Thanh Hóa:

Hơn 20 năm dày công sưu tầm tư liệu Bác Hồ

(Dân trí) - Bằng tình cảm thiêng liêng dành cho Bác Hồ kính yêu, ông Lê Reo đã sưu tầm được hàng nghìn bức ảnh, hàng vạn đầu báo, cuốn sách viết về cuộc đời, sự nghiệp, hy sinh của Bác Hồ qua các thời kỳ lịch sử.

“Yêu Bác Hồ theo cách riêng của mình”

Trong căn phòng với bức ảnh Bác Hồ được treo trang trọng chính giữa, ông Lê Reo (xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) kể lại hành trình những năm tháng đi tìm tòi, sưu tầm tư liệu về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Người sưu tầm tư liệu, hình ảnh Bác Hồ

Ông Reo bày tỏ: “Mỗi người có những cách khác nhau để thể hiện tình yêu đối với Bác. Tôi yêu Bác Hồ theo cách riêng của mình. Tôi nghĩ, nếu mình không lưu giữ lại thì những bài viết, tờ báo, cuốn sách, hình ảnh của Bác cũng sẽ mất theo thời gian.

Từ năm 1995, tôi có ý tưởng sẽ lưu giữ và sưu tầm lại tất cả những tư liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập hợp lại thành một thư viện nhỏ tại gia. Đây vừa là đam mê và cũng là cách tôi bày tỏ tình cảm thiêng liêng của bản thân đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc”.

Hơn 20 năm dày công sưu tầm tư liệu Bác Hồ - 1

Cuốn albbum lưu giữ hình ảnh Bác Hồ kèm theo chú thích Bác Hồ làm việc gì, ở đâu, thời gian nào.

Cuốn album ông tự thiết kế để lưu giữ những hình ảnh Bác Hồ, mỗi bức ảnh là một câu chuyện chân thực về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến, hy sinh của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Sau mỗi bức ảnh, ông Reo đều bố trí một góc nhỏ để  ghi chú đầy đủ nội dung Bác đang làm việc gì, ở đâu, thời gian nào. Những chú thích này giúp người xem dễ hình dung và hiểu hơn về những dấu mốc lịch sử quan trọng gắn liền với cuộc đời của Bác.

Hơn 20 năm dày công sưu tầm tư liệu Bác Hồ - 2

Những cuốn sách viết về Bác Hồ cũng được ông Reo sưu tầm và lưu giữ.

Cùng với đam mê sưu tầm hình ảnh Bác, trong thư viện nhỏ của ông Reo còn lưu giữ hàng trăm cuốn sách viết về Bác, như cuốn sách Búp sen xanh của tác giả Sơn Tùng; Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia); 105 lời nói của bác (nhà xuất bản Thanh niên); Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam (Báo nhân dân); Nhật ký trong tù, tác phẩm và lời bình (Nhà xuất bản Văn học); Toàn văn di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sáng mãi phẩm chất Bộ đội cụ Hồ (Cục Chính trị Quân khu 4)….

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện!

Trên hành trình tìm tòi lưu giữ ảnh, tư liệu về Bác Hồ, ông Lê Reo có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Thế nhưng, với ông, câu chuyện về bức ảnh Bác Hồ chụp cùng Quốc vương Lào Xu-xa-vông Vát-tha-na múa lam vông với các diễn viên Lào trong buổi lễ mừng Quốc vương sang thăm hữu nghị Việt Nam ngày 12/3/1963 khiến ông không bao giờ quên.

Hơn 20 năm dày công sưu tầm tư liệu Bác Hồ - 3

Hàng vạn đầu báo viết về Bác Hồ được ông Reo cất cẩn thận.

Đó là lần ông Reo đi photo tài liệu, ông bắt gặp bức ảnh đen trắng của Bác Hồ dường như đã bị gia chủ bỏ quên trong góc tường nhỏ của căn phòng. Vốn là người rất trân quý hình ảnh của Bác, ông Reo đề nghị gia chủ cho xem và có nhã ý mượn lại bức ảnh này.

Được sự đồng ý, ông Reo đã dùng máy ảnh cá nhân của mình chụp lại bức ảnh, rửa ra và đóng khung trang trọng tặng lại chủ nhân của bức ảnh này.

“Sau khi nhận lại bức ảnh trên, chủ nhà rất vui mừng và đã treo bức ảnh tại một góc trang trọng trong căn nhà của mình…’’ - ông Reo nhớ lại.

Hơn 20 năm dày công sưu tầm tư liệu Bác Hồ - 4

Với ông Lê Reo, việc sưu tập hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ chính là cách ông thể hiện tình yêu với Bác.

Ngoài những bức ảnh ông sưu tầm được qua sách, báo, tài liệu, bạn bè, người thân biếu tặng, với chiếc máy ảnh nhỏ, ông đã lặn lội tìm đến tất cả các địa danh Bác Hồ đã từng đặt chân đến để lưu giữ làm kỷ niệm.

Ngoài một số địa danh trong tỉnh vinh dự được Bác Hồ đến thăm như hợp tác xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa; thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn; biển Sầm Sơn… ông Reo còn đến nhiều địa điểm khác như: làng Sen quê nội Bác (Nghệ An); Bến Nhà Rồng - nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước (Thành phố Hồ Chí Minh); Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng); Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - nơi Bác viết Tuyên ngôn độc lập (Hà Nội)… Mỗi mảnh đất Bác Hồ từng đặt chân đến, ông đều chụp lại bằng góc nhìn của mình để lưu giữ làm kỷ niệm...

Ông Nguyễn Đức Vân, Bí thư Đảng ủy xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa cho biết: “Đảng ủy, chính quyền xã Dân Quyền rất trân trọng việc làm ý nghĩa của ông Lê Reo trong việc sưu tầm và lưu giữ lại hình ảnh, tư liệu quý về Bác. Đây là một công trình quý hiếm của địa phương để giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Hàng năm, mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thư viện nhỏ tại nhà của gia đình ông Lê Reo lại được đón nhiều đoàn viên thanh niên, học sinh ở xã Dân Quyền đến xem lại những bức ảnh, tư liệu về Bác và nghe ông kể về những câu chuyện gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về quá trình hoạt động cách mạng của Bác, về nhân cách, đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm