Hướng tới một thành phố không tiêu thụ thịt chó

Công Bính

(Dân trí) - Xây dựng Hội An là thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo. Từ đó, hình ảnh Hội An đẹp hơn trong mắt du khách.

Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) vừa có sự kiện "Hành trình yêu thương - Vì phúc lợi hàng triệu chó và mèo ở Việt Nam".

Tại sự kiện, bà Trần Thị Hồng Trang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thành phố Hội An, đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai sáng kiến hướng tới một thành phố không có thịt chó, mèo.

Hướng tới một thành phố không tiêu thụ thịt chó - 1
Bà Trần Thị Hồng Trang chia sẻ kinh nghiệm triển khai sáng kiến hướng tới một thành phố không có thịt chó, mèo (Ảnh: Bình An).

Năm 2021-2023, FOUR PAWS và UBND thành phố Hội An đã hợp tác trong dự án "Xây dựng Hội An là thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại".

Dự án này nhằm xây dựng Hội An thành một thành phố du lịch thân thiện, không thịt chó, mèo; nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc tiêm phòng dại và các nguy cơ sức khỏe từ nạn buôn bán thịt chó, mèo; hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo; giảm nguy cơ bệnh dại đối với con người.

Bà Trang cho biết, đến nay, dự án đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của đa số người dân Hội An, làm đẹp hơn hình ảnh của thành phố và con người Hội An thân thiện, nhân tình, thuần hậu.

Hướng tới một thành phố không tiêu thụ thịt chó - 2
Một quán thịt chó tại Hội An trước ngày đóng cửa (Ảnh: Công Bính).

Năm 2023, phường Minh An, Hội An được công nhận là "Vùng an toàn bệnh dại", tạo hiệu ứng tích cực đến hoạt động du lịch và sự an toàn của du khách.

Bà Trang khẳng định, mặc dù chưa có thống kê chính xác về sự tăng lượng khách du lịch, nhưng hình ảnh Hội An thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo đã đẹp hơn trong mắt du khách, sức khỏe cộng đồng được đảm bảo hơn.

Du lịch Hội An đang phát triển theo hướng du lịch sinh thái, trải nghiệm và cộng đồng. Cách ứng xử với tự nhiên, trong đó có động vật, làm đẹp hơn hình ảnh của người Hội An trong mắt du khách, thúc đẩy phát triển du lịch.

Đa số người Hội An không sử dụng thịt chó, mèo như thực phẩm và ngày càng nhiều người hướng đến các bữa ăn thuần thực vật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ người Hội An hoặc người từ nơi khác đến vẫn sử dụng các món ăn chế biến từ thịt chó, mèo.

Hướng tới một thành phố không tiêu thụ thịt chó - 3
Ông Phạm Văn Quyết, chủ quán thịt chó ở Hội An, đã tháo dỡ biển và di dời các vật dụng chế biến thịt chó ra khỏi cửa hàng (Ảnh: Hùng Anh).

Việc nuôi chó, mèo để đổi bán ở Hội An gần như không còn, nên việc buôn bán thịt chó, mèo cũng thúc đẩy hành vi trộm cắp thú cưng trở nên phổ biến hơn, là trải nghiệm đau thương đối với động vật và chủ sở hữu của nó.

"Chó, mèo là bạn, không phải là thức ăn, những nhận thức tiêu cực về buôn bán thịt chó và mèo có thể làm suy yếu nỗ lực thu hút khách nước ngoài", bà Trang chia sẻ.

Theo tiến sĩ Hà Cẩm Tâm, Giám đốc chương trình của Tổ chức bảo vệ động vật thế giới (WSPA), phúc lợi động vật là cực kỳ cần thiết cho sự phát triển bền vững, nhất là tại một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam.

"Cải thiện các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật sẽ không chỉ tốt cho động vật mà còn tác động tích cực đến an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và đa dạng sinh học của đất nước chúng ta", tiến sĩ Hà Cẩm Tâm khẳng định.

Mặc dù khá phổ biến trên thế giới, tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn còn là một khái niệm mới và không phải ai cũng hiểu được. Do đó, việc cải thiện phúc lợi cho động vật phù hợp với chiến lược phát triển du lịch bền vững.

Bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng chương trình động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết rất vinh dự khi được tổ chức hội thảo lần thứ 2 với các bên hữu quan để sớm chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó và mèo ở Việt Nam.

"Việc chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo cần sớm được thực hiện để đáp ứng mong đợi của công chúng, giảm thiểu rủi ro các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và tăng cường hình ảnh du lịch thân thiện của Việt Nam. FOUR PAWS luôn sẵn sàng hợp tác với các bên để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất", bà Karan Kukreja nói.