Bên trong ''lăng mộ" gần 200 năm hoành tráng nhất Tây Đô
(Dân trí) - Được xây dựng cách đây gần 200 năm, với sự hoành tráng ví như cung điện, khu mộ cổ của ông Trần Thanh Hùng (ngụ TP Cần Thơ) đến nay vẫn còn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí chưa ai giải đáp hết.
Lăng mộ của gia tộc từng giàu nức tiếng ở Tây Đô
Khu mộ cổ có diện tích 1.500m2 tọa lạc trong vườn vú sữa nhà ông Trần Thanh Hùng (60 tuổi) ngụ ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền (Cần Thơ) được xây dựng cách đây gần 200 năm.
Dù đã trải qua biến động thời cuộc song tới nay khu mộ vẫn còn giữ được nét đẹp cổ kính, khang trang in đậm nét kiến trúc châu Âu.
Ông Hùng là thế hệ thứ 5 đang gìn giữ, bảo tồn giá trị truyền thống của gia đình. Ông cho biết, cơ ngơi này do cụ Tổ là ông Trần Để, tự là Trần Tấn Tới nguyên quán Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Việt Nam định cư vào khoảng thế kỷ 19.
Ông Hùng cho biết, theo lời kể của ông nội, cha và các tiền nhân thì cụ Tổ của ông là một trong những người giàu có của vùng đất Tây Đô trong thời Pháp thuộc.
Lúc sinh thời, cụ Tổ của ông Hùng đã cho người xây dựng khu mộ để khi các thành viên mất đi có nơi để an nghỉ.
Theo đó, khu mộ rộng 1.500m2 chia làm 2 phần trong đó mộ phần của cụ Tổ và vợ nằm trên mảnh đất rộng 1.000m2, còn lại là từng mộ phần của các con. Phía ngoài ngôi mộ là song cửa sắt thép dày, cao hơn 3m, tất cả các bia mộ đều được làm bằng đá cẩm thạch.
Ngôi mộ được thiết kế như một tòa cung điện, rất công phu, tinh xảo. Mộ của cụ Tổ nằm ở giữa, hai bên là mộ của hai bà vợ.
Mỗi ngôi mộ được thiết kế trông rất cổ kính. Riêng ngôi mộ của người con thứ bảy, sau chuyến đi Pháp về, ông này đã tự thiết kế ngôi mộ theo phong cách Pháp cho vợ chồng họ.
Bí mật sau lớp vôi tường
Dù đã trải qua gần 200 năm song đến nay khu mộ vẫn giữ được hình dáng cơ bản như lúc đầu. Khoảng 6 năm trước, mộ của bà vợ nhỏ bị lún và bong tróc nên ông Hùng đã cho tráng nền xi măng lại. Phần còn lại vẫn còn giữ nguyên trạng, không dám sửa chữa vì sợ mất giá trị văn hóa, lịch sử của công trình.
Điều khiến mọi người tò mò vì lớp vôi trên tường bị bong tróc lại xuất hiện các hoa văn có họa tiết như cành lá, hoa sen có màu sắc đẹp.
"Bình thường phần tường có màu trắng, không có họa tiết gì cả nhưng những chỗ bị tróc lại có nhiều hoa văn lộ rõ giống như được vẽ lên rồi mới sơn thêm lớp vôi. Càng về sau này hoa văn trên tường càng hiện ra rõ rệt hơn nhưng đa số các bức họa đều thiên về hoa cỏ", ông Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, trên các tấm bia của mộ cụ Tổ và 2 người vợ có để rất nhiều chữ Hán đến nay chẳng ai dịch nghĩa hết được.
"Có nhiều người đến xem tấm bia này thậm chí là các chuyên gia về tiếng Hán và người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến xem nhưng vẫn không giải mã được hết", ông Hùng tiết lộ.
Anh Trần Minh Luân (ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) cho biết, bản thân rất thích điều bí ẩn nên khi nghe ở Cần Thơ có khu mộ lâu đời anh khá tò mò đến xem.
"Đến nơi tôi rất ấn tượng vì kiến trúc pha trộn nét Á - Âu cực kỳ hài hòa. Không chỉ thế, sự khéo léo và tài hoa của các bậc tiền nhân khi xây dựng "lăng mộ" này mới khiến người đời sau nể phục.
Chẳng hạn như cổng rào thì dùng đinh sắt tán vào, vôi quét tường và màu sơn, hay gạch trang trí đều quá bền, màu sắc vẫn vẹn nguyên cứ tưởng như bị thời gian bỏ quên", anh Luân bình phẩm.
Bản thân ông Hùng cũng rất vui khi vài năm nay rất nhiều du khách đến thăm viếng khu mộ. Hiện ngôi mộ cổ vẫn được gia đình ông Hùng gìn giữ, bảo tồn và ông vẫn hi vọng sẽ có người giải được hết những thắc mắc mà ông cha để lại qua những chữ Hán trên các văn bia ấy.