An Giang:
Liều mạng mưu sinh nơi “nóc nhà miền Tây”
(Dân trí) - Dù đang bị “cấm cửa” nhưng hàng chục hộ dân hành nghề xe ôm ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) vẫn đua nhau chở khách tham quan và hàng hóa lên, xuống núi. Bởi lâu nay chén cơm, manh áo của họ đều dựa vào những “cuốc” xe trên đỉnh núi cao vời vợi này.
Mưu sinh nơi “nóc nhà miền Tây”
Đựơc biết, con đường tắt từ chân núi Cấm lên chùa Phật Nhỏ do những người dân sống tại đây tự mở ra để phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Dù đoạn đường chỉ dài khoảng 3km nhưng có khá nhiều khúc cua, dốc hiểm trở được ví như “cửa tử” nhưng ở đây hằng ngày vẫn có hơn 30 tài xế hành nghề xe ôm.
Chúng tôi làm quen được với anh An (20 tuổi) nhưng đã có hơn 3 năm gắn bó với nghề, nói về đoạn đường này thì anh diễn tả như đã thuộc lòng: “Đoạn đường này thì có cua Ba Tùng, Út Thơm,… là những cua được cho là ngặt nhất. Vì nó vừa cong như cái cùi chỏ, cộng thêm độ dốc "dựng đứng”. Khi chúng tôi hỏi phải làm thế nào để vượt qua những “cửa tử” đó, anh An trả lời thản nhiên: “Chạy riết rồi quen anh ơi, mình chạy chậm nhưng chắc, thấy vậy chứ cũng bình thường, chỉ cần phải giữ bình tĩnh để xử lí tình huống”.
Khi xe leo dốc có cảm giác như trút ngược, tiếng bô xe thì gầm gú, náo loạn cả khu rừng. Do đường nhỏ nên khi có 2 xe qua cua cùng một lúc thì khá nguy hiểm, một chiếc phải cài số rồi đậu vào sát lề đường, như vậy xe mới qua mặt được. Tuy nguy hiểm là vậy nhưng người dân nơi xem đó là “chén cơm”, nên nhiều người đã chấp nhận đối mặt với hiểm nguy để mưu sinh, trong đó có không ít là phụ nữ.
Là phụ nữ nhưng cũng hành nghề giống như anh An, bà Bảy Tím (ngụ ấp Vồ Bà) cho biết: “Gia đình tôi có đến 3 người tham gia chạy xe ôm. Biết là nguy hiểm, nhưng sống ở đây sản xuất thì không đạt, chỉ biết dựa vào cái nghề này để mưu sinh, chứ cũng không ai muốn mạo hiểm như thế cả”. Được biết cả gia đình bà Tím, ngày nào trúng vào dịp lễ, tết thì được khoảng 700.000 – 1.000.000 đồng, còn bình thường cũng chỉ đủ tiền mua gạo.
Theo nhiều tài xế chạy xe ôm có kinh nghiệm tại đây thì để những chiếc xe có thể vận hành một cách tốt nhất thì phải thay nhông, sên, dĩa, thắng, hộp số, khung, phuộc giảm xóc, vỏ xe …cho phù hợp với địa hình. Rồi cứ cách một, hai tháng phải thay nhớt, bố thắng một lần. Điều quan trọng nhất là thắng trước của xe phải ăn vì nó giữ độ an toàn cho xe khi xuống dốc. Ngoài ra, theo từng tính người chạy xe mà có cách làm xe riêng, có người đổ dốc thì đi số 1 cho xe ghì lại đỡ phải thắng, còn người thì trả về số N, như vậy ít tốn xăng nhưng phải dùng thắng nhiều. Và đặc biệt để cho chú “chiến mã” đủ sức để chiến đấu trên “đường đua” hiểm trở này thì cứ cách 2 đến 3 năm là phải làm máy lại một lần vì do phải leo dốc, đổ đèo nên các bộ phận của xe phải làm việc một cách hết công sức.
Lách “luật” kiếm cơm
Mặc dù đang bị cấm nhưng cánh tài xế vẫn bắt khách theo dọc đường đá, phân luồng chạy, để tránh những trạm kiểm tra. Hoặc chuyên nghiệp hơn, một số tài xế thỏa thuận giá với khách ở dưới chân núi Cấm xong, cho khách đi bộ qua trạm gác, rồi điện thoại cho người thân, đồng nghiệp chờ sẵn để rước.
Bắt chuyện với anh Nguyễn Văn C., (ngụ ấp Rau Tần) đã gắn bó với nghề chạy xe ôm hơn 15 năm nay, anh cho biết: “Sống trên đây không có nghề nghiệp ổn định, chỉ biết dựa vào nghề xe ôm kiếm sống, nay lại bị cấm. Họ nói không cho chở khách vì sợ nguy hiểm, nhưng đó giờ chở hàng trăm ký măng lên xuống có gì đâu”.
Cũng theo anh C., thì một số người đi núi viếng Phật cũng có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đi cáp treo hoặc do sợ độ cao. Vì thế việc chở khách ở những tuyến đường này vừa giúp đỡ họ, vừa để mưu sinh.
Anh Linh vừa chạy xe ôm vừa sửa xe cạnh chùa Phật Nhỏ chia sẻ: “Nghề này cũng chỉ đủ để đắp đổi qua ngày, chỉ trúng những ngày có lễ lớn, còn bình thường cũng chỉ đủ tiền cơm nước. Tính ra theo nghề cũng hơn 5 năm nhưng nhìn đi nhìn lại chỉ có mỗi chiếc xe là “của”, ngoài ra cũng chẳng có gì. Do xe chạy đường núi nên phải thường xuyên sửa chữa, có khi không còn tiền để ăn cơm. Mưu sinh ở con đường này chúng tôi đành phải chạy “chui”, tìm cách này, cách nọ…”.
Gan lì nghề xe ôm núi Cấm - An Giang
Trao đổi về vấn đề này ông Phạm Văn Dũng, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm cho biết: “Tuyến đường từ chân núi Cấm lên chùa Phật Nhỏ đã cấm xe ôm chở khách từ nhiều năm nay. Nếu ai cố tình vi phạm sẽ bị xử lí, còn người dân ở núi Cấm, nếu có nhu cầu lên xuống thì đi bằng cáp treo, bên phía công ty sẽ không lấy tiền”.
Nguyễn Trần