Hỗ trợ phát triển kinh tế cho phụ nữ giúp nâng cao bình đẳng giới

Hồng Anh

(Dân trí) - Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong phát triển kinh tế là mối quan tâm lớn của Việt Nam trong những năm qua.

Phụ nữ được hỗ trợ các cơ hội về việc làm giúp tăng trưởng kinh tế và mang lại công bằng trong xã hội. Tại các tỉnh thành trên cả nước, những năm qua, nhiều hợp tác xã được thành lập và lãnh đạo bởi phụ nữ đang hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên.

Thông tin tại Hội nghị thượng đỉnh Nữ lãnh đạo Hợp tác xã khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại biểu tham dự cho biết, tại Việt Nam, chỉ tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù chưa có số liệu nghiên cứu đầy đủ nhưng có ít nhất 10% phụ nữ tham gia quản lý trong số 18.340 hợp tác xã nông nghiệp; 85% lao động nữ tham gia và có việc làm ổn định trong lĩnh vực này.

Tại Hà Nội, nhiều hợp tác xã do phụ nữ đứng đầu hoạt động hiệu quả, giúp nâng cao vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội.   

Tại Bắc Ninh, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững luôn được các cấp các ngành trong tỉnh quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ không ngừng được mở rộng, phát triển trong thời gian qua. Sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác đã khơi dậy tiềm năng để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất hàng hóa, thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần giúp phụ nữ mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Hỗ trợ phát triển kinh tế cho phụ nữ giúp nâng cao bình đẳng giới - 1

Phụ nữ phát triển kinh tế nông nghiệp ở Lạng Sơn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã.

Chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu: "Tiếp tục thành lập các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, đồng bào dân tộc làm chủ"; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đặt ra chỉ tiêu "Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030".

Tháng 1/2023, Chính phủ đã phê duyệt đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".  

Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 khuyến khích thành lập các hợp tác xã do hội viên các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có hội viên phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt nhằm hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý điều hành, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đề án góp phần đạt chỉ tiêu "Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030" như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đặt ra.

Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam nhận định, Chính phủ Việt Nam đã duy trì động lực thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều năm qua.

Kể từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, xếp hạng thế giới của Việt Nam về Bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trong số 146 quốc gia (theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố năm 2023).

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới. Tỷ lệ này cao gần bằng với nam giới (72% đối với nữ, so với 82% đối với nam).

Nhờ có sự ổn định về kinh tế mà vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội cũng được nâng lên. Sự hiện diện của phụ nữ trong các mô hình kinh doanh hiện đại, các hợp tác xã, các đơn vị doanh nghiệp không chỉ phản ánh sự tiến bộ về quyền bình đẳng giới mà còn thúc đẩy phát triển xã hội, đem lại nhiều lợi ích sâu rộng cho cộng đồng.

Mỗi cá nhân chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có thể đảm nhận những vai trò quan trọng và đạt được những thành tựu to lớn trong nền kinh tế.