Nghệ An:
Món cá nướng, “linh hồn” không thể thiếu trong ngày Tết của người Thái
(Dân trí) - Với cộng đồng làng bản người Thái vùng cao xứ Nghệ, cá nướng là món không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết. Món cá nướng này chính là “linh hồn” của người Thái đã lâu đời và lưu truyền lại cho con, cháu đến ngày nay.
Những ngày cận Tết, trên khắp các bản, làng người Thái ai cũng đã tất bật sắm sửa chuẩn bị cho cái Tết Nguyên đán 2020. Người thì háo hức chờ đợi con cái làm ăn xa thành đạt trở về, người thì đơn giản là muốn có một cái Tết hoành tráng hơn năm cũ… Đối với người dân nơi đây là không thể thiếu món cá nướng nên mọi người đổ xô xuống khe suối, ao hồ... để bắt cá cúng ngày Tết.
Theo bà Lục Thị Xuân (62 tuổi) ở bản Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn cho biết; món cá nướng có từ lâu đời, ngày xưa do cuộc sống nghèo khó người dân phải xuống suối bắt cá về làm thức ăn hàng ngày. Để giữ cá được lâu, sau khi đánh bắt cá về chế biến xong thì phải nướng lên gác bếp ăn dần.
Có 3 loại cá nướng chính: cá to nướng nguyên con, cá to chẻ đôi và cá nhỏ thì phải dùng cây xuyên vào cá để nướng.
“Nướng cá ngày tết trước hết là nhằm có thực phẩm để thờ cúng và điều dặc biệt hơn nữa là cách “giữ lửa” để thêm phần ấm cúng trong mỗi gia đình. Sau khi cá nướng xong thì được bày ra bỏ lên trên mâm xôi để cúng tổ tiên”, bà Lục cho biết thêm.
Ông Lang Văn Cường, một già bản ở bản Mòng xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong đồng thời là một thầy cúng. Những năm qua ông lặng lẽ sưu tầm từ thực tiễn và sách báo về tục đón tết của người Thái. Dù không công bố nhưng ông Cường khá tâm đắc với những “phát hiện” của mình.
Theo ông Cường thì món cá nướng phổ biến bậc nhất trong những bữa ăn ngày tết của người Thái. Với người Thái nhóm Tày Mường ở xã Căm Muộn từ nhiều thế hệ này sống dọc sông Quàng thuộc huyện Quế Phong. Cứ vào ngày 28, 29 Tết, những người đàn ông trong bản thường xuống sông đánh cá để phục vụ những ăn ngày Tết.
“Người ta cúng cá cho tổ tiên trước khi ăn. Đó là phong tục đã lâu đời.” – Ông Cường cho hay và giải thích thêm. Cá nướng ngày tết trước kia thường là cá Mát (loài cá sống ở khe, suối). Người ta đem về mổ một đường dọc bụng hoặc lưng rồi phanh ra mới đem nướng. Đó là cách nướng cá để cúng tổ tiên. Nếu chỉ để dùng phục vụ bữa ăn đơn thuần thì có thể nướng theo ý thích của mình.
Khi ăn cá nướng, người ta đem chấm với món chẻo (chế biến từ sả, ớt, và một số gia vị khác…). Cá nướng khá phổ biến trong bữa ăn của cộng đồng người Thái ở Quế Phong và không thể thiếu trong dịp tết.
Tuy nhiên tục cúng cá ngày tết không chỉ có ở huyện Quế Phong. Nó cũng xuất hiện trong mâm cúng và bữa ăn ngày đầu năm mới của người Thái các địa vực Tương Dương, Quỳ Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn…
Sự tương đồng này không phải là ngẫu nhiên. Thói quen ẩm thực này đã theo những luồng di cư của người Thái từ phía bắc và Lào về Nghệ An từ nhiều thế kỷ trước và được các cộng đồng gìn giữ một cách tự nhiên. Có lẽ nó gắn liền với một tập tục.
Chúng ta cũng dễ bắt gặp cách mổ cá nướng ngày tết tương tự như ở xã Căm Muộn, huyện Quế Phong. Khi đến các địa bàn như Tương Dương, Nghĩa Đàn, Con Cuông... Điều này phổ biến nhất ở nhóm Thái Tày Thanh với các tên gọi là “pá pình phe” và “pá pình tộp”.
Tục cúng cá cũng như sự xuất hiện của cá trong bữa cơm ngày Tết của người Thái xứ Nghệ được nhiều người giải thích đó là cộng đồng thiểu số này có thói quen sinh sống gần sông nước. So với các cộng đồng thiểu số khác ở Nghệ An, người Thái vốn giỏi nghề chài lưới và cách đánh cá của họ cũng phong phú với những ngư cụ độc đáo, mặc dù khá thô sơ.
Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, trước sự tác động của nhiều yếu tố, trữ lượng cá ở sông suối miền núi không còn nhiều. “Từ nhiều năm nay, trên các sông như sông Quàng, sông Giăng, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na… gần như không còn loài cá mát. Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân chính khiến cá mát cạn kiệt. Thế nhưng tục cúng cá ngày tết thì không thể bỏ. “Để có cá cúng, chúng tôi nhiều khi phải đặt trước với những người chuyên nghề bán cá rong.”, ông Cường cho biết thêm.
Cho dù trong hoàn cảnh, điều kiện như thế nào thì món cá nướng không thể thiếu khi Tết đến, xuân về. Nó góp phần làm nên hương vị Tết của cộng đồng người Thái.
Nguyễn Tú