"Liều" mua nhà tháng cô hồn, vợ chồng trẻ ở Hà Nội lời cả trăm triệu đồng

Hồng Anh

(Dân trí) - Chị An mua căn hộ 86m2 với giá 2,7 tỷ đồng. Trong khi trước đó, chủ nhà rao bán giá 3 tỷ đồng. Mua nhà tháng 7 âm lịch, chị An nói mình có cơ hội "ép giá".

Mua nhà tháng "cô hồn" để có cơ hội "ép giá"

Sau 3 tháng tìm mua chung cư ở khu vực quận Hà Đông (Hà Nội), vợ chồng chị Vũ Thúy An (34 tuổi) cũng chọn được căn hộ ưng ý. Sáng 18/8 (tức mùng 3/7 âm lịch) chị An được nhân viên môi giới hướng dẫn đặt cọc căn hộ.

Căn hộ được rao bán cách đây 2 tháng, diện tích 86m2. Giá bán ban đầu gia đình đưa ra là 3 tỷ đồng bao mọi chi phí sang tên.

Chị An tìm hiểu thì được biết, chủ nhà có ý định bán căn hộ này để chuyển xuống ở nhà mặt đất. Tuy nhiên, vì giá quá cao nên dù đã tiếp nhiều lượt khách, họ vẫn chưa bán được cho ai. Vì đã đặt cọc tiền để mua nhà mặt đất nên càng đến ngày hết cọc, họ càng sốt ruột.

"Nhân viên môi giới chia sẻ, vì sợ phải chờ qua tháng 7 âm lịch mới bán được nhà nên chủ nhà đã 2 lần xuống giá, từ 3 tỷ đồng xuống 2,9 tỷ đồng rồi 2,8 tỷ đồng", chị An kể.

Chị An tìm được căn nhà này hồi cuối tháng 6 âm lịch. Sau khi xem hướng nhà, thiết kế, vợ chồng chị rất ưng ý.

Qua lời nhân viên môi giới, chị tiếp tục "ép giá" xuống còn 2,7 tỷ đồng và tỏ rõ thiện chí sẵn sàng giao dịch trong tháng 7 âm lịch.

Biết tin chị An mua nhà, bố mẹ đôi bên khuyên chị nên cân nhắc vì xưa nay, mọi người thường kiêng làm các việc lớn như mua đất, mua nhà, xây nhà vào tháng "cô hồn".

Đáp lại gia đình, chị khẳng định, việc mua nhà đôi khi là cái duyên. Chị tìm suốt 3 tháng không ưng căn nào nhưng với căn nhà hiện tại, chị lại rất hài lòng. Ngoài ra, việc mua nhà tháng 7 còn giúp chị dễ dàng "ép giá". 

"Tôi mua chênh so với giá ban đầu tới 300 triệu đồng, rõ ràng là lời quá còn gì", chị An vui vẻ nói.

Liều mua nhà tháng cô hồn, vợ chồng trẻ ở Hà Nội lời cả trăm triệu đồng - 1

Nhiều người cho rằng, mua nhà vào tháng 7 âm lịch để dễ "ép giá" (Ảnh: Hồng Anh).

Chị Nguyễn Thị Thanh (nhân viên công ty bất động sản ở Hà Nội) cho biết, trước đây, đa số khách hàng có tâm lý kiêng mua nhà, giao dịch bất động sản vào tháng 7. Song mấy năm gần đây, quan niệm này đã được nới rộng dần.

"Một bộ phận khách hàng vẫn e dè khi mua nhà tháng 7. Họ sẵn sàng chờ đợi cho qua tháng này. Tuy nhiên, nhiều người không kiêng mà vẫn chốt mua vì tháng này dễ có giá tốt. Ngay hôm mùng 1, công ty tôi đã chốt bán 2 căn cho khách", chị Thanh nói.

Làm nghề môi giới bất động sản, chị Nguyễn Thị Thủy (ở Cầu Giấy, Hà Nội) thường bị bạn bè trêu là "sẽ thất nghiệp" trong tháng "cô hồn".

Chị Thủy cho biết, thông thường 2 tuần cuối trước khi bước sang tháng 7 âm lịch, khách sẽ chốt giao dịch nhiều hơn. Nhiều khách hàng có tâm lý không muốn "xuống tiền" mua nhà trong tháng 7 âm lịch vì sợ gặp xui xẻo hoặc khi vào ở sẽ không may mắn.

Tuy nhiên, không vì thế mà thị trường bất động sản bị trầm lắng hẳn. Theo chị Thủy, mọi hoạt động tư vấn, xem nhà vẫn được diễn ra. Nếu ưng ý, khách sẽ đặt cọc để chờ qua rằm hoặc sang đầu tháng 8 âm lịch ký hợp đồng.

Kiêng kị quá mức chẳng khác nào "tự mua dây buộc mình"

Lý giải về tâm lý kiêng kị của người dân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, bất cứ khi bắt đầu một công việc quan trọng, người dân đều có những kiêng kị đi kèm. Dân gian xưa nay lưu truyền câu nhắc nhở "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".

Bằng kinh nghiệm dân gian, người ta nhận ra "người tính không bằng trời tính". Những dự tính, những kỳ vọng luôn luôn phải đối diện với những trở ngại, những thử thách rất ngẫu nhiên, phức tạp mà không ai có thể tính trước được.

Để ứng xử với tính bất định đó, về tâm lý, người dân tin vào những tín ngưỡng, những kiêng kị để tâm lý được thoải mái, yên tâm mà thực hiện những kỳ vọng tốt đẹp của mình.

Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, việc kiêng làm nhà, mua nhà, kiêng khai trương, cưới hỏi làm các công việc đại sự… là những tập tục được truyền từ đời này sang đời khác, lâu dần hình thành thói quen mà không có cơ sở khoa học.

Liều mua nhà tháng cô hồn, vợ chồng trẻ ở Hà Nội lời cả trăm triệu đồng - 2

Nhiều người trẻ không quá nặng nề chuyện kiêng kị, vẫn chốt mua căn hộ trong tháng 7 âm lịch (Ảnh minh họa: A. H).

Về cơ bản, các gia đình chỉ nên tham khảo, việc lựa chọn làm hay không làm các việc lớn trong tháng này tùy thuộc vào điều kiện, và nhu cầu của từng gia đình.

Theo ông Vỹ, việc kiêng kị quá mức không khác gì mua dây tự trói mình làm cho cuộc sống trì trệ, kém phát triển.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính từng chia sẻ rằng, việc kiêng kị mua bán, giao dịch tháng 7 rõ ràng là mê tín, bất hợp lý.  

Song hệ quả của nó lại tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến cung cầu, hoạt động giao thương và sự phát triển kinh tế xã hội.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm