Hà Nội: Ông bố kể phút bủn rủn khi con bị vật lạ ở chung cư rơi trúng đầu
(Dân trí) - Khi nghe thấy con gái gào khóc vì đau đớn, đầu chảy nhiều máu, anh Đặng Xuân Trịnh (Hà Nội) cảm thấy lo lắng, chân tay bủn rủn.
Mới đây, đoạn video ghi lại cảnh một bé gái đau đớn, bật khóc, đầu chảy nhiều máu vì bị vật thể rơi từ tầng cao chung cư tại Hà Nội, thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Nhiều ý kiến bình luận bày tỏ sự xót xa, thương cảm với nạn nhân. Bên cạnh đó, không ít người phẫn nộ khi biết nguyên nhân gây ra vụ việc.
Trả lời phỏng vấn Dân trí, anh Đặng Xuân Trịnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận, bé gái bị chảy nhiều máu trên đầu xuất hiện trong clip là con gái anh. Sự việc xảy ra ngày 13/9 tại sân chung cư Gelexia Riverside Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội).
Theo anh Trịnh, khi đang chơi cùng nhiều em nhỏ khác, con gái bỗng bị một vật cứng rơi từ tầng cao trúng đầu.
Anh Trịnh vội vàng dùng áo trùm đầu, lau máu và đưa con gái đi cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn. Do vết rách trên đầu bé khá nặng nên cán bộ y tế đề nghị chuyển đến bệnh viện.
Sau 2 ngày, con gái có biểu hiện hốt hoảng, buồn nôn, đau đầu, vợ chồng anh đưa con chụp CT sọ não, kết quả cho thấy, hộp sọ bị lún 7mm.
"Bác sĩ khuyên gia đình tiếp tục theo dõi sát sao trong một tháng đầu, chú ý cho con ăn các thức ăn mềm. Tình trạng hộp sọ bị lún sẽ bình phục dần theo thời gian", anh Trịnh thông tin.
Không yêu cầu bồi thường, chỉ muốn nâng cao ý thức
Nói về clip được đăng tải lên mạng xã hội, anh Trịnh cho rằng, bản thân không yêu cầu cá nhân hay tập thể phải bồi thường. Tuy nhiên, gia đình muốn lên án ý thức của một số người dân ở chung cư.
Anh Trịnh bày tỏ: "Tôi mong muốn thông qua sự việc này sẽ nâng cao ý thức của người dân, tránh để xảy ra các câu chuyện tương tự ảnh hưởng đến tương lai của các cháu. Trường hợp con gái tôi dẫu sao vẫn may mắn. Nếu cư dân tiếp tục không có ý thức, có thể còn những sự việc thương tâm hơn".
Ngày 14/9, anh Xuân Trịnh đã làm việc với ban quản lý chung cư nơi xảy ra sự việc và chủ đầu tư, đồng thời thông báo với công an phường.
Công an phường Yên Sở đã tiếp nhận thông tin về sự việc, cử cảnh sát khu vực tiến hành điều tra. Anh Trịnh mong muốn cơ quan chức năng sẽ điều tra kỹ lưỡng, làm sáng tỏ nguyên nhân vụ việc.
Hiện, vấn đề quan tâm nhất của anh Trịnh là sức khỏe của con gái. Gia đình đang chăm sóc, ổn định tâm lý để bé có thể vượt qua được giai đoạn này.
Trên thực tế, có không ít sự việc đồ vật rơi từ trên cao xuống gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân đã xảy ra tại nhiều chung cư ở Việt Nam.
Anh Trịnh mong mỏi các ban quản trị chung cư nên vào cuộc tìm cách quản lý, nâng cao ý thức người dân để không còn những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Anh Trịnh đề xuất: "Với người dân sống ở chung cư, các vật dụng có thể rơi xuống cần tránh để ở ban công. Ngoài ra, các chung cư có thể lắp lưới hứng được đồ vật rơi từ trên cao xuống hoặc có thêm các tấm kính đua ra 3m phía trên sân chung cư để đồ vật rơi xuống không trúng người dân".
Trước đó, không ít vụ người dân sống ở chung cư bị vật thể lạ rơi trúng đầu gây thương tích.
Năm 2017, một người đàn ông ở khu đô thị HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) hoảng hồn suýt bị một chiếc thớt và một con dao to bản từ trên tầng cao chung cư rơi trúng đầu; Hay một cụ ông bị chảy máu đầu do ổ khóa rơi từ chung cư ở khu đô thị Đại Thanh.
Nghiêm trọng hơn, năm 2018, trong lúc đang chơi ở bên dưới chung cư 15 tầng, một bé trai 3 tuổi sống ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) bị một viên gạch rơi trúng người, dẫn đến tử vong.
Kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T) cho biết, giải pháp phổ biến nhất hiện nay để ngăn đồ rơi từ tầng cao chung cư (nhất là những tòa nhà phía dưới là không gian sinh hoạt cộng đồng) là từng căn hộ lắp thêm lưới an toàn, vừa bảo vệ trẻ nhỏ, vừa giảm thiểu côn trùng.
"Tuy nhiên, việc lắp lưới an toàn cũng cần đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn khi có sự cố, như có chốt an toàn hoặc chất liệu lưới dễ cắt khi sử dụng búa hay kìm cộng lực", ông Trung nói.
Một biện pháp được nhiều tòa nhà lựa chọn là xây mái che, nhưng theo kiến trúc sư, điều này còn phải tính toán đến kiến trúc mặt đứng của tòa nhà, nên chưa thực sự thông dụng.