Kiệt sức vì công việc, người phụ nữ 38 tuổi chuyển vào viện dưỡng lão sống

Viên Minh

(Dân trí) - Ở tuổi 38, người phụ nữ Trung Quốc chuyển vào viện dưỡng lão, chọn sống cuộc sống của một "người già".

Theo AsiaOne, nữ biên kịch họ Yang đã dành 11 năm làm việc ở Bắc Kinh. Cô thường xuyên tăng ca đến khuya dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng. 

Sau một tháng nằm viện do kiệt sức, cô bắt đầu xem xét lại cuộc đời mình. Vì cha mẹ đều đã mất, cô chọn sống trong viện dưỡng lão, bày tỏ mong muốn một nơi yên tĩnh để có thể sống chậm và hồi phục sức khỏe.

Viện dưỡng lão nơi Yang tìm đến có diện tích 100.000 m2, chia làm 3 khu vực theo mức độ chăm sóc cần thiết, gồm 5 tòa nhà thang máy và khuôn viên rộng rãi.

Giá mỗi phòng phụ thuộc vào kích thước, dao động từ 1.300 nhân dân tệ (4,5 triệu đồng) đến 2.200 nhân dân tệ (7,7 triệu đồng).

Người phụ trách cho biết không giới hạn đặc biệt về độ tuổi hay thể chất đối với việc tiếp nhận người vào ở, người già nhất 102 tuổi, còn trẻ nhất là Yang. 

Kiệt sức vì công việc, người phụ nữ 38 tuổi chuyển vào viện dưỡng lão sống - 1

Yang ăn cơm trong viện dưỡng lão (Ảnh: Weibo).

Yang đã chi 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng) mỗi tháng, bao gồm chỗ ăn ngủ, một phòng riêng với 4 món ăn mỗi bữa. Đối với cô, trải nghiệm sống ở viện dưỡng lão giống như "chung cư có nhiều tiện nghi".

Nữ biên kịch nhận thấy trải nghiệm tại viện dưỡng lão không hề buồn tẻ, nên đã sống ở đây 3 tháng. 

Cô được chăm sóc y tế cơ bản, ăn uống lành mạnh và sinh hoạt khoa học. Nhờ đó, sức khỏe của cô hồi phục nhanh chóng, không còn gặp ác mộng như trước.

Cuộc sống mỗi ngày của Yang trôi qua nhẹ nhàng và không thiếu việc để làm, thông thường cô đọc sách và viết. Những ngày nắng đẹp cô sẽ đi dạo ngoài trời. Vào buổi chiều, cô thích ở phòng cộng đồng để trò chuyện với người cao tuổi.

"Ngày nào tôi cũng ngủ sớm, dậy sớm, có lịch sinh hoạt đều đặn, cảm thấy no đủ và cảm giác như được tiếp thêm năng lượng mỗi ngày", cô tâm sự.

Yang nhận ra khía cạnh vui vẻ và tràn đầy năng lượng của những người lớn tuổi trong viện dưỡng lão. Họ đều rất hào hứng tham gia các hoạt động khác nhau, trò chuyện với cô về những câu chuyện thời trẻ. 

Năng lượng của những cụ ông, cụ bà tại đây đã mang lại cho Yang cảm giác được khích lệ. Điều này đã truyền cảm hứng để cô ghi lại những video về cuộc sống của hơn 100 người già trong viện dưỡng lão. 

"Tôi muốn cho mọi người thấy một cộng đồng người già thực sự là như thế nào", nữ biên kịch hào hứng nói. 

Kiệt sức vì công việc, người phụ nữ 38 tuổi chuyển vào viện dưỡng lão sống - 2

Trong những ngày nắng đẹp, cô sẽ đi dạo ngoài trời (Ảnh: Weibo).

Theo truyền thông Trung Quốc, hiện tượng người trẻ sống trong viện dưỡng lão không phải là mới nhưng dường như đang có xu hướng gia tăng trong 2 năm trở lại đây.

Một viện dưỡng lão ở Hàng Châu thậm chí tuyển những người trẻ tuổi đến sống ở đó.

Ra mắt vào đầu năm 2019, dự án cam kết cung cấp chỗ ở miễn phí cho những người trẻ, miễn là họ hoàn thành 10 giờ phục vụ mỗi tháng để đi cùng người già trong cơ sở. Sáng kiến này sau đó đã lan rộng sang các tỉnh khác ở Trung Quốc.

Mục tiêu của nỗ lực này là cung cấp chỗ ở cho thế hệ trẻ, đồng thời "giảm bớt gánh nặng cô lập xã hội đối với người cao tuổi".

Trong lần kêu gọi đồng hành lần thứ 3 vào năm ngoái, 15 người trẻ đã được tuyển dụng thành công và chuyển vào viện dưỡng lão sinh sống.