Muốn bán nhà, về quê vì khốn khổ bụi mịn ở Hà Nội
(Dân trí) - Sức khỏe giảm sút vì bụi mịn ở Hà Nội, nhiều gia đình nghĩ chuyện bán nhà, chuyển nơi ở mới, mong cải thiện chất lượng sống.
Điện tăng 2-3 lần vì máy lọc không khí
Trở về nhà sau khi vượt quãng đường 14km, việc đầu tiên chị Lê Thị My (ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) làm là vào nhà vệ sinh dùng nước muối sinh lý súc họng và rửa mắt.
Lần nào cũng vậy, khi dùng bông tẩy trang lau hốc mắt, chị My lại thấy bụi vón cục màu nâu hoặc đen đọng lại trên miếng bông.
"Đó là những hạt bụi to có thể nhìn thấy, còn vô số bụi mịn bằng mắt thường không quan sát được âm thầm gây hại cho sức khỏe", chị My nói.
Chị My sống trong một khu chung cư ở xã An Khánh 9 năm nay. Chọn sống ở ngoại thành, chấp nhận đi xa, người phụ nữ này hy vọng có môi trường sống "dễ thở".
Trước đây, khu vực này có không gian yên tĩnh và thoáng đãng. Tuy nhiên, những năm gần đây, mật độ xây dựng tăng cao, không gian sống của gia đình chị My bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hàng loạt công trình, tòa nhà mọc lên san sát. Đường Đại lộ Thăng Long nối từ trung tâm Hà Nội về An Khánh thường bị đào bới để mở rộng đường hay lắp đặt ống nước. Bụi bặm từ công trình, khói bụi từ xe cộ, tiếng ồn máy móc khiến nơi chị sống như một "đại công trường".
Để ngăn bụi bay vào nhà, chị My trồng ngoài ban công một số loại hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, cứ vài ba ngày kiểm tra các bề mặt trong nhà, chị đã thấy bụi bao phủ. Những ngày lượng bụi mịn trong không khí tăng cao, chị và các con cảm thấy rất ngột ngạt, khó thở.
"Con trai tôi 4 tuổi thường xuyên bị các bệnh về hô hấp. Vợ chồng tôi đã bỏ tiền mua máy lọc không khí, song cũng không ăn thua. Đi làm cả ngày đã bí bách, về nhà lúc nào tôi cũng phải đóng cửa để ngăn bụi vào nhà", chị My chia sẻ.
Giống như chị My, chị Huyền 27 tuổi (ở Hoàng Mai, Hà Nội), khốn khổ vì ngày nào mở mắt ra cũng thấy một lớp bụi phủ kín mọi thứ, từ bàn ghế, quạt điện, cửa sổ. Dù cô quét nhà vài lần trong ngày nhưng lúc nào cũng cảm giác không sạch.
Gia đình chị Huyền cả tháng nay không rời khỏi thuốc, hết con lại đến bố mẹ viêm phổi, ho dai dẳng. Cách đây 1 tuần, con trai 2 tuổi của chị Huyền phải nhập viện vì bệnh đường hô hấp, bản thân cô cũng tái phát viêm xoang, đau đầu và khó thở.
"Những ngày qua, không khí khu vực Hà Nội bị ô nhiễm, nhiều bụi mịn kèm thêm thời tiết hanh khô nên bệnh của tôi tái phát, liên tục chảy mũi, nhức và đau ở mắt, ngạt mũi, nhất là vào ban đêm. Cuối tuần vừa rồi đi công tác ở miền Nam tôi thấy đỡ hơn, giờ về Hà Nội lại nghẹt mũi", chị Huyền than thở.
Nguyên nhân chính, theo Huyền, là do nhà cô nằm ở đường lớn lại gần nhiều công trình xây dựng lớn. Các xe tải chở vật liệu liên tục đi qua, khiến bụi mịn bay mù mịt. Ngoài ra, lượng xe cộ đông đúc và khí thải từ các phương tiện giao thông cũng làm tình hình thêm trầm trọng.
Máy lọc không khí nhà chị Huyền luôn báo đỏ, lưới điều hòa chỉ cần không vệ sinh thường xuyên, bụi sẽ bám đen (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
Huyền thử mọi cách để giảm bớt bụi trong nhà, thường xuyên lau dọn, trồng nhiều cây xanh, mua máy lọc không khí, nhưng tất cả chỉ là giải pháp tạm thời. "Máy lọc không khí chạy cả ngày, tiền điện tăng gấp 2-3 lần, có tháng lên tới 1,5 triệu đồng, nhưng chỉ cần mở cửa ra bụi lại ùa vào, không mở thì ngột ngạt", cô gái nói.
Bụi mịn dày đặc cũng làm đảo lộn cả những thói quen sinh hoạt và sở thích của gia đình Huyền. Cô từng thích tập yoga ngoài ban công để hít thở không khí trong lành, nhưng giờ đành bỏ dở. Anh Quỳnh - chồng Huyền, người đam mê chạy bộ, cũng phải chuyển sang tập trong nhà, vì không thể chịu nổi không khí ngột ngạt ngoài đường.
