Kiêng kị tháng “cô hồn” qua góc nhìn của các chuyên gia

Tháng “cô hồn” theo dân gian là tháng của ma quỷ quấy nhiễu, nhưng cũng là thời điểm giao mùa, cần bảo vệ sức khỏe - nhất là trẻ nhỏ để tránh bị đau ốm.

Tháng cô hồn cần giữ gìn và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ảnh: T.L
Tháng cô hồn cần giữ gìn và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ảnh: T.L

Nhiều người đau ốm

Chị Đào Thị Hoài (ở Lạc Long Quân, Hà Nội) kể lại, tối mồng 2 tháng 7 Âm lịch đi dự sinh nhật bạn về khuya, lại gặp mưa giữa đường nên về bị cảm, ốm dặt dẹo mấy ngày liền. Bạn bè đến thăm, chị ca cẩm là “biết tháng cô hồn dễ bị ma quỷ quấy nhiễu, sinh đau ốm, bệnh tật. Nhưng sinh nhật bạn thân, nhà gần nên tan cuộc mới về. Ai ngờ bị ốm ngay. Các cụ dạy chẳng sai, tháng cô hồn không nên đi chơi khuya, chơi đêm vì dễ gặp điều không may”.

Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), tháng 7 Âm lịch hàng năm được gọi là “tháng cô hồn”, dân gian quan niệm là dịp Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan cho ma quỷ tự do trở về dương gian, cũng dịp “âm khí xung thiên”.

Tuy nhiên theo khoa học, tháng cô hồn là giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường, cơ thể con người chưa kịp thích nghi với thời tiết nên dễ ốm đau, bệnh tật. Trẻ nhỏ, người cơ địa yếu, sức đề kháng kém dễ bị nhiễm lạnh, cảm cúm, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ sinh ra nhiều bệnh khác trong đó có rối loạn tiêu hóa, hoa mắt chóng mặt. Nhiệt độ nóng ẩm còn khiến côn trùng gây hại phát triển, vi khuẩn sinh sản nhanh, thực phẩm dễ bị hư hỏng… nếu ăn phải dễ bị đau bụng, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến tiêu hóa. Vì vậy dịp này nhiều người bị ốm đau bệnh tật, cho rằng tháng cô hồn bị ma quỷ quấy phá.

Thực tế, mỗi khi giao mùa thời tiết thất thường dẫn đến cơ thể nhiều người không thích ứng dễ gây ốm. Để tránh ốm đau, bệnh tật, mọi người cần chủ động ăn uống bổ dưỡng, bổ sung các loại vitamin, chất khoáng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Các bậc cha mẹ chú ý giữ ấm cổ, bụng cho trẻ để phòng các chứng lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa…

Không cho trẻ bơi lội dưới nước

Tháng 7 Âm lịch dân gian kiêng không cho trẻ bơi lội dưới nước, ngoài biển. Kiêng kị này cũng xuất phát từ thời tiết giao mùa, trẻ em có thể gặp nguy hiểm khi bơi lội dưới nước, ngoài biển vì cơ thể trẻ khó ứng phó kịp với sự thay đổi của thời tiết, khiến trẻ dễ bị chuột rút, co cơ, đuối nước… Vì vậy cha mẹ dịp này hạn chế cho con đi bơi lội. Nếu nắng ấm, con thích bơi lội thì cha mẹ cần luôn quan sát theo dõi con trong tầm mắt, bởi đã có trường hợp mẹ mải chơi điện thoại, con chết đuối dưới nước mà không phát hiện kịp.

Ban đêm không phơi quần áo?

Dân gian cho rằng, tháng cô hồn ma quỷ đi nhiều, nếu phơi quần áo ban đêm thì các vong hồn cô đơn, vất vưởng không người thờ cúng sẽ “mượn” và để lại năng lượng âm trong các quần áo ấy, người mặc sẽ rủi ro, không tốt cho sức khỏe.

Ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho rằng, đó là quan điểm mê tín. Theo khoa học, phơi quần áo vào ban đêm sẽ bị nhiễm sương, ẩm ướt làm cho vải nhanh mục, hỏng. Cũng tránh phơi đồ ở những nơi thiếu ánh sáng, độ ẩm cao, bụi bặm vì đó là nơi có nhiều tác nhân gây bệnh. Vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi trong quần áo sẽ gây dị ứng cho người mặc. Da trẻ nhỏ nhạy cảm, mặc quần áo phơi đêm dễ bị mẩn ngứa.

Vì vậy cần phơi quần áo ban ngày có ánh sáng mặt trời vừa nhanh khô, vừa diệt khuẩn, nấm mốc trên quần áo. Cần tạo nơi phơi quần áo rộng rãi, thoáng mát, có ánh sáng mặt trời chiếu vào và phơi ban ngày sẽ thu hút được nhiều năng lượng dương, làm cho người mặc được khỏe mạnh.

Không dọa khiến trẻ hồn xiêu phách lạc

Tháng cô hồn nhiều nơi kiêng không hù dọa, ú òa trẻ vì sẽ khiến trẻ lạc hồn vía, lơ ngơ. Thực tế việc hù dọa, ú òa nhiều người hay chơi, nhưng lại khiến người bị dọa giật mình, tinh thần hoảng sợ, tim đập loạn nhịp… ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tháng cô hồn, nhiều người cũng kiêng việc tránh để trẻ sợ quá mức như: Trẻ ngã xuống nước, trẻ gặp rắn rết, thú dữ… khiến trẻ bị sợ quá mà hồn xiêu phách lạc, dễ bị mất vía. Theo các nhà tâm linh, tùy vùng miền mà có cách giải vía khác nhau, dụng cụ khác nhau. Có thể dùng quả bồ kết khô đốt lên, hoặc xông tinh dầu trầm đốt vía.

Theo ông Vũ Thế Khanh, những cách giữ hồn vía, gọi hồn vía dân gian trên khoa học và tâm linh chưa thể lý giải được.

Có nhiều kiêng kị tháng cô hồn trong dân gian người dân không nên quá mê tín cái gì cũng làm theo. Hãy tìm hiểu theo khoa học, cái gì phù hợp thì làm.

Mỗi khi thời tiết giao mùa, hãy phòng để bảo vệ bản thân mình, bảo vệ trẻ em để tránh rắc rối về sức khỏe, chứ không chỉ vì tháng cô hồn. Những kiêng kị là quan niệm của người xưa khi mà trình độ hiểu biết còn thấp. Ngày nay, khoa học phát triển, khi trẻ có biểu hiện đau ốm, bệnh tật cần phải đưa ngay đến các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời, tránh những hậu quả.

Ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA)

Theo Uyển Hương

Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm