Hiểm họa từ hàng quà vặt trước cổng trường
(Dân trí) - Trong số hàng trăm món quà vặt được bày bán la liệt trước cổng trường, liệu có bao nhiêu món ăn được đảm bảo vể nguồn gốc, xuất xứ? Ấy vậy mà những mặt hàng này vẫn thu hút rất nhiều học sinh và đang là món ăn khoái khẩu của các em sau mỗi giờ tan học.
Nhộn nhịp hàng quà vặt trước cổng trường
Cứ vào cuối mỗi buổi sáng hoặc chiều, trước cổng của nhiều trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh học sinh đứng đông nghịt, túm tụm quanh những xe đẩy hoặc cửa hàng bán đồ ăn vặt. Không hiểu các món ăn này có sức hấp dẫn đến nhường nào mà đôi khi, học sinh đứng tràn cả xuống lề đường, gây ách tắc giao thông.
Món quà vặt phổ biến nhất trước các cổng trường phải kể đến nem chua, xúc xích rán. Ngó qua chiếc xe lưu động, chỉ thấy hàng trăm chiếc que xiên, một can dầu ăn với những túi nilong đựng thực phẩm không có bao bì, nhãn mác. Hiện nay, món ăn ngày càng có nhiều sự “cải tiến” với đủ chủng loại, đa dạng từ tôm, kẹo hồ lô đến chả mực và chả cá viên,… tất cả được rán ngập trong một thứ dầu khét lẹt đã ngả màu.
Vơ đống que xiên cũ vứt xuống dưới chân, người bán hàng chùi vội tay vào khăn để nhận tiền của khách. Sau đó, người này thản nhiên lấy chính chiếc khăn đó lau sơ qua bề mặt thùng sắt đầy dầu mỡ rồi tiếp tục thò tay bốc trực tiếp chả cá, xúc xích, chả mực,… cho vào chảo dầu. Tận mắt chứng kiến những hành động đó, nhưng dường như không một học sinh nào mảy may để ý hay gợn lên chút nghi ngại về sự an toàn của món ăn mình đang thưởng thức.
Điều đáng nói, không chỉ các bạn học sinh mà nhiều bậc phụ huynh cũng không hề quan tâm đến chất lượng an toàn vệ sinh của thực phẩm bán dạo cổng trường. Dừng chân ở hàng bán nem chua rán trước cổng một trường tiểu học ở Hà Nội, theo quan sát của PV, không ít phụ huynh đã tự tay mua cho con mình một vài que đồ rán. Thậm chí, có người còn mua thêm hàng chục que mang về nhà.
Không chỉ có thực phẩm chiến rán không rõ nguồn gốc, học sinh còn rất hứng thú với những gói bánh, kẹo, bim bim nhiều màu sắc. Trên bao bì các sản phẩm này chỉ toàn chữ Trung Quốc, không thấy hạn sử dụng hay bất cứ thông tin nào rõ ràng. Những món quà vặt này được bán đồng giá 2.000 đồng.
Cầm trên tay miếng bánh đầy dầu mỡ, dai và có mùi ngai ngái, Hương (học sinh tiểu học) vô tư trả lời: “Bạn bè em ai cũng ăn vì nó ngon lắm. Em còn hay mua cả thịt hổ và que Tôn Ngộ Không nữa, vừa ăn vừa đợi mẹ đến đón”.
Chị Thủy, phụ huynh học sinh chia sẻ:“Đôi khi cũng sợ đồ ăn không đảm bảo vệ sinh nên không cho cháu ăn. Nhưng hôm nay con đòi thưởng vì được điểm cao, chả nhẽ lại không chiều. Cháu nó ăn cùng bạn bè nên mẹ cũng không cấm được”.
Quà vặt ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe
Thực tế, chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy những đồ ăn chế biến trước cổng trường khó có thể bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với những món ăn vặt được bán trong hàng quán, xe đẩy hay trên vỉa hè, không ai có thể quản lý được chất lượng cũng như độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng việc sử dụng các loại dầu ăn không rõ nguồn gốc đã là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây hại đến sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh , Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, “Ở những khách sạn, nhà hàng lớn, người ta chỉ dùng dầu 1 lần nhưng sử dụng rất nhiều, giống như “luộc” trong dầu. Lượng dầu cặn còn lại được lọc rồi chuyển cho tiểu thương ở chợ hay người bán hàng rong. Lượng dầu này có acolein rất cao. Chất acrolein gây hại cho gan, gây kích ứng niêm mạc dạ dày và là một trong những nguyên nhân gây ung thư”.
“Hơi acrolein có thể kích ứng mắt, mũi và đường hô hấp. Nếu tiếp xúc kéo dài có thể gây viêm, hoại tử, loạn sản nhẹ biểu mô mũi, tế bào đáy. Acrolein gây viêm loét, xuất huyết, tăng sản biểu mô đường tiêu hóa”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh giải thích.
Những túi bánh, túi kẹo bày bán la liệt trong gian hàng trước các cổng trường vốn xuất hiện rất nhiều ở chợ Đồng Xuân hoặc “thủ phủ bánh, kẹo nhái” La Phù. Chỉ khác là ở 2 nơi kia, mặt hàng này được bán theo từng bọc lớn với mức giá rẻ đến giật mình. Tất nhiên, nguồn gốc, xuất xứ thực sự của các loại bánh kẹo này vẫn là ẩn số.
Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, các phụ huynh nên hướng dẫn con mua hàng tại các căng-tin trong trường, không cho con tiền tiêu vặt để hạn chế mua quà vặt quanh cổng trường. Đồng thời, bố mẹ cũng nên giải thích cho các con hiểu về nguyên nhân, tác hại và hậu quả của những đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ để các con hiểu và hạn chế mua những thực phẩm này.
Hoàng Ngọc