Lạ lùng nghề ngồi im cho muỗi đốt, hàng trăm con bâu đen kịt tay ở Hà Nội
(Dân trí) - Hàng ngày, ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung Ương, các cán bộ, viên chức vẫn miệt mài làm công việc thầm lặng mà chỉ nghe cũng khiến ai nấy "nổi da gà". Đó là ngồi im cho muỗi đốt.
Gần 9h sáng, anh Vũ Mạnh Hùng thay bộ trang phục blouse màu trắng, nhanh chóng có mặt tại căn phòng phủ đầy những tấm màn mỏng, xung quanh xếp ngay ngắn vài chiếc lồng vải trắng buộc túm thắt nút ở đầu.
Sau khi rửa sạch và lau khô tay, anh Hùng tiến gần đến chiếc lồng có hàng trăm con muỗi đang "khát máu", thỉnh thoảng vỗ nhẹ bên ngoài để kiểm tra. Lấy bình tĩnh hít một hơi thật dài, anh cẩn thận mở lồng, đưa một cánh tay vào sâu bên trong và tay còn lại túm chặt mép vải, không để muỗi bay ra ngoài.
Chỉ chừng hai giây, đàn muỗi đói đang đậu trên thành lồng, thấy "thức ăn" liền lập tức xông tới, bâu kín cánh tay của người đàn ông. Tuy đau rát, ngứa ngáy nhưng anh Hùng chỉ dám "uốn éo" cơ thể, nghiến chặt răng.
Thỉnh thoảng, anh bấu chặt tay còn lại vào đầu gối, cố chịu đựng và ngồi yên, không cử động để tránh làm muỗi "giật mình" bỏ ăn.
Sau vài phút đầu được đàn muỗi "khởi động", khuôn mặt anh dần giãn ra. Anh chăm chú hướng mắt nhìn về những con muỗi đã hút máu đến no căng bụng, rời khỏi tay để bay về đậu quanh lồng.
Đó là công việc mà anh Hùng cũng như nhiều cán bộ, kỹ thuật viên tại khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương (phố Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đảm nhiệm mỗi ngày.
"Bình thường ở nhà, bị 1-2 con muỗi đốt đã sợ rồi nên khi công tác tại đây, chứng kiến đồng nghiệp cho muỗi ăn, tôi thấy rùng mình lắm.
Mỗi lần cho muỗi ăn như vậy là có khoảng vài trăm con đốt và cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu rực khắp cánh tay", anh Hùng kể.
Anh cho biết, tùy từng dòng muỗi mà thời gian cho ăn kéo dài từ 15-20 phút. Công đoạn này cũng có thể quan sát bằng mắt thường, khi muỗi không đốt nữa tức là chúng đã ăn no.
Lúc ấy, anh từ từ rút cánh tay chi chít những vết phồng đỏ ra khỏi lồng rồi đi rửa lại bằng nước sạch. Anh bảo, dù tay rất ngứa ngáy nhưng không được gãi vì càng gãi càng làm những nốt mẩn sưng to và lan rộng hơn.
Người đàn ông này chia sẻ thêm, thông thường, mỗi lồng sẽ nuôi nhốt khoảng 400 - 500 con muỗi, phân chia riêng biệt theo từng loại.
Hàng ngày, các cán bộ tại đây sẽ cho muỗi ăn bằng cách… ngồi im để muỗi đốt.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện công việc này. Theo đó, những người đảm nhiệm việc cho muỗi ăn phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe, không mắc bệnh nền.
Hay trước mỗi đợt thử nghiệm, họ cũng được yêu cầu không sử dụng nước hoa, sữa tắm hay các chất có mùi, tránh làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu trên muỗi.
Bên cạnh đó, quy trình nuôi muỗi cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu nghiêm ngặt. Cụ thể như muỗi cần được nuôi trong môi trường phù hợp, đảm bảo các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm. Nếu trời nóng quá, điều hòa hoặc các thiết bị làm mát chưa đủ hoặc thời tiết quá lạnh cũng có thể khiến muỗi chết hàng loạt.
Ngoài ra, trước khi cho muỗi ăn, các cán bộ tại đây phải rửa tay chân sạch sẽ, đảm bảo nguồn "thức ăn" phục vụ loài côn trùng này.
"Nếu chân tay không sạch, dụng cụ nuôi dưỡng không đảm bảo sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của muỗi, thậm chí khiến chúng chết hàng loạt. Ngoài ra, muỗi hút máu người sẽ cho trứng chất lượng, từ đó phục vụ tốt công tác nghiên cứu và thử nghiệm hơn", anh Hùng nhấn mạnh.
Ngoài "hiến máu" cho muỗi ăn, họ còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác trong quy trình nuôi muỗi nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phòng chống các dịch bệnh do loài côn trùng này gây ra.
Chia sẻ với PV Dân trí, TS. Lê Trung Kiên - Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương cho biết, nuôi muỗi chỉ là một trong số nhiều hoạt động nghiên cứu về véc tơ truyền bệnh (cụ thể là muỗi) của các cán bộ, nhân viên nơi đây.
Họ tập trung vào việc nuôi, nghiên cứu các loài muỗi có khả năng truyền bệnh, từ đó tìm ra các biện pháp phòng chống, các hóa chất phù hợp để diệt trừ loài muỗi đó.
"Quá trình nuôi muỗi có chu kỳ phát triển từ trứng, bọ gậy, quăng thành muỗi, đảm bảo tạo môi trường sinh sống như ngoài tự nhiên. Các cán bộ nuôi muỗi dù có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng với lòng yêu nghề và trách nhiệm với công việc, họ luôn tận tâm chăm sóc chúng như con nhỏ, góp công lớn vào việc nghiên cứu, giúp phát hiện đặc điểm của muỗi để đưa ra các biện pháp phòng bệnh một cách tốt nhất", TS. Lê Trung Kiên chia sẻ.
Ngoài việc nuôi muỗi trong phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu, các cán bộ tại Viện còn có nhiệm vụ chính là thực hiện công tác giám sát, tham gia xử lý ổ dịch, phòng chống côn trùng truyền bệnh để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Đồng thời nghiên cứu tìm ra các hóa chất, giải pháp hiệu quả cho việc phòng chống, kiểm soát dịch sốt xuất huyết, sốt rét ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước để hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh.
"Không chỉ làm việc trong phòng nghiên cứu, các cán bộ còn phải tạm gác lại chuyện cá nhân, gia đình để thường xuyên đi công tác dài ngày tại các địa phương có lưu hành bệnh. Khi vào các ổ dịch, họ cũng có nguy cơ phơi nhiễm cao với dịch bệnh. Sốt xuất huyết là bệnh do virus truyền nên chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể nên các cán bộ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Đó là sự hy sinh của các cán bộ, nhân viên y tế đối với các hoạt động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, với mức lương thấp của ngành y tế so với đặc thù công việc dự phòng chống dịch, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và chống dịch chưa đầy đủ là khó khăn chính mà họ gặp phải.
Ban lãnh đạo Viện và khoa hiện đang cố gắng động viên, hy vọng được sự quan tâm của chính phủ để tạo điều kiện cho cán bộ y tế được theo nghề, phát triển nghiên cứu một cách tốt nhất", Trưởng khoa Hóa thực nghiệm bày tỏ.