Lung linh đèn nước mùa lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Những chiếc đèn nước lung linh được thả trên sông vừa có ý nghĩa về mặt văn hóa của đồng bào Khmer vừa gây ấn tượng với người dân mỗi khi đến mùa lễ hội Oóc Om Bóc.

Tối 12/11, trên đoạn sông Maspero chảy qua TP Sóc Trăng, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thi trình diễn đèn nước (Lôiprotip) và ghe Cà Hâu.

Đêm hội có sự góp mặt của 20 đèn nước và 5 ghe Cà Hâu đến từ các chùa trong tỉnh Sóc Trăng.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tuần lễ văn hóa, thể thao, du lịch Sóc Trăng năm 2024, diễn ra từ ngày 9 đến 16/11.

Lung linh đèn nước mùa lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer - 1

Lung linh đèn nước trên sông Maspero ở TP Sóc Trăng trong đêm 12/11 (Ảnh: CTV).

Nghi lễ thả đèn nước trong lễ Óoc Om Bóc của người dân Khmer là hình thức mà họ muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với thiên nhiên, cụ thể là thần Nước, thần Đất.

Thông qua nghi thức này, người dân cũng muốn tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ cho con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành trong năm sau.

Lung linh đèn nước mùa lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer - 2

Một chiếc đèn nước hình ảnh chánh điện chùa (Ảnh: CTV).

Ngày xưa, đèn nước thường được mỗi gia đình làm đơn giản bằng thân và bẹ chuối. Chung quanh đèn cắm nến, hương và các vật cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo, muối,… rồi thả trôi theo dòng nước.

Còn ngày nay lễ nghi và đồ cúng trên đèn nước vẫn như xưa, chỉ khác về hình thức là những chiếc bè, kiệu được làm mô phỏng theo kiến trúc chánh điện chùa, tháp Khmer. Đèn nước được trang trí rực rỡ bằng hoa lá, đèn chớp đủ màu, góp phần làm cho chiếc đèn nước tăng thêm nét thẩm mỹ, sinh động, lung linh trên mặt nước.

Lung linh đèn nước mùa lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer - 3

Những chiếc đèn nước có hình dáng khác nhau thể hiện nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer (Ảnh: CTV).

Bên cạnh những chiếc đèn nước lung linh còn có sự xuất hiện của những chiếc ghe Cà Hâu mang hình dáng độc đáo, thu hút sự chú ý của du khách gần xa.

Theo các cụ cao niên, ghe Cà Hâu được hiểu là ghe hầu, loại thuyền độc mộc sử dụng cho các vị cao tăng đi tụng kinh, người có uy tín ngồi và chỉ đạo trong các cuộc đua ghe ngo,…

Ghe Cà Hâu được làm từ thân cây to khoét rỗng. Mỗi chiếc ghe thường có kích thước dài 15-20m, rộng 1,5-2m. Ghe cũng được trang trí với nhiều họa tiết, hoa văn đặc trưng của đồng bào Khmer.

Lung linh đèn nước mùa lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer - 4

Chiếc ghe Cà Hâu này được cho có tuổi đời khoảng 300 năm của một ngôi chùa ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: CTV).

Ghe Cà Hâu không chỉ là phương tiện chuyên chở mà còn là một công trình nghệ thuật, thể hiện tài năng, chứa đựng tâm huyết của những người thợ tay nghề cao.

Ngoài có giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, ghe Cà Hâu còn được xem là biểu tượng của sự ấm no, sung túc của địa phương.

Oóc Om Bóc nghĩa là đút cốm dẹp, là một nghi lễ nông nghiệp của cư dân người Khmer nói chung và người Khmer Sóc Trăng nói riêng được tổ chức hàng năm vào ngày 15/10 âm lịch để tưởng nhớ đến công ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi là một vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, đã giúp cho con người làm ăn được khá giả trong năm.