thường bỏ nhiều đồ vật cổ xưa chủ yếu bằng gỗ như sập gụ, tủ chè, trường kỷ cùng với hoành phi, câu đối.
Những nhà nghiên cứu văn hóa Huế thường có nhận xét: "Ngôi nhà rường truyền thống xứ Huế không chỉ là phương tiện cư trú thuần túy của con người sống ở đây mà không gian văn hóa của nó hàm chứa những dạng ngôn ngữ ẩn dụ, và sự khám phá là hoàn toàn không thừa đối với những ai muốn tìm hiểu về lịch sử văn hóa và con người xứ Huế".