Vì sao kính nhiều nhà cao tầng, chung cư vỡ vụn trong bão?

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến nhiều cửa kính chung cư bị vỡ vụn trong bão nằm ở các vấn đề về thiết kế kết cấu, chất lượng cửa kính và công tác thi công.

Bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cơn bão mạnh nhất 3 thập kỷ cuốn bay nhiều mái nhà, làm đổ gục hàng loạt cây cối, cột điện…

Đặc biệt, cửa kính ở nhiều chung cư ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội bị vỡ vụn.

Chị Loan (sống ở chung cư tại phường Cái Dăm, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, cửa kính lối ra ban công nhà chị bị thổi tung khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền. Căn hộ chung cư suốt nhiều tiếng liền chịu cảnh gió thổi thốc tháo.

Một khách sạn 5 sao ở Quảng Ninh cũng bị tàn phá nặng nề. Mặt kính tứ phía hầu hết đều vỡ toang, trơ ra những tấm rèm cửa trong gió. Tấm vách kính bao mặt đứng của khách sạn cũng bị gió bão giật bung và đổ sập.

Tại Hà Nội, cửa kính, cửa sổ nhiều chung cư bị nứt, vỡ vụn hoặc liên tục rung lắc khiến nước tràn vào nhà trong cơn mưa lớn.

Vì sao kính nhiều nhà cao tầng, chung cư vỡ vụn trong bão? - 1

Ban công của một khách sạn tại Đồ Sơn bị vỡ toang do bão Yagi (Ảnh: Ngọc Tân).

Anh Vũ Mạnh Hà (nhà ở TP Hạ Long) chia sẻ: "Lâu nay tôi cứ nghĩ ở nhà chung cư là kiên cố, không lo mưa bão, ngập lụt. Ai ngờ, sau bão Yagi, nhiều căn hộ chung cư cũng tan hoang chẳng khác gì nhà mặt đất".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, nguyên nhân khiến nhiều cửa kính chung cư bị vỡ vụn trong bão nằm ở các vấn đề về thiết kế kết cấu, chất lượng cửa kính và công tác thi công.  

"Khi xây dựng một công trình, thiết kế kết cấu là khâu quan trọng và cần được thực hiện nghiêm chỉnh để đảm bảo kết cấu của toàn bộ công trình từ kết cấu cửa, vách đến kết cấu mặt bê tông cốt thép hay sự gắn kết giữa bê tông với các cửa kính, vật liệu khác", ông Nga nói.

Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, một công trình đảm bảo tiêu chuẩn sẽ là sự tổng hòa của các khâu thiết kế, thi công lựa chọn vật liệu, giám sát công trình.

Tuy nhiên, có thực trạng các tiêu chí thiết kế khi đưa ra trên bản vẽ thì đảm bảo nhưng khi đưa vào thi công lại không đúng bởi tình trạng bớt xén nguyên vật liệu, "rút ruột" công trình.

"Chính vì vậy, trách nhiệm nằm ở người giám sát thiết kế và giám sát thi công. Quan trọng nhất khi hoàn công phải thể hiện đủ tiêu chí, các thông số để kiểm tra kiểm định", ông Nga nói.

Vì sao kính nhiều nhà cao tầng, chung cư vỡ vụn trong bão? - 2

Đồ đạc ngổn ngang sau khi cửa kính chung cư ở Quảng Ninh bị thổi bung (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông Tống Văn Nga cho biết đã xem các video, hình ảnh ghi lại cảnh cả mảng kính lớn của tòa nhà cao tầng tại Hạ Long bung ra, đổ ập xuống. Theo ông Nga, đây là mặt dựng công trình.

Theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) những mặt dựng như này về nguyên tắc đều phải được thử nghiệm trước nhưng thực tế không ai thử nghiệm bởi sự chủ quan, tối giản chi phí.

Những ngày qua, trên một số hội nhóm xuất hiện các bài viết với chủ đề "review chung cư" (tạm dịch "đánh giá chung cư) sau bão Yagi.

Nhiều người đã chia sẻ hiện trạng chung cư sau bão qua các thông tin về độ chịu lực của cửa kính, tình trạng tạt nước qua cửa kính, tình trạng thấm dột… để "chấm điểm" chung cư.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên lấy một cơn bão ra để đánh giá bởi chất lượng chung cư còn liên quan đến nhiều yếu tố. Đó là chưa kể khi bão càn quét còn đi theo hướng gió. Chung cư đón hướng gió bão chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Ông Tống Văn Nga cho rằng, bão Yagi là lời cảnh tỉnh về vấn đề chất lượng trong xây dựng các công trình hiện nay.

"Cơn bão là phép thử bằng thực tiễn. Nên rà soát, kiểm tra lại các công trình hiện nay, phải đảm bảo chất lượng xây dựng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân sống trong các chung cư", ông Nga nói.