Hàng loạt vụ trẻ đuối nước, chuyên gia chỉ điều cha mẹ cần nhắc con ghi nhớ
(Dân trí) - Theo huấn luyện viên Nguyễn Duy Tuấn, không riêng bể bơi, ao hồ, trẻ em có thể tử vong ngay cả khi gặp nạn ở mực nước thấp như khi ngã vào xô nước, chậu nước, bồn tắm...
Bảo đảm an toàn cho trẻ trước môi trường nước
Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Ngày 3/6, tại Quảng Ninh, một bé gái 4 tuổi không may ngã xuống hồ bơi tử vong khi đi du lịch cùng gia đình. Trước đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra vụ bé gái 2 tuổi tử vong trong xô nước ở nhà cô giáo.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân thứ 2 gây ra tử vong do tai nạn thương tích cho trẻ, chỉ sau tai nạn giao thông.
Theo Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, tỷ lệ trẻ em đuối nước ở nước ta đã giảm nhưng vẫn còn gần 2.000 trẻ đuối nước mỗi năm.
Hiện nay, các gia đình ngày càng quan tâm đến việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ riêng khi đi bơi, các vụ đuối nước có thể xảy ra bất cứ khi nào. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì phút xao nhãng trong tích tắc của người lớn.
Huấn luyện viên dạy bơi Nguyễn Duy Tuấn (ở Hà Nội) chia sẻ, trẻ em thường hiếu động, thích khám phá, vui đùa với nước. Nước là môi trường thân thuộc, là nguồn sống của con người nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.
Trẻ em có thể tử vong ngay cả khi gặp nạn ở mực nước thấp như khi ngã vào xô nước, chậu nước, bồn tắm, bể cá nhỏ, hồ cá gia đình…
Để đảm bảo an toàn cho trẻ trước môi trường nước, điều quan trọng nhất vẫn là sự giám sát, quản lý của người lớn với trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 5-6 tuổi. Người lớn tuyệt đối không rời mắt khỏi trẻ em ở những nơi gần sông nước, không giao trẻ cho một trẻ lớn hơn trông chừng.
Các bậc phụ huynh cần căn dặn trẻ không được chơi một mình ở nhà tắm, nơi gần ao, hồ, sông, suối, cần khóa cửa phòng tắm nếu có trẻ nhỏ, không chứa nước trong xô, chậu hay bồn tắm.
Dù trẻ còn nhỏ nhưng các gia đình cũng nên cho con biết những nguy cơ con có thể gặp phải với môi trường nước, có thể dạy cho con thông qua các tình huống minh họa.
Khi cho trẻ đi bơi, hãy chỉ định một người lớn theo dõi trẻ và luôn để trẻ trong tầm quan sát để có thể tiếp cận trẻ ngay dưới nước, trang bị áo phao với những trẻ chưa biết bơi… Khi di chuyển bằng các phương tiện trên mặt nước, tham quan vùng sông nước, mỗi người đều phải mặc áo phao.
Với những trẻ nhỏ từ 5-6 tuổi trở lên, các gia đình có thể cho con đi học bơi, học kỹ năng ứng phó với các tình huống bất trắc dưới nước.
Trẻ từ 3 tuổi đã có thể học một số kỹ năng an toàn
Theo huấn luyện viên Nguyễn Duy Tuấn, mấy năm gần đây, các gia đình ngày càng quan tâm đến việc cho con đi học bơi, tuổi đi học bơi của trẻ giảm hơn so với nhiều năm trước.
"Nhiều phụ huynh khi con mới 2,5-3 tuổi đã gọi điện xin tư vấn về thời điểm học bơi thích hợp. Ở lứa tuổi này, các bé có thể được cho làm quen với nước, học cách ngụp lặn, lấy hơi không sặc, cách tự đứng lên khi không may ngã xuống ở nơi có mực nước thấp. Với những trẻ từ 5 tuổi trở lên thì có thể bắt đầu học bơi", anh Tuấn nói.
Ngoài ra, huấn luyện viên này cũng cho rằng, người lớn cần trang bị các kiến thức và kỹ thuật sơ cấp cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi không may xảy ra các vụ đuối nước.
Có kinh nghiệm nhiều năm dạy bơi cho trẻ nhỏ, thầy giáo Đặng Tuấn Anh, giáo viên giáo dục thể chất Trường Tiểu học Xuân Vinh (Xuân Trường, Nam Định) chia sẻ, ngay cả khi đi học bơi, trẻ cũng có thể đối diện với nguy cơ đuối nước. Vì vậy, anh luôn có sự giám sát chặt chẽ và thực hiện kỷ luật bể bơi nghiêm khắc đối với người dạy và người học.
Khi dạy trẻ bơi, thầy dạy luôn phải tập trung 100% tinh thần vào công việc của mình, tuyệt đối không được lơ là bất cứ giây phút nào, bởi một tích tắc xao nhãng là có thể khiến trẻ bị đuối nước, mất mạng.
Mỗi giáo viên chỉ nhận phụ trách dạy tối đa cho 10 trẻ trong một buổi dạy để đảm bảo có thể bao quát được tất cả trẻ nhỏ.
Đối với trẻ nhỏ, thầy luôn căn dặn trẻ không được xuống bể khi giáo viên chưa cho phép, không được ấn đầu bạn xuống nước trong khi bơi, thực hiện đúng các bước khi học bơi...
Bể bơi thường có các mức độ sâu khác nhau, trẻ chỉ được phép bơi ở những vùng nước có độ sâu phù hợp với mình.
"Nguy cơ đuối nước của trẻ nhỏ cao hơn người trưởng thành nên sự giáo dục, giám sát của gia đình, người lớn là rất quan trọng.
Với trẻ nhỏ, dù đã biết bơi thì bố mẹ vẫn phải lưu tâm đến vấn đề an toàn, có người giám sát đi cùng. Khi trẻ đi học bơi hay đi bơi, cha mẹ cũng nên biết các nguyên tắc an toàn ở bể bơi để thường xuyên nhắc nhở con", thầy giáo Tuấn Anh nhấn mạnh.