Mùa thu “về” trên bàn tiệc “Món ăn vàng” bán kết Chiếc Thìa Vàng 2016

Không hẹn mà gặp, chủ đề mùa thu được các đầu bếp đồng loạt đưa vào món ăn, với những sản vật đặc trưng theo mùa, điển hình như: Rươi mùa thu Hà Nội; Salad hoa mùa thu…

Ngày 11/10, tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra cuộc tranh tài đầy màu sắc giữa các đội thi xuất sắc của 2 miền Bắc và Trung trong vòng bán kết đầu tiên của Chiếc Thìa Vàng 2016.

Mùa thu “về” trên bàn tiệc “Món ăn vàng” bán kết Chiếc Thìa Vàng 2016 - 1

Mùa thu “về” trên bàn tiệc “Món ăn vàng” bán kết Chiếc Thìa Vàng 2016 - 2

Với chủ đề “Món ăn vàng”, 18 đội thi mang đến trời thu Hà Nội những thực đơn hài hòa, nguyên liệu độc đáo cùng cách chế biến truyền thống kết hợp nâng tầm bắt nhịp xu hướng ẩm thực hiện đại đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Không chỉ là nơi tranh tài của những đầu bếp danh giá, ban giám khảo nhận xét đây là vòng chuẩn bị chất lượng cho trận chung kết.

Nhiều đội thi đem đến những nguyên liệu, gia vị hết sức đắt đỏ như nấm Truffle, yến huyết, nhân sâm Hàn Quốc…
Nhiều đội thi đem đến những nguyên liệu, gia vị hết sức đắt đỏ như nấm Truffle, yến huyết, nhân sâm Hàn Quốc…

Nghệ nhân ẩm thực, giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương cho biết: “Ban giám khảo kỳ vọng và đánh giá cao những “Món ăn vàng” được các đầu bếp tìm tòi, giới thiệu, những món ăn truyền thống, ngon và lành cũng như phát hiện các loại gia vị mới lạ của địa phương, dụng công nghiên cứu để khai thác hết giá trị của gia vị, tạo ra sự hòa quyện với nguyên liệu, làm món thêm thăng hoa. Cá nhân tôi còn đánh giá cao những đầu bếp có cơ cấu thực đơn hợp lý, mà ở đó, chủ đề của thực đơn kể được những câu chuyện hấp dẫn về xuất xứ, ý nghĩa, những giai thoại của món ăn làm thực khách thích thú...”

Trong vòng thi này, nếu các đầu bếp Cao nguyên Bắc Bộ có thế mạnh về những món ăn độc đáo từ nguyên liệu và gia vị rẻo cao như: Lợn bản hấp lá rừng kèm xốt chẳm chéo; Nộm rau dớn và cơm Séng Cù nấu nghệ tươi… thì các đầu bếp Hà Nội lại tranh tài bằng món ăn có sự tiếp biến văn hóa, nơi tinh hoa ẩm thực của miền Bắc hội tụ một cách tinh tế và nồng nàn như: Chả rươi - Rươi cuộn lá gấc nướng - Rươi xào củ niễng; Bánh cổ truyền Hà Nội; Bánh sơn tra hương hạt dổi…

Không gian bếp đầy màu sắc của đội Indochine Palace Huế
Không gian bếp đầy màu sắc của đội Indochine Palace Huế

Trong phần thi buổi sáng, đội 62 - Khách sạn Indochine Palace Huế gây chú ý với sự kỹ lưỡng khi chuẩn bị một bản mô tả dài về nguyên liệu. Thực đơn của đội bao gồm 4 món, trong đó món khai vị là một bản cộng hưởng của sản vật địa phương xứ Huế và những thực phẩm mang giá trị dinh dưỡng cao.

Thời điểm này đúng vào mùa bưởi của xứ Huế, do đó đội 62 đã quyết định dùng những quả bưởi mọng nước thêm vào đó chút nấm hương cùng phô mai tươi, sốt húng quế để tạo thành món gỏi cuốn mang đậm phong vị mùa thu.

Không chỉ làm nên món ngon, lành mà đội Indochine Palace Huế cũng rất quan tâm đến sức khỏe của thực khách. Như món súp mướp hương, lạc tiên với tôm sú Tam Giang ăn kèm bánh tôm ngọt mềm. Theo chia sẻ của bếp trưởng Trần Huy Cường, “món ăn này không những bổ dưỡng mà còn được xem như là một vị thuốc rất tốt cho những người bị bệnh mất ngủ, hay có bệnh lí về tim mạch, được điều chế làm thuốc an thần”.

