Đắk Nông:

Hàng trăm suất cơm miễn phí giúp người dân khó khăn mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Giữa những ngày khó khăn mùa dịch Covid-19, hàng trăm lao động khó khăn của huyện Đắk R’Lấp vẫn có cơm ăn mỗi ngày. Tất cả là nhờ sự chung sức, giúp đỡ của người dân để không ai phải đứt bữa.

Hàng trăm suất cơm miễn phí tặng lao động khó khăn mùa dịch Covid-19

Đã 13 ngày qua, mỗi ngày quán cơm H.K (Khối 5, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) phục vụ từ 300-500 suất ăn miễn phí cho rất nhiều bà con lao động khó khăn. Riêng trong ngày 23/4, tức ngày mùng 1/4 âm lịch vừa qua, bếp phục vụ hơn 1000 suất ăn.

Thường lệ từ 10h-10h30 hàng ngày, bà con địa phương là người lao động nghèo, người làm thuê, tàn tật đến quán nhận cơm. Mọi người xếp hàng trật tự, lần lượt lấy cơm, nếu ai khó khăn quá thì đều được nhường lấy trước.

Hàng trăm suất cơm miễn phí giúp người dân khó khăn mùa dịch Covid-19 - 1
Hàng trăm suất cơm miễn phí được chuẩn bị tặng cho người khó khăn mỗi ngày

Theo lời những người dân đến nhận cơm, cuộc sống của họ vốn dựa vào tiền công làm thuê, nhưng nay gặp do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên không đi làm được. Những bữa ăn vô cùng ý nghĩa, một phần cơm nhỏ nhưng cũng giúp cho nhiều gia đình bớt đi gánh nặng trong lúc này.

Hàng trăm suất cơm miễn phí giúp người dân khó khăn mùa dịch Covid-19 - 2

Món ăn chế biến thay đổi theo ngày để bà con có những bữa cơm ngon miệng

Đứng xếp hàng chờ nhận cơm, bà Đỗ Thị Hây (xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp) cho hay, mấy hôm nay bà đều đến đây lấy cơm trưa cho 6 người trong gia đình. “Cơm nấu rất ngon. Không chỉ tôi mà mọi người đến nhận cơm ở đây đều rất hạnh phúc và cảm kích vì sự giúp đỡ này”, bà Hây xúc động nói.

Ngoài phục vụ tại chỗ quán còn hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho người gặp khó khăn tại một số địa bàn như huyện Tuy Đức, thành phố Gia Nghĩa. Nhiều người dân từ các xã vùng sâu ra trung tâm huyện để khám chữa bệnh cũng đến nhận cơm.

Hàng trăm suất cơm miễn phí giúp người dân khó khăn mùa dịch Covid-19 - 3
Người dân trật tự xếp hàng, lần lượt vào lấy cơm

Bà Lê Thị Tính (trú xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức) cho biết, buổi sáng đi từ nhà ra đây cũng gần 30km, vì nhà xa nên không về được. Tiền thuốc men, tiền đi lại, tiền điều trị nhiều, trong khi các quán ăn lại chưa được mở cửa nên mấy hôm nay, bà Tính cũng theo người dân đến đây nhận cơm.

“Dù không phải là người địa phương nhưng khi đến biết tôi đang nằm điều trị tại bệnh viện, họ sẵn sàng phát cơm cho mang về. Nhiều bệnh nhân khác cũng như tôi, đến đây nhận cơm trong thời gian dịch bệnh”, bà Tính cho biết.

Hàng trăm suất cơm miễn phí giúp người dân khó khăn mùa dịch Covid-19 - 4

Bà con địa phương là người lao động nghèo, người làm thuê, tàn tật đến quán nhận cơm

Được biết, chương trình chia cơm cho người nghèo do chủ quán cơm huy động tổ chức. Tùy vào lòng hảo tâm người tặng gạo, người tặng nhu yếu phẩm, rau, củ quả… người không có của góp công. Món ăn chế biến thay đổi theo ngày để bà con có những cơm ngon miệng.

Theo chủ quán, cuộc sống mưu sinh, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng ở thời điểm khó khăn này, bếp cơm cùng các nhà hảo tâm khơi dậy tinh thần “một miếng khi đói, bằng một gói khi no” chia cơm cho người nghèo. Mỗi phần ăn đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng gửi đến bà con là sự chia sẻ, yêu thương để nhiều gia đình bớt cơ cực.

Quán mở cửa phục vụ miễn phí trong 21 ngày, từ ngày 11/4 đến ngày 1/5/2020. Để hỗ trợ nấu, phát cơm cho bà con giữa thời điểm dịch Covid-19, quán bố trí lực lượng hướng dẫn người đến nhận cơm đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

“Góp của, góp công chia sẻ khó khăn với người nghèo trong thời điểm này không chỉ đơn thuần là món quà vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi hy vọng sẽ cùng nhân dân cả nước vượt qua thời điểm khó khăn chung này”, một người hỗ trợ quán ăn cho hay.

Hàng trăm suất cơm miễn phí giúp người dân khó khăn mùa dịch Covid-19 - 5

Hàng ngàn suất cơm đã được trao tặng miễn phí cho người dân Đắk Nông (ảnh: Gia Linh)

“Nhìn thấy bà con lần lượt xếp hàng vào nhận cơm, ai cũng ăn hết phần cơm của mình, chị em tôi cũng vui lây. Chỉ mong sao mình đủ sức khỏe để tiếp tục hỗ trợ bà con, người lao động khó khăn”, bà Hạnh tâm sự.

Dương Phong