Quảng Nam:

Lão nông sáng chế chiếc "xe đạp cày đa năng"

(Dân trí) - Từ những phế liệu của chiếc xe đạp hỏng và một một vài vật dung khác, một lão nông đã sáng chế ra chiếc “xe đạp cày đa năng” với rất nhiều công dụng, đã giải phóng hàng vạn công lao động nông nghiệp ở các vùng quê nghèo của Quảng Nam cũng như các địa phương khác trong cả nước.

Đó là ông Lương Minh Đồng (57 tuổi), ở thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam.

Ông Đồng xuất thân trong một gia nghèo ở xã Đại Hồng. Năm 1976 ông lập gia đình, sau đó nhập ngũ và trở thành người lính của Tiểu đoàn R20, Tỉnh đội Quảng Nam – Đà Nẵng cũ. Năm 1983 xuất ngũ, ông về lại quê nhà làm nông cùng gia đình.

Ông Lương Minh Đồng đang tất bật với công việc của mình
Ông Lương Minh Đồng đang tất bật với công việc của mình

Ông Đồng nhớ lại: “Thời bao cấp vất vả lắm chú à. Tôi vừa làm ở đài truyền thanh, vừa làm “Ông tổng” (người điều hành các nghi thức trong đám tang-PV) lang thang khắp nơi từ làng trên xóm dưới nhưng cũng không đủ nuôi 8 miệng ăn… Tôi đến với nghề rèn cũng do cơ duyên thôi. Khi làm ở đài truyền thanh, lúc đó HTX có một tổ đội làm nghề rèn nên những lúc rảnh rỗi tôi lại qua xem các bậc tiền bối làm, dần dần rồi tôi mê luôn”.

Ông Đồng kể cuộc đời ông bôn ba với nhiều công việc nhưng nghèo vẫn nghèo. Gia đình có đến 8 miệng ăn gồm 6 đứa con và 2 vợ chồng chỉ trông chờ vào một mình ông... Khi hợp tác xã ngưng hoạt động, gia đình ông rơi vào cảnh khốn cùng. Nghỉ làm ở HTX, ông về làm nông. Nhà có mấy sào đất màu nhưng làm không đủ ăn.

Vào mùa vụ, công việc của ông lại càng nhiều hơn
Vào mùa vụ, công việc của ông lại càng nhiều hơn

“Khó khăn quá, tôi bàn với vợ rồi mở cơ sở rèn. Gọi là cơ sở nhưng hồi đó gia đình tôi nghèo không có tiền nên cơ sở rèn của tôi cũng chỉ là một cái lều dựng tạm ngay bên QL14B. Nghề rèn cũng không dễ kiếm cơm, lại còn vất vả, cực nhọc lắm…. thế nhưng, cũng nhờ nghề này mà vợ chồng tôi mới nuôi nổi 6 đứa con lớn khôn”, ông tâm sự.

Clip ông Đồng giới thiệu về chiếc cày đa năng

 

Nhớ lại những ngày đầu gian khó của mình khi mới dựng lò rèn lên, bà con tin tưởng đưa các dụng cụ, công cụ cho ông làm. Và cứ như thế công việc ngày càng ổn định hơn, cuộc sống gia đình nhờ thế đỡ vất vả hơn.

Ông Đồng than thở: “Nghề rèn cũng đâu dễ kiếm cơm. Mặc dù làm nghề vất vả là vậy nhưng những lúc không có việc tôi phụ vợ lo việc đồng áng. Hồi đó, bà con nông dân quê tôi làm đất chủ yếu bằng sức kéo của trâu, bò nhưng không phải nhà nào cũng có. Mỗi khi đến vụ, nông dân lại tất bật thuê mướn cày bừa hoặc dùng sức cuốc đất bộ để kịp xuống giống đúng thời vụ. Gia đình tôi cũng vậy, nếu không thuê được trâu bò làm đất, thì cả nhà phải vất vả cuốc đất, nhiều khi làm không kịp thời vụ”.

Ông cho biết, lò rèn của ông đỏ lửa thường xuyên
Ông cho biết, lò rèn của ông đỏ lửa thường xuyên

Thấy vợ con và người nông dân quê mình vất vả, từng đêm ông trăn trở và suy nghĩ là phải làm sao sáng chế ra được một sản phẩm gì đó để thay thế sức kéo và giúp nông dân có lợi. Một lần, tới nhà ông bạn chơi, thấy chiếc xe đạp cũ bỏ ở góc nhà, ông nảy sinh ý tưởng về một chiếc cày bằng xe đạp.