Món súp mướp hương, lạc tiên với tôm sú Tam Giang được xem như vị thuốc tốt cho người bị bệnh mất ngủ, tim mạch
Món súp mướp hương, lạc tiên với tôm sú Tam Giang được xem như vị thuốc tốt cho người bị bệnh mất ngủ, tim mạch

“Để quốc tế hóa món súp mướp hương, lạc tiên, chúng tôi đưa lên bàn tiệc kèm với bánh tôm ngọt mềm chưng cách thủy và tôm nướng. Món súp được chế biến một cách tinh tế để giữ được màu xanh tự nhiên của lạc tiên, mướp hương và giữ lại được các loại vitamin thiết yếu, giúp món ăn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất” - Bếp trưởng Huy Cường cho biết.

Có một điều thú vị ở vòng bán kết năm nay chính là chủ đề mùa thu được đồng loạt đưa vào món ăn cùng với những sản vật đặc trưng theo mùa. Trong trang trí bàn tiệc, một số đội thi cũng chọn màu xanh - vàng của lá mùa thu làm chủ đạo.

Điển hình như đội 63 - Grand Sunrise Hotel Đà Nẵng đã chọn “Mùa thu và tuổi thơ” làm chủ đề cho bàn tiệc của mình. Nghe tên thực đơn thôi đã thấy “thu” rồi: Salad hoa mùa thu; Chả ếch đồng nướng lá lốt; Rau non mùa thu, xốt khoai môn vị mắm sả; Pannacotta hương sả và lá dứa... đều là những món mà đội đã dày công sáng tạo để dành riêng cho buổi thi này.

Đội 63 - Grand Sunrise Hotel Đà Nẵng tất bật chuẩn bị thực đơn cho bàn tiệc với chủ đề “Mùa thu và tuổi thơ”
Đội 63 - Grand Sunrise Hotel Đà Nẵng tất bật chuẩn bị thực đơn cho bàn tiệc với chủ đề “Mùa thu và tuổi thơ”

Nếu ở vòng sơ kết miền Bắc ngày 27/9, đội Khách sạn Mường Thanh Lào Cai với món Sốt hoa quả hương vị hạt dổi, ăn kèm rau tươi và khoai lang tím được BGK đánh giá đem đến sự hòa quyện xu hướng ẩm thực nhiều vùng miền thì lần này, đội lại khiến BGK phải dành nhiều lời khen khi sử dụng nhiều loại nguyên liệu đặc trưng núi rừng làm nên món Lợn bản hấp lá rừng kèm xốt chẳm chéo, nộm rau dớn và cơm Séng Cù nấu nghệ tươi.

Đội 81 - Khách sạn Mường Thanh Lào Cai sử dụng nước dùng kết hợp nhiều loại gia vị như: Lê, táo, dừa, lá dứa, lá mắc mật… để hấp thịt lợn bản
Đội 81 - Khách sạn Mường Thanh Lào Cai sử dụng nước dùng kết hợp nhiều loại gia vị như: Lê, táo, dừa, lá dứa, lá mắc mật… để hấp thịt lợn bản

Đặc biệt ở chỗ, đội kết hợp các loại gia vị, nguyên liệu như táo, lê, dừa, lá dứa, lá mắc mật… để hấp thịt lợn bản. Ngoài ra, nước chẳm chéo ăn cùng thịt lợn cũng được đội 81 làm rất công phu. Đây là món chấm có vị cay của ớt, thơm của mắc khén, tỏi được sử dụng trong các bữa ăn hằng ngày của người Thái ở Tây Bắc.

Mỗi đội đến với cuộc thi Chiếc Thìa Vàng đều có thế mạnh riêng của vùng miền và biết kết hợp với các địa phương khác tạo nên bàn tiệc sang trọng với những món ăn độc đáo.

Đội thi Duong’s Restaurant thổi hồn Việt vào thực đơn với cách sử dụng nguyên liệu thông minh và có ý đồ. Sử dụng cây tre để trang trí, các đầu bếp muốn gửi gắm thông điệp con người luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, bò nấu rượu cẩm là món ăn được sáng tạo sau vòng sơ kết, sử dụng hoàn toàn gia vị Việt. Món tráng miệng sử dụng triết lý ngũ hành trong cách phối màu, cân bằng hương vị giúp món ăn thêm đặc sắc.

