Hơn 1.000 tấn hàng của người dân xứ Thanh gửi tới thành phố mang tên Bác

Bình Minh

(Dân trí) - Không chỉ gom từng quả bầu, quả bí, nhiều nơi, người dân xứ Thanh còn thức xuyên đêm để đóng hàng kịp thời gửi vào cứu trợ đồng bào miền Nam - nơi đang bị đại dịch Covid-19 hoành hành.

 Xuyên đêm bóc lạc, đóng hàng

Hưởng ứng lời kêu gọi "Hướng về thành phố mang tên Bác" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Thanh Hóa, những ngày qua, nhiều địa phương trong tỉnh từ miền xuôi lên miền núi, từ thành phố đến nông thôn như: Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Như Thanh, Thường Xuân, Ngọc Lặc, thành phố Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa… đã quyên góp, tổ chức rang lạc, đóng gói trứng, hải sản khô, nước mắm để hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.

Hơn 1.000 tấn hàng của người dân xứ Thanh gửi tới thành phố mang tên Bác - 1

Bà con xã Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn bóc lạc xuyên ngày, xuyên đêm để kịp gửi tới người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Các hoạt động bóc lạc, đóng hàng được địa phương thực hiện nhanh chóng. Tất cả được đóng gói cẩn thận, mỗi gói không quá 1 kg để thuận tiện cho việc vận chuyển, phân phối.

Ghi nhận một số nơi như xã Quảng Hùng (thành phố Sầm Sơn), đã 3 ngày nay người dân chong điện để đóng hải sản khô; tại xã Quảng Thọ (thành phố Sầm Sơn), người dân cũng xuyên đêm bóc hàng tấn lạc…

Còn tại huyện miền núi Thường Xuân, mặc dù là địa phương miền núi còn khó khăn, nhưng tinh thần ủng hộ cũng rất cao. Bà con dân tộc Thái mang đến nhà văn hóa thôn từng quả bầu, quả bí, từng quả trứng gà, cân gạo; nhà có buồng chuối cũng mang đến ủng hộ…

"Tôi xem tivi thấy nói đồng bào miền Nam đang gặp khó khăn do dịch Covid-19, dù chúng tôi cũng ko khá giả nhưng đời sống yên ổn vì chưa có dịch. Tôi mong góp chút nào đó gọi là tình cảm gửi tới bà con trong đó, mong bà con vững tâm, giữ gìn sức khỏe để cùng Nhà nước vượt qua đại dịch", chị Lương Thị Lan, xã Luận Khê (huyện Thường Xuân) chia sẻ.

Hơn 1.000 tấn hàng của người dân xứ Thanh gửi tới thành phố mang tên Bác - 2

Lạc được bóc và đóng gói cẩn thận.

Tại huyện miền núi Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa), đến thời điểm hiện tại, Ủy ban MTTQ huyện này đã tiếp nhận trên 80 tấn lương thực, thực phẩm của người dân và cán bộ các xã, thị trấn, cơ quan đơn vị trong huyện bàn giao. Sản phẩm chủ yếu do người dân trong huyện sản xuất như gạo, miến, bầu, bí, lạc, mì tôm... giá trị hàng hóa ước tính trên 1,3 tỉ đồng.

Hơn 1.000 tấn hàng chuẩn bị lên đường

Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến sáng ngày 21/7, bà con nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi, quyên góp được hơn 1.000 tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu cứu trợ nhân dân, người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Số hàng bao gồm: Cá khô, moi khô, nước mắm, ruốc, lạc, gạo, miến gạo, bí ngô, bí xanh, đu đủ xanh...

Hơn 1.000 tấn hàng của người dân xứ Thanh gửi tới thành phố mang tên Bác - 3

Những chuyến xe vận chuyển hàng hóa tập kết để chuẩn bị đưa vào miền Nam.

"Do số lượng hàng hóa rất nhiều, vì thế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã đấu mối với Cảng Nghi Sơn, quyết định vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vào Thành phố Hồ Chí Minh", bà Thủy thông tin.

Cũng theo bà Thủy, nhanh nhất ngày 24 hoặc sáng 25/7, tàu sẽ rời bến để vào Cảng Sài Gòn, đến ngày 28/7, hàng hóa sẽ có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 1.000 tấn hàng của người dân xứ Thanh gửi tới thành phố mang tên Bác - 4

Bà con miền núi đóng góp từ buồng chuối xanh đến những cân gạo, quả bầu, quả bí...

"Đây đều là những hàng hóa đảm bảo chất lượng, được nhân dân lựa chọn rất kỹ, đóng gói cẩn thận để ủng hộ nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19", Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.

Trước đó, nhằm kịp thời động viên, chia sẻ, hỗ trợ nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngày 17/7, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi, vận động toàn thể nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tuần lễ "Hướng về thành phố mang tên Bác".

Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ nhiều nhóm chính sách hỗ trợ

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0).

Chính sách hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chính sách lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.