Hà Nội tăng cường hỗ trợ, khuyến khích người dân hỏa táng
(Dân trí) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp phần mềm hỗ trợ hỏa táng theo hướng liên thông, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong quá trình giải quyết các thủ tục.
Ngày 20/8, UBND thành phố Hà Nội tổng kết chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo; sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 21/3/2016 của UBND thành phố Hà Nội quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng trên địa bàn thành phố (Quyết định 08).
Theo Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Khuất Văn Thành, nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, trong giai đoạn 2016- 2018, toàn thành phố đã giảm được gần 52.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 1,16% vào thời điểm cuối năm 2018, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, đến thời điểm này, Hà Nội có 5 quận là: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Thanh Xuân không còn hộ nghèo.
Hà Nội cũng đã dành hơn 3.515 tỷ đồng chi trợ cấp xã hội hằng tháng; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện nghèo, cận nghèo; tặng quà Tết cho người nghèo, đối tượng yếu thế…Hiện, Hà Nội phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2019; không có ai bị “lọt lưới” an sinh xã hội.
Theo báo cáo, để khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng cho người thân sau khi qua đời, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND ngày 22/10/2010 và Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND, ngày 21/3/2016. Từ năm 2010 đến nay, thành phố hỗ trợ chi phí hỏa táng 3 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển 1 triệu đồng/trường hợp ở khu vực ngoại thành, 500.000 đồng/trường hợp ở khu vực ngoại thành.
Chính sách này được người dân đồng tình ủng hộ và đã, đang góp phần hình thành nếp sống văn minh trong việc tang. Nếu năm 2010, số ca hỏa táng toàn thành phố đạt tỷ lệ 18,5%, thì đến năm 2018 đã tăng lên 60,09% (khu vực nội thành đạt 74,16%; khu vực ngoại thành đạt 50,86%). 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ hỏa táng ở các địa phương tiếp tục tăng. Dự kiến, giai đoạn 2020- 2025, tỷ lệ hỏa táng ở Hà Nội đạt trên 65%.
Đặc biệt, từ năm 2016, thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng, giúp người dân nhận được sự hỗ trợ nhanh, chính xác, đúng, đủ, kịp thời. Các địa phương đã giảm bớt dịch vụ công trực tuyến trong việc khai tử cho gần 41.000 hồ sơ, tiết kiệm được gần 5 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc thực hiện các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội để chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2019, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu những mô hình giảm nghèo nhanh, hiệu quả để áp dụng cho phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu của từng hộ nghèo; lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới. UBND các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên chỉ đạo, rà soát các hộ nghèo có nhà ở xuống cấp, hư hỏng để tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ kịp thời.
Về chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp phần mềm hỗ trợ hỏa táng theo hướng liên thông, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong quá trình giải quyết các thủ tục.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở LĐ,TB&XH xây dựng chính sách hỗ trợ hỏa táng giai đoạn sau năm 2020, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua.
Hoàng Phong
Nguồn: Báo Tiền Phong