Đội trưởng Nguyễn Quốc Hoàng của Naman Retreat Resort Đà Nẵng (đội 77) chăm chút cho món Hải sản lạnh - Tôm hùm, bạch tuộc, tôm Bắc Cực ăn kèm rong biển trứng cá đen
Đội trưởng Nguyễn Quốc Hoàng của Naman Retreat Resort Đà Nẵng (đội 77) chăm chút cho món Hải sản lạnh - Tôm hùm, bạch tuộc, tôm Bắc Cực ăn kèm rong biển trứng cá đen

Mang đến nhiều ngạc nhiên và để lại ấn tượng đẹp cho BGK có lẽ phải kể đến đội Naman Retreat Resort Đà Nẵng. Với quan niệm rất mới, đội mang con số 77 muốn “mang cả thế giới vào món ăn” để thực khách không chỉ cảm nhận, thưởng thức ẩm thực bằng vị giác, thị giác, khứu giác mà còn bằng cả thính giác. Do đó, khi thưởng thức món Hải sản lạnh - Tôm hùm, bạch tuộc, tôm Bắc Cực ăn kèm rong biển trứng cá đen, đội mang cả vỏ ốc cắm sẵn tai nghe để giúp BGK có thể cảm nhận được độ tươi của hải sản, vị mặn và vị tanh của rong biển…

Khi thưởng thức món hải sản lạnh thượng hạng này, thực khách hãy nhớ dành thời gian áp tai vào vỏ ốc để nếm và nghe trọn vị biển
Khi thưởng thức món hải sản lạnh thượng hạng này, thực khách hãy nhớ dành thời gian áp tai vào vỏ ốc để nếm và nghe trọn vị biển

Giám khảo Bùi Thị Sương đánh giá cao sự đầu tư kỹ lưỡng về thực đơn của Naman Retreat Resort Đà Nẵng - không chỉ về nguyên liệu mà còn ở kỹ thuật biểu diễn thuần thục, đẹp mắt, hương vị đặc sắc, nổi bật. Bà nhận xét: “Đội của các bạn có cách trình bày bàn tiệc hiện đại và tế nhị. Đặc biệt, việc tìm hiểu và sử dụng các phương pháp nấu hiện đại để bảo đảm chất dinh dưỡng của mỗi món ăn là rất tốt. Các bạn nên giữ tinh thần này để áp dụng nhiều hơn với những nguyên liệu Việt, để nâng tầm cho ẩm thực nước ta ngày càng hội nhập và phát triển”.

Đội 77 - Naman Retreat Resort Đà Nẵng được Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương khen ngợi về cách trang trí bàn tiệc “hiện đại và tế nhị, chứng tỏ các bạn có chú ý đến các “show” trình diễn món ăn thì mới làm được như vậy”.
Đội 77 - Naman Retreat Resort Đà Nẵng được Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương khen ngợi về cách trang trí bàn tiệc “hiện đại và tế nhị, chứng tỏ các bạn có chú ý đến các “show” trình diễn món ăn thì mới làm được như vậy”.

Ban giám khảo chấm phần thi trang trí bàn tiệc
Ban giám khảo chấm phần thi trang trí bàn tiệc

Kết thúc ngày thi đầy căng thẳng, giải thưởng cao nhất của vòng bán kết phía Bắc đã được trao cho đội Naman Retreat Resort Đà Nẵng, trị giá 50 triệu đồng. 5 giải nhì mỗi giải 40 triệu đồng, thuộc về: Khách sạn Indochine Palace Huế (đội 62), Khách sạn Mường Thanh Lào Cai (đội 81), Khách sạn Hilton Hanoi Opera (đội 103), InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (đội 73) và Khách sạn Crowne Plaza Danang (đội 76).

Mùa thu “về” trên bàn tiệc “Món ăn vàng” bán kết Chiếc Thìa Vàng 2016 - 13

Niềm vui vỡ òa, giọt nước mắt cũng đã rơi khi nghe MC công bố các đội được BGK trao tấm vé vào chung kết
Niềm vui vỡ òa, giọt nước mắt cũng đã rơi khi nghe MC công bố các đội được BGK trao tấm vé vào chung kết

Trong giờ phút trao giải, thật nhiều cảm xúc đan xen, có những nụ cười rạng ngời của người đoạt vé đi tiếp, cạnh đó là những ánh mắt tiếc nuối, hụt hẫng khi phải dừng bước. Tuy nhiên, khoảnh khắc ấy vụt qua rất nhanh. Thay vào đó là cái bắt tay, vỗ vai kèm theo lời chúc mừng, thậm chí người dừng bước gửi gắm hy vọng của mình cho những đồng nghiệp sẽ bước vào vòng chung kết.

Họ mang bao tâm huyết cũng như kỳ vọng về một cuộc hội ngộ với các đội khác tại vòng chung kết Chiếc Thìa Vàng 2016 ở Bình Dương nhưng chưa thành. Song họ nhận ra rằng đã đạt được một thành công to lớn hơn, đó là quảng bá sản vật quê hương đến với nhiều đối tượng thực khách trong và ngoài nước tại cuộc thi tầm cỡ này.

Viết Hưởng - Phương Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm