Nắng nóng 40 độ, người dân "xóm ngụ cư" không dám bật quạt điện
(Dân trí) - Nắng chiếu xuống mái tôn quanh con thuyền, hơi nóng, mùi hôi nồng từ sông bốc lên khiến không gian trên thuyền trở nên ngột ngạt. Nhiều người dân làng chài dù sắm quạt nhưng không dám bật để dùng.
Mặt trời đứng bóng, làng chài Thành Công dưới chân cầu Sâng, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa im lìm.
Gần 20 con thuyền đang ghì níu vào nhau giữa dòng sông cạn, nước đục.
Tiếng anh Nguyễn Văn Tuyết (44 tuổi) vọng ra từ con thuyền nhỏ, giục 2 đứa con đi ngủ trưa. Miệng anh Tuyết thúc giục con đi ngủ nhưng chính bản thân anh lại không thể chợp mắt, phải cởi trần bởi thời tiết những ngày này ở Thanh Hóa đã trên dưới 40 độ C.
5 nhân khẩu nhà anh Tuyết cùng sinh hoạt trên con thuyền chưa đầy 15m2 vốn đã chật chội, bức bí, vào những ngày thời tiết nắng nóng, gia đình anh buộc phải di tản khỏi thuyền, lên cạn, tránh trú dưới những lùm cây.
Liên tục lau mồ hôi chảy ròng ròng trên đôi gò má rám nắng, chị Nguyễn Thị Trinh (43 tuổi, vợ anh Tuyết) cho biết, ngày mưa lo năm thì ngày nắng lo đến mười lần. Lo bởi, trời nắng, sông cạn không đánh được cá, nước sông bẩn, đục không thể tắm, rửa, giặt giũ.
"Người dân làng chài chủ yếu là lao động tự do. Người thì bán cá, phụ hồ, bốc vác... thu nhập chả được là bao. Nắng nóng có bật quạt trên thuyền lại càng nóng thêm. Khi vào đêm mới dám bật hoặc khi nào thực sự cần thiết mới sử dụng, phải dùng tiết kiệm bởi tiền điện cao", chị Trinh nói.
Theo chị Trinh, mỗi gia đình ở làng chài dù có điều kiện cũng chỉ dám sắm một vài chiếc quạt, nồi cơm điện, bóng sáng, sạc ắc quy để đánh cá thế nhưng bình quân mỗi tháng, nhà nào ít nhất cũng 200.000 đồng tiền điện, nhà nhiều thì 500.000-600.000 đồng.
Để có điện dùng, người dân đã xin của các hộ dân trên cạn rồi đấu nối qua những cây tre, luồng dựng chơi vơi, ngổn ngang dọc bờ sông. "Đường điện nhỏ thì chỉ tải được bóng sáng, cái quạt, chứ cùng lúc mà cắm thêm các thiết bị điện khác là cháy nổ có thể đến bất cứ lúc nào", chị Nguyễn Thị Huệ (41 tuổi) nói.
Quá trưa, ông Nguyễn Văn Thanh (55 tuổi) không thể tiếp tục ở trên chiếc thuyền đánh cá chưa đầy 3m2 của mình, ông đành lên lùm cây tránh nóng. Ông Thanh cho biết, hai vợ chồng ông có một người con gái đã đi lấy chồng xa. Thuyền nhỏ, không thể ở hai người nên vợ một thuyền, ông một thuyền. Hai vợ chồng ngày ngày đi bắt ốc, đánh cá, hái rau mang ra chợ bán.
"Nắng nóng thế này rất vất vả. Mình tôi có một cái quạt nhỏ và một bóng điện thắp sáng. Điện dùng chung với nhà đứa cháu trên bờ, nó không lấy tiền. Dùng nhiều thì ngại nên mỗi khi nóng quá tôi thường trú ở dưới lùm cây", ông Thanh chia sẻ.
Không thể ngả lưng bởi thời tiết ngoài trời lúc 13h hơn 40 độ C, trên con thuyền nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Phương và bà Nguyễn Thị Mợi (90 tuổi) nóng ran.
Ông Phương nói: "Sống dưới thuyền nóng như thế này người trẻ còn khó chịu chứ nói gì người già. Lên bờ không có chỗ nằm nhưng đôi lúc còn có gió, nền nhiệt cũng giảm hơn".
Ngày trước nước sông to, các thuyền còn rong ruổi nay đây, mai đó, chỗ nào thuận thì đóng. Giờ sông cạn không thể di chuyển đành phải đóng đô ở đây, như con cá nằm trong chậu, nóng cũng phải chịu.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa cho biết, trước đây có 75 hộ dân chài neo đậu tại khúc sông Hạc, thuộc phố Thành Công, phường Đông Thọ.
Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc "Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông", chính quyền đã bố trí, sắp xếp được 45 hộ lên cạn.
"Cuộc sống bà con làng chài dưới sông rất vất vả nhất là vào mùa nắng nóng, mưa bão. Trong giai đoạn tiếp theo, khi có chủ trương chúng tôi sẽ bố trí, sắp xếp cho các hộ dân được tái định cư", ông Thủy chia sẻ.