"Chúng tôi còn trẻ, nhưng sức khỏe ngày càng đi xuống. Cả hai vợ chồng đều thường xuyên bị mệt mỏi, khó ngủ, da xỉn màu, ngứa ngáy. Tôi thực sự lo lắng cho tương lai nếu cứ sống trong tình trạng thế này. Chúng tôi thậm chí đã tính phương án bán nhà, chuyển về quê sinh sống", chị Huyền nói.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, nhiều người đã tự tìm "lối thoát" cho bản thân và gia đình.
Ba năm nay, anh Đoàn Duy Tuấn (34 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội), chuyển từ đi xe máy sang đi xe đạp mỗi ngày đến cơ quan với mong muốn giảm lượng khói bụi thải ra môi trường để bầu không khí dễ thở hơn mỗi ngày.
Người đàn ông 34 tuổi cũng thường xuyên chia sẻ về lợi ích của việc đạp xe đi làm, mong nhiều người cũng thay đổi để giảm cảnh bụi sương mù mịt mỗi sáng. Tuy nhiên, những nỗ lực của anh dường như chẳng thấm tháp vào đâu giữa bầu không khí đặc quánh ở Hà Nội.
"Mỗi lần nhìn những chỉ số không khí đo được từ các trạm quan trắc, tôi không khỏi giật mình khi mức độ ô nhiễm đã vượt quá giới hạn an toàn rất nhiều lần. Tôi có cảm giác chúng ta đang sống trong một "bể khói", đi đâu cũng rón rén nhẹ nhàng vì sợ hít sâu sẽ căng một phổi bụi. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng", anh Tuấn nói.
Bụi mịn nguy hiểm như thế nào?
Theo Tổng cục Môi trường, ô nhiễm môi trường tại Hà Nội diễn ra từ cuối tháng 11 đến nay, nguyên nhân chủ yếu do bụi mịn PM2.5. Lượng ô nhiễm bụi mịn ở khu vực Thủ đô luôn cao nhất, nhiều ngày chỉ số ô nhiễm vượt quá giới hạn so với tiêu chuẩn cho phép.
Sáng 13/11, IQAir (ứng dụng của tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp lớn về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức 205, thuộc ngưỡng tím - rất có hại cho sức khỏe. Kết quả này cho thấy, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 3 thế giới, chỉ sau Delhi của Ấn Độ và Lahore của Pakistan.
Đến ngày 18/11, Thủ đô Hà Nội vẫn nằm trong top 5 những thành phố ô nhiễm không khí nhất, với chỉ số chất lượng không khí và bụi mịn PM2.5 là 198. Nồng độ PM2.5 này cao gấp 21,8 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, qua quan trắc, nghiên cứu nhiều năm, chất lượng không khí Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc không tốt. Các chỉ số luôn ở mức màu đỏ (không lành mạnh), thậm chí màu tím (nguy hiểm).
Theo vị chuyên gia, không khí Hà Nội hiện nay, ngoài bụi vô cơ, hữu cơ, khí thải, còn tồn tại một dạng bụi đặc biệt khác là bụi mịn. Có 2 loại bụi mịn là PM10 và PM2.5, nhưng nguy hiểm nhất là PM2.5. Đây là những hạt li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micron trở xuống, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.
Chúng đặc biệt nguy hiểm vì có thể luồn sâu vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi, làm giảm chức năng của phổi, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. Bụi mịn là nguyên nhân gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ.
"Bụi mịn không gây ô nhiễm chết người ngay lập tức, nhưng nó sẽ từ từ tác động đến sức khỏe. Khẩu trang thông thường không thể ngăn được bụi mịn", ông Tùng nói.
Ngoài ra, các chuyên gia của Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ nhận định, hạt PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen.
Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố PM2.5 là nguyên nhân đứng thứ tư gây tử vong sớm. Theo ước tính, hàng năm có 4-5 triệu người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
Bụi mịn PM2.5 chủ yếu phát sinh từ các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm nhiều nguồn chính như khu công nghiệp với các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa, kim loại, hóa chất và nhà máy; các công trình xây dựng hạ tầng không được che chắn; phương tiện giao thông khi Hà Nội có khoảng 4-5 triệu xe máy chưa kiểm soát khí thải và ô tô cũng góp phần lớn vào ô nhiễm.
Ngoài ra, tình trạng đốt rác tự phát do quản lý rác thải chưa hiệu quả và việc đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trong nông nghiệp cũng tạo ra lượng bụi lớn và chất độc hại.
Lý giải về việc ô nhiễm bụi mịn PM2.5 thường xảy ra vào dịp mùa đông, ông Tùng cho rằng, yếu tố thời tiết cũng góp phần ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm. Theo đó, những hạt bụi mịn thường bay lơ lửng trong không khí, vào mùa hè hay xảy ra mưa, gió bão, những tác động này sẽ rửa trôi và khuếch tán làm giảm nồng độ ô nhiễm.
Ngược lại, trong những tháng mùa đông như những ngày qua, thời tiết ẩm thấp, lặng gió, sương mù nhiều làm cho bụi mịn lơ lửng ở tầng thấp gây ô nhiễm nặng.