Nghĩ là làm nên với chút vốn liếng từ nghề rèn của mình học được, ông đã ngày đêm miệt mài bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng của mình. Từ chiếc xe đạp cũ, ông giữ lại cái ghi đông, phuộc và vành bánh trước của xe và tận dụng các tấm thép hoặc sắc để làm lưỡi cày…

Chiếc cày đa năng đã hoàn thiện
Chiếc cày đa năng đã hoàn thiện

Điều đặc biệt, các lưỡi cày được gắn với sườn xe và thiết kế theo các chức năng riêng như cày sâu cạn, xa, gần đều được. Phía trên là ghi-đông cầm để điều khiển chiếc cày. Sau khi thử nghiệm nhiều lần, năm 1985 chiếc xe đạp cày đầu tiên đã ra đời.

Trông chiếc xe cày đạp này khá đơn giản nhưng có khá nhiều công năng. Chỉ cần dùng sức đẩy nhẹ của phụ nữ hoặc thiếu niên cũng có thể cày đất, vun đất, gieo giống hay xới cỏ hoàn toàn theo thời gian và quy trình của mình. Nếu như trước đây làm một sào đất màu, chỉ tính riêng công làm đất, rạch hàng trỉa hạt, vun hàng, xới cỏ… ít nhất phải tốn 10 – 15 công nhưng khi sử dụng chiếc xe đạp cày đa năng này sẽ tiết kiệm từ 7-8 công.

Thấy được lợi ích thiết thực của chiếc cày, bà con tới mượn để làm thử và đặt hàng, cứ thế một thời gian sau chiếc cày này đã giải phóng toàn bộ sức kéo của trâu, bò hoặc máy cày. Tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều nông dân trong huyện, tỉnh rồi ở khắp nơi từ Bắc đến Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… tìm đến đặt hàng.

Theo ông Đồng, một ngày ông chỉ có thể làm được 2 chiếc xe đạp cày hoàn chỉnh nên nhiều người phải đặt trước rất lâu, nhất là đến ngày mùa vụ. Hồi mới xuất xưởng, giá một chiếc cày chừng 50-80.000 đồng/chiếc tùy theo nhu cầu của khách. “Số tiền này hồi đó lớn lắm nhưng bây giờ giá bán 400.000đồng/chiếc. Sau khi trừ công, chi phí nguyên vật liệu … mỗi chiếc cày này tôi chỉ lời kiếm được từ 100-150 ngàn đồng thôi. Dù thu nhập không cao nhưng cũng nhờ nghề rèn mà tôi mới nuôi nổi 6 đứa con”, ông Đồng bày tỏ.

Khi PV đặt vấn đề sao ông không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho chiếc xe cày đa năng của mình, ông Đồng phân vân nói: “Hiện nay chiếc xe cày này của tôi đã có mặt ở khắp mọi nơi, vì vậy nhiều thợ rèn “ăn cắp” mẫu mã, sản xuất hàng nhái. Biết là vậy nhưng tôi không còn cách nào khác, vì muốn đăng ký phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Là một nông dân nên việc này đối với tôi rất khó khăn, phải chi có cơ quan nào hỗ trợ hoặc đỡ đầu để tôi đăng ký thì hay biết mấy”.

Những ngày này là lúc cao điểm của vụ mùa nên công việc của ông cũng tất bật, vất vả hơn. Tuy nhiên, ông nói mình rất vui vì sản phẩm mình làm ra giúp ích cho bà con nông dân đỡ nhọc nhằn rất nhiều, đồng thời cuộc sống của ông cũng bớt khó khăn.

Bên cạnh chiếc xe cày đa năng trên, ông Đồng đã sáng chế ra nhiều sản phẩm sản phẩm khác phục vụ đắc lực cho bà con nông dân như sản phẩm chọc lỗ để vào phân cho cây dứa (thơm); hay như lưởi cắt gốc dứa, hệ thống giúp trỉa hạt tiết kiệm công lao động. Ông đang còn ấp ủ nhiều sản phẩm khác.

Ông Đồng cho hay, ông là nông dân duy nhất của tỉnh Quảng Nam lọt vào nhóm 62 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013.

Công Bính