Lời nguyền từ bộ phim Dracula
(Dân trí) - Lời nguyền của ác quỷ hút máu vốn chỉ tồn tại trong phim ảnh, đôi khi đã trở thành mối đe dọa hiện hữu bám gót những người thổi hồn cho nhân vật Dracula. Bất hạnh, phá sản, chết chóc... là kết cục cuối cùng chờ đợi họ.
Nhà sản xuất Horace Liveright
Là người đầu tiên mang ác quỷ Dracula - sau này là quái nhân Frankenstein - đến với điện ảnh Hoa Kỳ, nhà sản xuất Horace Liveright nhanh chóng kiếm bạc triệu từ bộ phim ăn khách.
Tuy nhiên với bản tính keo kiệt, Liveright cứ khất lần mãi với góa phụ Florence của nhà văn quá cố Bram Stoker - số tiền mua kịch bản vỏn vẹn 678,01 USD. Để rồi sau này ông triệu phú Hollywood lâm vào cảnh kiện tụng triền miên do thanh toán trễ hẹn, dẫn đến kết cục phá sản cuối cùng.
Liveright chết trong lúc say rượu, một mình trong căn hộ tồi tàn ở New York vào tháng 9/1933.
Nữ diễn viên Helen Chandler
20 tuổi, Helen Chandler ký hợp đồng nhận vai diễn Mina Murray trong bộ phim Dracula năm 1931 mà không hay biết rằng, đó cũng là lúc sự nghiệp của cô cận kề vực thẳm.
Hôn nhân tan vỡ, nghiện rượu, dùng thuốc ngủ triền miên, đến giữa những năm 1930 cô đào nổi tiếng Chandler đã không còn tìm nổi một vai diễn cho dù là mạt hạng nhất ở Hollywood.
Năm 1949, Chandler an phận với cuộc sống ẩn dật trong một trại điều dưỡng, 10 năm sau nữa thì hay tin cô nàng phỏng nặng do hút thuốc và uống rượu trên giường - nghe đâu là muốn tự tử. Helen Chandler từ trần năm 1965.
Nam diễn viên Dwight Frye
Trong bộ phim năm 1931, Frye nhận vai diễn Renfield - một nhân vật hóa điên sau khi đụng độ Dracula và dành trọn phần đời còn lại làm nô lệ cho ác quỷ.
Vai diễn quá xuất sắc đến độ, liền sau đó Frye nhận lời mời đóng một vai tương tự trong bộ phim Frankenstein - tay trợ lý lưng gù có tên Fritz.
Thật không may, Frye đồng ý. Vậy là kể từ sau bộ phim đó, nam diễn viên này bị “đóng” vào khuôn mẫu nhân vật trợ lý hoặc “nô tì” cho quái thú, khiến cho anh không thể nhận bất kỳ một lời mời nào khác cho đến tận năm 1944 - khi bộ phim Wilson cần một người đảm nhận vai diễn thư ký chiến tranh. Ký hợp đồng chưa được mấy ngày, Frye lên cơn đau tim trên 1 chiếc xe buýt ở Los Angeles và chết trước khi “tái xuất giang hồ”.
Chủ tịch hãng phim Carl Laemmle, Jr.
Trên cương vị chủ tịch hãng phim Universal Pictures, Carl Laemmle có lẽ là người đóng góp nhiều nhất trong việc đưa Universal trở thành xưởng phim kinh dị thành công nhất thế giới những năm 1930.
Năm 1936, ông tách khỏi Universal để lập nghiệp riêng với tư cách nhà sản xuất phim độc lập. Tuy nhiên kể từ dạo đó, thành công không một lần mỉm cười với Carl Laemmle. Đầu những năm 1960, Laemmle bắt đầu phát bệnh đa xơ cứng và từ trần vào năm 1960, đúng ngày giỗ của người cha quá cố.
Florence Stoker - vợ tác giả
Góa phụ đáng kính Florence Stoker đã gần như khánh kiệt khi bán tác quyền tiểu thuyết Dracula cho hãng phim Universal với giá quá “bèo”. Cộng với khoản thu nhập không đáng kể từ những lần tác phẩm kinh điển của chồng bà được tái bản, hay được dựng lại thành kịch ở Mỹ hay Luân Đôn, Florence chỉ dám sống tằn tiện khó nhọc trong những năm cuối đời.
Năm 1937, góa phụ Stoker từ trần với số tài sản để lại trị giá vỏn vẹn 6.913 bảng Anh. Phút nhắm mắt cuối cùng bà vẫn không thôi ấm ức: nhẽ ra đã có thể sống sung túc hơn nhiều nếu không vì vụ bán tác quyền “hớ” năm xưa.
Tuy nhiên, Florence Stoker không hề biết rằng bà vẫn còn rất may mắn. Sau khi góa phụ từ trần người ta mới nhận ra: khi Bram Stoker được cấp bằng tác giả cho tiểu thuyết Dracula năm 1897, nhà văn đã quên không nộp hai bản copy tác phẩm cho văn phòng cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ đúng theo luật định; đến năm 1920 khi tác quyền này được gia hạn tiếp ở Anh, gia đình Stocker lại một lần nữa không chấp hành việc đó.
Do vậy về lý mà nói, tác phẩm Dracula nhẽ ra đã trở thành “của công” từ thời điểm này, có nghĩa là bất cứ ai ở Hoa Kỳ cũng có thể xuất bản cuốn sách, dựng nó thành phim hay thành kịch mà không cần xin phép góa phụ Stoke và trả bà lấy một xu.
Thùy Vân
Theo Neatorama