Không muốn thấy cảnh con gái bị bệnh nặng hành hạ, cha đưa con đi an tử
(Dân trí) - 5 ngày trước khi tới trung tâm an tử ở Thụy Sĩ, hai cha con người Trung Quốc cùng nhau đi cáp treo ngắm núi tuyết. Sau đó, người dùng mạng xã hội không còn thấy các video trên trang cá nhân của cô.
Câu chuyện về Sa Bạch, nữ giáo viên tiếng Anh nổi tiếng ở Thượng Hải (Trung Quốc) quyết định tới trung tâm an tử lớn nhất ở Thụy Sĩ để kết thúc cuộc đời mình thu hút sự chú ý của dư luận quốc gia tỷ dân trong những ngày qua.
"Xin chào các bạn. Tôi là Sa Bạch. Trước khi lên đường tới trung tâm an tử ở Thụy Sĩ, tôi định mang theo một số món vật như đeo chiếc vòng do một người bạn rất thân tặng và mang theo cuốn sổ được bạn viết tay.
Ngoài ra tôi cũng mang theo chiếc khăn mà bố mua tặng. Mỗi người có một tính cách khác nhau và quan điểm về nhân sinh quan cũng khác biệt. Đây là sự lựa chọn của riêng mình. Tôi đã sống một cuộc đời tuyệt vời và đây là video cuối cùng. Tạm biệt tất cả mọi người".
Đây là những lời chia sẻ trong video cuối cùng của Sa Bạch trước khi rời khỏi cuộc sống.
Video được cô đăng tải vào ngày 23/10 trước khi thực hiện cái chết êm dịu ở Thụy Sĩ vào 16h ngày 24/10 (theo giờ địa phương). Cũng trong video này, Sa Bạch chia sẻ thêm một số hình ảnh cô và cha trong chuyến đi du lịch cuối cùng bên nhau tại Thụy Sĩ. Cuối video, người phụ nữ 43 tuổi tạm biệt người cha 80 tuổi và nói "Con sẽ không bao giờ làm phiền cha nữa".
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Sa Bạch tới Singapore học MBA về tài chính. Trở về Trung Quốc, cô được nhận mức lương cao nhất trong số các giáo viên dạy TOEFL tại Thượng Hải.
Không lâu sau, Sa Bạch quyết định nghỉ việc và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Cô trở nên giàu có, trở thành người phụ nữ tự do tài chính và đã đặt chân tới hơn 40 quốc gia.
Với cuộc sống dư dả tài chính được nhiều người ngưỡng mộ, nhưng ít ai biết Sa Bạch bị chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ từ năm 20 tuổi. Căn bệnh mãn tính được ví như "ung thư bất tử" gây đau đớn và hành hạ cơ thể người bệnh.
Năm 2024 là thời điểm cô phát bệnh lần thứ 7 và nặng nề hơn cả. Cô nhanh chóng gặp biến chứng suy thận và mỗi tuần phải tới bệnh viện 3 lần để lọc thận 5-6 tiếng.
Theo Life Times, lupus ban đỏ là bệnh tự miễn mãn tính, chủ yếu ảnh hưởng tới nhóm phụ nữ trẻ. Từ những ban đỏ ảnh hưởng tới tim, thận, hệ thần kinh và các cơ quan khác. Lupus ban đỏ xảy ra ở 60% số bệnh nhân, tiếp tục diễn biến hoặc tái phát và tồn tại suốt đời. Mỗi lần tái phát, tổn thương với nội tạng nặng thêm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
Dù liên tục được người thân động viên và thậm chí một người họ hàng sẵn lòng hiến thận, Sa Bạch quyết định đưa ra sự giải thoát. Xác định không còn cơ hội khỏi bệnh, Sa Bạch mua tấm vé một chiều sang Thụy Sĩ cho mình và quyết định ra đi thanh thản với sự chứng kiến từ cha ruột.
