Khai quật chiếc áo lụa 2.200 năm tuổi mỏng như cánh ve trong lăng mộ cổ

Huy Hoàng

(Dân trí) - Chiếc áo lụa khai quật từ lăng mộ của Tân Truy phu nhân lần đầu được trưng bày tại bảo tàng Hồ Nam ở miền trung của Trung Quốc có độ mỏng đáng kinh ngạc, được mô tả mỏng như cánh ve.

Áo lụa 2.200 năm tuổi mỏng như cánh ve, nhẹ như khói

Chiếc áo choàng bằng lụa được khai quật từ lăng mộ của Tân Truy phu nhân, người phụ nữ sống thời Tây Hán, chỉ nặng 48gram. Áo được làm bằng lụa, được mô tả mỏng như cánh ve, nhẹ như khói và không có đường may lót viền. Hiện món cổ vật lần đầu được trưng bày tại bảo tàng Hồ Nam thuộc miền trung của Trung Quốc.

Năm 1972, chiếc áo choàng được phát hiện và khai quật tại lăng mộ của Tân Truy phu nhân tại di chỉ Mawangdui. Tân Truy phu nhân qua đời ở độ tuổi khoảng 50. Bà là phu nhân của Lý Thương, vị tể tướng sống trong thời Tây Hán (từ năm 202 trước Công nguyên đến năm 25 sau Công nguyên).

Khai quật chiếc áo lụa 2.200 năm tuổi mỏng như cánh ve trong lăng mộ cổ - 1
Cận cảnh chiếc áo lụa trong mộ cổ được mô tả mỏng nhẹ như cánh ve (Ảnh: ECNS).

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng lụa từ kén tằm cách đây hơn 5.000 năm. Món cổ vật bằng vải lụa tinh xảo này được đặt ở lăng mộ cổ cho thấy đỉnh cao của kỹ thuật dệt may trong thời Tây Hán.

Vào thời nhà Hán (202 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên), trang phục thường được thiết kế với đường viền thẳng hoặc cong. Những chiếc có đường viền cong thường mặc vào dịp trang trọng. Còn trang phục có viền thẳng là mặc vào dịp bình thường.

Sau quá trình phân tích kết cấu, các chuyên gia nhận định, chất vải của áo lụa cực nhẹ với tỷ lệ truyền ánh sáng là 75%. Một sợi tơ dài 900m cũng chỉ nặng khoảng 1gram.

Theo các chuyên gia, do những tiến bộ trong công nghệ thuần hóa động vật và dệt may, loài tằm hiện đại ngày nay có kích thước lớn hơn khiến vải lụa dày và nặng hơn.

Trước đó vào năm 2019, Viện nghiên cứu Vân Cẩm Nam Kinh, bảo tàng Hồ Nam đã công bố bản sao chiếc áo lụa trơn viền thẳng không có lớp lót, nặng khoảng 49,5gram. Vài năm sau, bản sao của chiếc áo này cũng được ra mắt trước công chúng.

Món cổ vật này cùng hơn 200 tác phẩm và bộ hiện vật từ 19 bảo tàng trên khắp Italia và Trung Quốc sẽ được trưng bày ở bảo tàng đón khách tới tham quan cho tới hết ngày 7/10.

Tân Truy phu nhân, xác ướp 2.200 năm tuổi vẫn được bảo quản tốt

Khi chiếc áo lụa của Tân Truy phu nhân lần đầu được giới thiệu trước công chúng, thông tin về vị phu nhân này tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận.

Khai quật chiếc áo lụa 2.200 năm tuổi mỏng như cánh ve trong lăng mộ cổ - 2
Hình ảnh phục dựng mô phỏng Tân Truy phu nhân (Ảnh: Huang Dan).

Được biết, đây là một trong những xác ướp đặt trong khu lăng mộ, chứa nhiều bí ẩn khiến các chuyên gia khảo cổ của Trung Quốc phải dày công nghiên cứu.

Sau khi phân tích xác ướp, chuyên gia khảo cổ nhận định, Tân Truy phu nhân qua đời ở tuổi 50 vì bệnh tim do lối sống xa hoa của mình. Bà có chiều cao khoảng 1m54.

Xác ướp được bảo quản tốt tới mức kết quả chụp X-quang cho thấy phần xương còn nguyên vẹn. Chất lượng xương tương đương với người hiện đại cùng thời.

Xác ướp được bọc trong hơn 20 lớp lụa, đặt trong 4 lớp quan tài lèn chặt than đá và đóng kín bằng đất sét. Điều này giúp quan tài của bà không bị ngấm nước, tránh vi khuẩn xâm nhập.

Khai quật chiếc áo lụa 2.200 năm tuổi mỏng như cánh ve trong lăng mộ cổ - 3
Xác ướp của Tân Truy phu nhân được bảo quản tốt (Ảnh: New Vision).

Trong ngôi mộ của vị phu nhân này chứa hơn 1.000 cổ vật quý giá như tượng vàng bạc, một bộ sưu tập váy áo lụa, mỹ phẩm, nhạc cụ, đồ sơn mài và đồ gia dụng được chế tác tinh xảo. Điều này cho thấy, khi còn sống, bà được tận hưởng mọi thứ rất xa hoa.

Việc khai quật xác ướp của Tân Truy phu nhân cùng người chồng tể tướng và con trai được xem là một trong những sự kiện lớn đối với ngành khảo cổ học Trung Quốc vào thế kỷ 20.