Muôn kiểu trông “khối nghỉ hè”: Mẹ trộn gạo với đậu cho con nhặt

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Trong khi nhiều phụ huynh loay hoay tìm cách quản lý con trong mùa hè từ học thêm, trại hè... thì chị Loan, sống tại Hoà Bình, chọn cách cho con lựa gạo để “giết” thời gian.

Một tuần kể từ khi nghĩ ra cách trộn hai loại gạo để con trai – bé Trần Trung Hiếu, 9 tuổi – ngồi nhặt cho đỡ chán và bớt đụng tới điện thoại, máy tính, chị Trần Loan vui mừng khi thấy con rất hợp tác.

Không chỉ làm nghiêm túc, Hiếu còn tỏ ra hào hứng với "trò chơi" mà mẹ nghĩ ra.

Chị Loan chia sẻ, Hiếu vốn sôi nổi, hoạt bát, yêu thể thao và rất thích kết bạn, nghỉ hè ở nhà con trai có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhưng lại không muốn con  tự do “ngập chìm” trong tivi hay điện thoại, vợ chồng chị đặt ra khung giờ cố định cho con sử dụng các thiết bị công nghệ.

Ngoài thời gian đó, con được khuyến khích đọc truyện, chơi thể thao, giúp việc nhà hoặc đơn giản là... nghỉ ngơi. Dù vậy, Hiếu vẫn thường xuyên than phiền: “Mẹ ơi, con chán quá, chẳng có gì làm cả”.

Nghe con nói, chị Loan bật ra một ý tưởng: “Hay là con giúp mẹ lựa gạo nhé, mẹ có ít gạo bị trộn lẫn".

Nhưng thực tế, số gạo đó chính chị đã cố tình trộn, như một “bài kiểm tra” nhỏ về sự kiên nhẫn của con.

"Tôi không quá kỳ vọng con sẽ hoàn thành, bởi việc ngồi hàng tiếng đồng hồ để phân loại từng hạt gạo là điều không dễ với một đứa trẻ. Thế nhưng, khá bất ngờ Hiếu không than phiền, ngồi vào bàn và bắt đầu cẩn thận nhặt từng hạt gạo", chị Loan cho hay.

Cậu bé còn nói: “Con sẽ làm hết để mẹ có gạo nấu cơm. Con đã nhận lời thì phải làm đến cùng”.

Chị kể: “Ban đầu tôi nghĩ con sẽ bỏ dở sau vài phút. Nhưng không, bạn ấy rất nghiêm túc và còn chủ động nghĩ ra cách để làm nhanh hơn. Dù là việc nhỏ, nhưng tôi thấy con học được sự tập trung và tinh thần trách nhiệm".

Cách làm này chị Loan học được từ một hội nhóm phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm trông con dịp hè. Thấy con hào hứng tham gia, chị chụp ảnh lại và đăng lên mạng xã hội. Nhiều người nhìn thấy liền đùa vui rằng chị chẳng khác nào “dì ghẻ” trong truyện cổ tích..

Muôn kiểu trông “khối nghỉ hè”: Mẹ trộn gạo với đậu cho con nhặt  - 1

Trung Hiếu nhặt gạo (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tại Hà Nội, chị Mai (30 tuổi) cũng đối mặt với bài toán nghỉ hè cùng con, khi không có ông bà hỗ trợ, lại quá bận rộn với công việc.

Sáng đi làm, chiều về mệt mỏi, thời gian dành cho con trai 4 tuổi còn lại rất ít. Vì vậy, khi thấy con dán mắt vào điện thoại cả buổi sáng, chị không muốn trách mắng hay cấm đoán mà âm thầm nghĩ ra một “chiêu” mới.

"Tôi xem trên mạng thấy các mẹ trộn gạo với đậu cho các con nhặt để các bé bớt thời gian chơi điện thoại nên đã thử làm thế với con mình", chị Mai cười nói.

Nhà có sẵn gạo và lạc, chị Mai lấy mỗi loại một nắm trộn vào với nhau rồi cho ra đĩa, sau đó nói chuyện với con trai về việc nếu con tách được hai loại hạt này ra riêng lẻ, chị sẽ cho đi khu vui chơi và mua cho con đồ chơi yêu thích.

Không ngờ, kết quả vượt mong đợi. “Cháu làm rất chăm chú, thậm chí còn xin làm tiếp vì thấy vui", chị Mai kể lại.

Ban đầu chỉ là một phép thử, nhưng sau đó, việc nhặt gạo trở thành trò chơi yêu thích giữa hai mẹ con.

"Con trai tôi đã ngồi tách gạo và lạc được hai hôm nay, tôi mới tăng độ khó lên khi cho con ngồi tách gạo và đậu xanh", người mẹ chia sẻ.

Chị cho biết, có lúc nhìn con loay hoay chị cũng vào giúp rồi cuốn theo mẹ con ngồi nhặt đến cả 20 phút.

“Trẻ nhỏ thích những thử thách đơn giản. Nếu biết cách khơi gợi, các con sẽ rời xa thiết bị công nghệ một cách tự nhiên mà không cần ép buộc”, chị chia sẻ.

Muôn kiểu trông “khối nghỉ hè”: Mẹ trộn gạo với đậu cho con nhặt  - 2

Con trai chị Mai thích thú trước trò chơi phân loại hạt gạo và đậu xanh (Ảnh: Phong Vũ).

Theo Thạc sĩ Hoàng Quốc Lân – chuyên gia tâm lý, giáo dục, trẻ em hiện nay có quá nhiều lựa chọn công nghệ nhưng lại thiếu trải nghiệm thực tế. Việc lạm dụng thiết bị điện tử có thể gây ra nhiều hệ lụy như béo phì, cận thị, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng giao tiếp và học tập.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo: Trẻ từ 2 đến 5 tuổi không nên dùng thiết bị số quá 1 giờ/ngày, và cần tăng cường vận động, giao tiếp thực tế.

Một số biểu hiện cho thấy trẻ đang lệ thuộc thiết bị gồm: Cáu gắt khi bị lấy điện thoại, thức khuya xem clip, sao chép hành vi trên mạng xã hội, chán các hoạt động ngoài đời thực. Theo chuyên gia, nguyên nhân không nằm ở thiết bị, mà là cảm giác được làm chủ, được công nhận mà trẻ tìm thấy khi sử dụng chúng.

“Chìa khóa là cha mẹ cần biến mọi hoạt động thành trò chơi, có yếu tố thi đua, sáng tạo. Ví dụ như thi ai nhặt đủ 50 hạt đậu trước, xếp hạt thành hình trái tim hay ngôi sao… Những hoạt động tưởng như đơn giản lại rèn luyện sự tập trung, khả năng phối hợp tay – mắt rất tốt. Ngay cả trẻ tăng động hay tự kỷ cũng có thể hưởng lợi từ các trò chơi phân loại, sắp xếp này”, chuyên gia nói.

Quan trọng nhất, theo chuyên gia, không phải trẻ thiếu trò chơi – mà là thiếu người chơi cùng. Dù chỉ là những hoạt động nhỏ, nhưng khi cha mẹ cùng con trò chuyện, chơi đùa, khích lệ… sẽ tạo nên kết nối cảm xúc bền chặt và giúp trẻ phát triển toàn diện.