Mẹo khai thác tối đa công năng của nồi áp suất ít người biết

(Dân trí) - Với tính năng giúp món ăn nhanh chín nhừ, nồi áp suất luôn là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bà nội trợ khi làm món súp, hầm hay các bữa ăn trong thời gian ngắn. Nhưng trên thực tế, không nhiều người biết sử dụng đúng cách và khai thác tối đa công dụng của phương tiện nấu nướng đa năng này.

Thời gian nấu thực sự

Mẹo khai thác tối đa công năng của nồi áp suất ít người biết - 1

Ở các công thức nấu ăn trên internet hoặc trong sách báo, ta có thể biết thời gian nấu cụ thể cho từng món ăn bằng các phương thức khác nhau. Tuy nhiên thời gian nấu này chỉ chính xác với các cách chế biến bằng bếp ga, lò nướng, lò vi sóng… Còn đối với nồi áp suất, ta cần cộng thêm 10 phút so với thời gian trong công thức đã ghi. Nguyên nhân là vì nồi áp suất sẽ mất một khoảng thời gian tương đối để làm nóng và sau đó cần thêm một khoảng thời gian nữa để giải phóng áp suất trong nồi.

Nấu thực phẩm được cấp đông

Mẹo khai thác tối đa công năng của nồi áp suất ít người biết - 2

Có lẽ nhiều người sẽ không biết rằng: thực phẩm được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh không cần thiết phải rã đông nếu nấu bằng nồi áp suất. Ta chỉ cần đơn giản là lấy chúng ra từ tủ lạnh và đặt thẳng vào nồi áp suất. Chỉ cần lưu ý thêm một điểm là cần đặt thời gian nấu lâu hơn bình thường một chút.

Nấu các loại hạt ngũ cốc không cần ngâm trước

Mẹo khai thác tối đa công năng của nồi áp suất ít người biết - 3

Một điểm rất tiện dụng của nồi áp suất chính là ta hoàn toàn có thể nấu các loại hạt như đậu xanh, đậu đỏ, ngô,… trực tiếp mà không cần trải qua giai đoạn ngâm nước như các cách chế biến thông thường. Tuy nhiên, để thành phẩm thật sạch sẽ và mềm ngon, ta nên rửa và vo qua nguyên liệu trước khi cho vào nồi áp suất.

Đảm bảo độ thoáng khí trong nồi

Mẹo khai thác tối đa công năng của nồi áp suất ít người biết - 4

Sai lầm mà các bà nội trợ thường mắc phải nhất khi nấu ăn bằng nồi áp suất thuộc về khâu sắp xếp nguyên liệu trong nồi. Nên nhớ rằng, dù lượng thực phẩm có nhiều hay ít, yếu tố cần quan tâm hàng đầu chính là sắp xếp chúng vào nồi sao cho vẫn còn giữ các khe trống để đảm bảo hơi nước có thể đi từ dưới đáy nồi lên lỗ thoát khí. Nếu không làm vậy, chắc chắn chúng ta sẽ phải mất công nấu lại thêm một lần nữa thì món ăn mới chín được.

Lượng nước trong nồi

Mẹo khai thác tối đa công năng của nồi áp suất ít người biết - 5

Cần đảm bảo rằng luôn có ít nhất 1/2 cốc nước hoặc nước dùng hay bất kỳ dạng chất lỏng nào phục vụ cho món ăn ở trong nồi. Bởi vì nồi áp suất sẽ liên tục thoát hơi nước, nên nếu trong nồi không đủ độ ẩm, món ăn sẽ dễ dàng bị cháy. Tuy nhiên cũng không để lượng nước vượt quá 2/3 nồi vì sẽ bị trào ra ngoài.

Làm sạch vết bẩn bám lại trong nồi

Mẹo khai thác tối đa công năng của nồi áp suất ít người biết - 6

Nồi áp suất sau một thời gian sử dụng sẽ có các vết thực phẩm bị cháy bám lại ở thành và đặc biệt là đáy nồi. Để làm sạch chúng, hãy ngâm nồi vào trong nước ấm có pha nước rửa chén bát và tốt nhất dùng một lá nhôm bọc thực phẩm đã được vo tròn lại để đánh vào các vết bám dính cứng đầu thay vì miếng rửa chén bằng sắt thông thường.

Vệ sinh nắp nồi áp suất

Mẹo khai thác tối đa công năng của nồi áp suất ít người biết - 7

Phần nắp nồi là nơi hơi nước bốc lên, đồng thời khi thực phẩm sôi chúng thường bị bắn lên vị trí này tạo ra vết bẩn mà để lâu sẽ trở thành nơi lý tưởng cho các loại vi khuẩn sinh sối và nảy nở. Vì vậy, sau mỗi lần nấu ăn, hãy dùng khăn lau sạch phần nắp nồi. Bên cạnh đó, vị trí gioăng cao su cũng cần được tháo ra vệ sinh sạch sẽ để làm sạch cả mặt bên trong. Ta có thể tháo gioăng cao su ra một cách dễ dàng theo hướng dẫn bằng hình ở trên.

Minh Nhật

Tổng hợp