Hội An:

Lão nông đam mê và làm giàu với tre làng

(Dân trí) - Bằng bàn tay tài hoa và sự sáng tạo không ngừng, hơn 40 năm qua ông đã “hóa thân” cho những cây tre vô tri thành những sản phẩm độc đáo, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đó là ông Trần Kim Thuận (trú khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, Hội An).

Lão nông đam mê và làm giàu với tre làng - 1

Ông Trần Kim Thuận bên sản phẩm xích đu làm từ tre

Trước năm 1979, ông Thuận theo chân cha làm nghề lợp lá dừa, nhà tre và làm nò (dụng cụ đánh bắt cá) cho nhiều gia đình tại địa phương. Sau khi cha mất, không muốn đánh mất tâm huyết của cha, ông tiếp tục phát triển xưởng tre gia đình.

Năm 2010, khi du lịch Hội An đang trên đà phát triển mạnh, nhu cầu về nhà lợp lá dừa, nhà tre, các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo từ tre, theo hướng thân thiện tự nhiên của các nhà hàng, khách sạn, homestay ngày càng lớn; ông bắt đầu tìm tòi, học hỏi và sáng tạo nên nhiều sản phẩm mới lạ, phù hợp thị hiếu khách hàng.

Lão nông đam mê và làm giàu với tre làng - 2

Theo ông Thuận, tre phải ngâm đủ 12 tháng để đảm bảo rắn chắc, bền đẹp và tránh mối mọt

“Nắm bắt thời cơ, tôi mạnh dạn đầu tư, sáng tạo nên nhiều mẫu mã độc đáo, mới lạ nên được khách hàng ưa chuộng. Quy mô xưởng ngày một lớn, các mối làm ăn cũng ùn ùn kéo đến khiến tôi vui lắm, bởi đã không phụ tâm huyết mà cha để lại”, ông Thuận tâm sự.

Khi tre ở địa phương ngày càng ít, ông rong ruổi khắp các làng quê xứ Quảng để tìm được những cây tre ưng ý. Ông Thuận cho biết, khi tạo bất kỳ sản phẩm nào, đòi hỏi tre phải có độ tuổi 5 - 6 năm. Và để cây tre trở nên chắc chắn, có sức dai bền bỉ, tre sau khi chặt mang về được ngâm trong hầm bùn đất suốt 12 tháng.

Lão nông đam mê và làm giàu với tre làng - 3

Tre khi ngâm đủ thời gian sẽ được hong khô trong mát rồi mới sử dụng

Hiện ông Thuận có 5 hầm ngâm tre, mỗi hầm chứa được khoảng 200 cây tre dài. Mỗi khi tre tươi được chở đến xưởng, hay tre được đưa vào ngâm trong hầm ông Thuận đều tự tay kiểm tra chất lượng, đảm bảo sản phẩm đưa đến tay khách hàng phải đạt chuẩn, uy tín.

“Khi đưa tre vào hầm tôi thường đặt theo kiểu gối đầu, mỗi hầm ngâm cách nhau khoảng 1-2 tháng để luôn có tre sử dụng. Mình ngâm phải đảm bảo đúng kỹ thuật, đủ thời gian để tre chắc chắn, sau khi ngâm xong cũng phải hong nơi thoáng mát chứ để ngoài nắng thì coi như xong… Quan trọng nhất là đam mê, tâm huyết với nghề và phải sáng tạo không ngừng để phù hợp thị hiếu khách hàng ngày một cao hơn”, ông Thuận cho biết.

Lão nông đam mê và làm giàu với tre làng - 4

Xưởng của ông Thuận còn tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương

Không chỉ nắm bắt về kỹ thuật bảo quản tre, ông Thuận còn biết cách “thổi hồn” vào những sản phẩm tre, khiến giá trị của tre được nâng lên tầm cao mới, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng.

Tiếng lành đồn xa, càng ngày xưởng của ông càng có nhiều khách hàng tìm đến, nhất là hợp đồng thi công thiết kế nhà tre lợp mái lá dừa hay mua bán các mặt hàng nội thất. Những khách hàng ở xa như Bình Định, Nha Trang… thì ông Thuận vận chuyển tre đến tận nơi lắp ráp, làm nguội rồi bàn giao...

Nghề làm sản phẩm từ tre không chỉ giúp ông Thuận có điều kiện nuôi 4 người con ăn học thành tài, ông còn tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động tại địa phương với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

“Nếu đơn đặt hàng nhiều thì ngoài 10 lao động cố định, tôi phải thuê thêm nhiều lao động thời vụ, có khi lên đến 27 người để đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không chỉ ngành du lịch, khách sạn, mà cả người làm dịch vụ trang trí, xây dựng như tôi cũng gặp khó khăn. Các đơn hàng cũng ít hơn, hiện chỉ duy trì việc làm để giữ thợ. Giờ chỉ hy vọng du lịch sẽ khởi sắc như xưa”, ông Thuận chia sẻ.

Công Bính – Ngô Linh