Lào Cai nỗ lực nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Lào Cai đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm từng bước nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng trong gia đình và xã hội.

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, với 25 dân tộc cùng sinh sống. Toàn tỉnh hiện có 112.258/146.419 hội viên phụ nữ, trong đó, hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số là 64.198 người, chiếm 57,2%. Ở một số nơi, do nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên bất bình đẳng giới vẫn còn xảy ra.

Thời gian qua, để tăng cường bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm từng bước nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng trong gia đình và xã hội.

Lào Cai nỗ lực nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số - 1

Phụ nữ người dân tộc Dao ở Lào Cai ổn định cuộc sống nhờ làm du lịch cộng đồng (Ảnh: Toàn Vũ).

Đến nay, tỉnh Lào Cai đã thành lập và duy trì 424 tổ truyền thông cộng đồng, với trên 3.700 thành viên tham gia; thành lập 85 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", với trên 1.900 thành viên tham gia.

Hiện nay, các mô hình đang duy trì hoạt động và phát huy vai trò ở các địa bàn. Hội phụ nữ các cấp phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức 59 hội nghị đối thoại chính sách tại các cụm xã trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố với 6.500 người tham gia.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã; 23 lớp tập huấn lồng ghép giới (Chương trình 2) cho cán bộ huyện, xã và 50 lớp tập huấn lồng ghép giới (Chương trình 3) cho cán bộ thôn bản và 28 lớp tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn.

Nhiều mô hình hay, cách làm có hiệu quả từ các chương trình, đề án, dự án do các cấp, các ngành trong tỉnh nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới trong gia đình bà con vùng dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện như: Mô hình "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế"; mô hình "5 không, 3 sạch"; mô hình "Phòng, chống tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương"...

Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới; chăm lo đời sống, bảo vệ, chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em; giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai.