Mỗi quốc gia cần có chiến lược kiểm soát thuốc lá riêng phù hợp
(Dân trí) - Phiên họp thứ 9 Hội nghị các bên (COP9) tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới vừa diễn ra tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện toàn diện Công ước Khung như một giải pháp thực sự cho vấn nạn hút thuốc lá toàn cầu.
Trong tháng 11, bên cạnh Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26), phiên họp thứ 9 của Hội nghị các Bên (COP9) tham gia Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về Kiểm soát Thuốc lá diễn ra từ ngày 8 - 13.11.2021 cũng nhận được sự quan tâm của chính phủ các nước trên thế giới. Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng COP9 vẫn diễn ra nhưng dưới hình thức họp trực tuyến và rút gọn nội dung chương trình.
Theo đó, trong COP9 hiện tại các Bên (quốc gia) chỉ thảo luận về các vấn đề chính, không bao gồm một số vấn đề từng đề cập trong các phiên họp trước đó như COP6, COP7, COP8. Do vậy nội dung báo cáo COP9 năm nay sẽ chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên vẫn là nguồn tham khảo giá trị để các bộ ngành liên quan về kiểm soát thuốc lá cùng phối hợp với nhau để đề xuất giải pháp kiểm soát mọi loại thuốc lá nói chung, cũng như vấn đề thuốc lá thế hệ mới đang được quan tâm hiện nay, nhằm hướng tới mục tiêu phù hợp với thực tế, cân bằng lợi ích hợp pháp của các bên hữu quan.
Chiến lược kiểm soát thuốc lá: Cần phù hợp với tình hình thực tế từng quốc gia
Công ước khung FCTC của WHO là hiệp ước quốc tế ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm thúc đẩy sức khỏe cộng đồng, và là công cụ pháp lý quan trọng hỗ trợ các bên trong nỗ lực nâng cao sức khỏe cộng đồng và chấm dứt vấn nạn dịch thuốc lá.
Kể từ khi có hiệu lực vào năm 2005, Công ước đã là một công cụ mạnh mẽ hỗ trợ các nỗ lực kiểm soát thuốc lá toàn cầu, dẫn đến các chiến lược và luật pháp quốc gia nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm việc thương mại các sản phẩm thuốc lá, bao gồm bảo vệ trẻ vị thành niên và cộng đồng thông qua việc ban hành luật cấm hút thuốc ở những nơi công cộng và những nơi làm việc có không gian kín, các lệnh cấm toàn diện đối với việc quảng bá, tiếp thị và tài trợ thuốc lá cũng như thực hiện các cảnh báo bằng hình ảnh lớn và bao bì trơn.
Được bảo trợ bởi WHO, nhưng Công ước Khung FCTC được thông qua với sự thảo luận của 193 chính phủ. Nghĩa là, FCTC do các bên liên quan, của chính phủ các quốc gia là thành viên của hiệp ước đó xây dựng, như một tài liệu hướng dẫn chính phủ các nước thực hiện chiến lược kiểm soát thuốc lá riêng phù hợp với tình hình thực tế của từng quốc gia.
Tương tự, COP9 là cơ quan ra quyết định cao nhất thiết lập chương trình kiểm soát thuốc lá toàn cầu nhưng Hiệp ước 101 của COP9 nói rất rõ rằng các quốc gia có chủ quyền riêng - vì bản thân các chính phủ mới có thể quyết định nội dung các hiệp ước của họ, chỉ định người tham dự các cuộc họp của các Cơ quan Chỉ đạo và quyết định nội dung chương trình.
Trước đó, COP7 đã đưa ra các phương án quản lý chi tiết đối với thuốc lá điện tử có nicotin (ENDS) và không có nicotin (ENNDS). Không cho phép sản phẩm tiếp cận đến những đối tượng chưa thành niên, bao gồm hạn chế mùi hương của sản phẩm. Ngoài ra còn cấm quảng cáo, chống buôn lậu, quy định an toàn cháy nổ, ngăn ngừa các công bố liên quan đến sức khỏe chưa được kiểm chứng, quy định đánh thuế cao với thuốc lá điếu so với ENDS/ENNDS để ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc và giảm việc tái hút thuốc.
Tại COP8, WHO xếp loại thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, nằm trong phạm vi điều chỉnh của tất cả các điều khoản liên quan của Công ước Khung FCTC cũng như các quy định và sự kiểm soát có liên quan của nước sở tại.
Xây dựng chính sách quản lý thuốc lá toàn diện: Cần thực hiện việc phối hợp liên ngành
Trên toàn cầu, hơn 1 tỷ người tiếp tục hút thuốc lá và dựa theo ước tính của WHO, con số này khó có thể thay đổi trong tương lai gần. Thống kê này cùng với sự thật rằng hút thuốc vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh có thể phòng ngừa được và các trường hợp tử vong sớm củng cố sự cần thiết phải xem xét tất cả các hướng tiếp cận có khả năng giảm tác hại so với hút thuốc lá.
Việt Nam đã được WHO đánh giá là một trong những quốc gia tích cực triển khai hiệu quả Công ước trong khu vực từ việc học tập những kinh nghiệm thế giới. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012_một trong những cam kết của nước ta trong việc thực hiện FCTC là kết quả nghiên cứu, bàn thảo của nhiều Bộ liên ngành, bao gồm Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp,…
Một trong những nguyên tắc được nêu rõ trong Luật PCTHTL là cần "thực hiện việc phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá".
Quan sát những phiên họp trước cho thấy, đoàn Việt Nam tham dự, ngoài đại diện Bộ Y tế với vai trò Trưởng đoàn, còn có sự tham gia của các lãnh đạo bộ ngành. Điều này cho thấy COP là một hội nghị toàn diện về kiểm soát thuốc lá, là cơ hội của các bộ liên ngành đưa ra quan điểm riêng trong việc kiểm soát thuốc lá toàn diện, vì rõ ràng việc triển khai FCTC đòi hỏi ý kiến và sự tham gia của nhiều bộ ngành liên quan, chứ không phải chỉ trách nhiệm của Bộ Y tế.
Được biết, đến nay việc quản lý thuốc lá thế hệ mới ở Việt Nam chưa có được quyết định. Các bộ ngành đã tiến hành nghiên cứu, lấy ý kiến toàn diện và đầy đủ xung quanh sản phẩm này trong nhiều năm qua và đưa ra hướng quản lý để trình chính phủ phê duyệt. Theo đó, quy định dành cho thuốc lá thế hệ mới đang được đề xuất dựa trên cơ sở khoa học, tình trạng thực tiễn của Việt Nam cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.