"Tôi muốn sắc đẹp, tự do và không muốn sống một cuộc đời thiếu chất lượng. Thà sống ngắn hơn 40 năm tuổi nhưng được tận hưởng ánh nắng mặt trời, bãi biển và sự ngưỡng mộ từ người khác, còn hơn những tháng ngày đau đớn", cô chia sẻ.
Cha của Sa Bạch là một giáo viên dạy toán nổi tiếng gần 80 tuổi. Hiện đã về hưu, suốt nhiều năm qua ông là người đồng hành chữa bệnh cùng con. Khi nghe con gái tâm sự, ông mất một thời gian rất dài mới có thể chấp nhận.
"Cha yêu con và muốn ủng hộ điều này. Cha không muốn con phải tiếp tục chịu thêm những đau đớn nữa", người cha nói.
5 ngày trước khi an tử, hai cha con cùng nhau đi cáp treo ngắm núi tuyết. Cô gái tựa đầu vào vai người cha và nhắc nhở khi không còn con gái bên cạnh, mong người ở lại vẫn tự chăm sóc bản thân thật tốt. Người cha cũng cố nén nước mắt và nói rằng "cảm ơn cuộc đời đã cho ông một cô con gái ngoan". Ông hứa sang năm sẽ lại sang Thụy Sĩ để thăm con.
Trong một video khác, Sa Bạch ghi cảnh cô nắm chặt tay người cha già với mái tóc đã bạc phơ. Cô cho biết đã sắp tới ngày rời xa cuộc sống và nói rằng "đã tới lúc cha được nghỉ ngơi vì từng dành cả cuộc đời để chăm sóc con". Trong khi đó, người cha nói rằng "họ vẫn mãi mãi ở bên nhau".
Ngày 24/10 là thời điểm Sa Bạch chọn cái chết nhẹ nhàng để rời xa cuộc sống. Sau đó, người dùng mạng xã hội thấy trang cá nhân của cô đổi sang hình đại diện màu đen và toàn bộ video không còn hiển thị.
Câu chuyện của Sa Bạch đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận Trung Quốc. Có ý kiến bày tỏ sự ngưỡng mộ trước cô gái luôn biết chủ động trong cuộc sống, nhưng có người không tán thành và cho rằng đây là sự cực đoan, ích kỷ.
"Cô ấy có nghĩ tới cảm xúc của người cha già khi phải chứng kiến cảnh con ra đi mà không thể làm gì. Có những lựa chọn khác tích cực hơn trong trường hợp này", một người dùng Weibo nói.
Quyền được chết hay còn gọi là quyền an tử, đến nay vẫn vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đây là cái chết dựa trên ý chí tự nguyện của bệnh nhân với mục đích nhân đạo, tránh kéo dài tình trạng đau đớn của người bệnh cũng như giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và mang tới cái chết nhẹ nhàng.
Trong luật nhân quyền quốc tế (NQQT), quyền an tử là một chủ đề còn mới, chưa được thảo luận nhiều. Ủy ban Nhân quyền, Cơ quan giám sát thực thi Công ước Quốc tế cho rằng, mọi điều kiện về thủ tục và nội dung được đảm bảo, trong đó bao gồm cần phải thể hiện được ý chí rõ ràng của bệnh nhân.
Tuy nhiên, cơ quan này không đồng tình với các quy định về việc chấp thuận chấm dứt cuộc sống của trẻ em, bởi đây là đối tượng chưa đủ trưởng thành để bày tỏ ý chí về một vấn đề quan trọng với cuộc sống của mình.
Hiện nay, số lượng các quốc gia đã hợp pháp hóa an tử và trợ tử còn rất ít. Tính đến tháng 5/2015, mới chỉ có 4 quốc gia hợp pháp hóa an tử gồm: Hà Lan, Bỉ, Albania, và Luxembourg. Bốn quốc gia đã hợp pháp hóa trợ tử gồm: Thụy Sỹ, Đức, Mỹ (ở 4 bang Oregon, Washington, Montana và Vermont) và Canada (tỉnh Quebec).