Hà Nội: Dây diều "sắc như dao" cứa ngang cổ người, chém đứt đầu xe ô tô

Minh Nhân

(Dân trí) - Trong lúc điều khiển ô tô, anh Q. (Hà Nội) phát hiện một chiếc diều khá lớn liệng xuống đường, cứa đứt cản trước của xe.

Dây diều "sắc như dao", cứa đứt cản trước ô tô

Chiều 30/7, anh N.H.Q. (quận Ba Đình, Hà Nội) điều khiển ô tô từ Cầu Đuống rẽ phải xuống đường Gia Thượng (phường Thượng Thanh, quận Long Biên). Bất ngờ, một chiếc diều kích thước khá lớn liệng xuống đường, cứa ngang mũi xe. 

"Vết cứa từ mặt ca-lăng qua đèn gầm sang cả mép cản bên phụ", anh Q. nói, nhận định vết cứa khá sâu, nếu với các phương tiện khác không phải ô tô, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. 

Theo chủ xe, thời điểm chiều muộn, nhiều người dân đổ về khoảng trống trên đê ven đường để vui chơi, thả diều. Anh lái xe chậm, tốc độ khoảng 40 - 50km/h. 

Do vừa hết bảo hiểm một tháng, chưa kịp mua mới, anh Q. phải chi trả 12 triệu đồng bao gồm mua đèn (9 triệu đồng), vá cản và sơn lại xe (3 triệu đồng).

Hà Nội: Dây diều sắc như dao cứa ngang cổ người, chém đứt đầu xe ô tô - 1

Dây diều "sắc như dao", cứa đứt cản trước ô tô (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đây không phải lần đầu người dân phản ánh dây diều cản trở giao thông, gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng.

Tháng 7 năm ngoái, anh N.Đ. trong lúc di chuyển từ Phủ Tây Hồ về Thụy Khuê bị dây diều rơi siết mạnh vào cổ. Xe máy lập tức đổ nhào, trượt dài một đoạn.

Nam thanh niên sau đó được người dân đỡ dậy, dìu vào ngồi nghỉ bên vệ đường. Kiểm tra cơ thể, anh phát hiện cổ có vết cắt dài khoảng 13cm, chảy máu, còn khủyu tay và phần bụng bị xây xát nhẹ.

"Cảm giác bị dây diều cứa như cắt da, cắt thịt mà lại đúng vùng cổ rất nguy hiểm. May mắn khi tôi ngã nhào đường cũng vắng và không có ô tô chạy ngang", anh nói thêm.

Hà Nội: Dây diều sắc như dao cứa ngang cổ người, chém đứt đầu xe ô tô - 2

Dây diều rơi, siết mạnh vào cổ anh Đ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tương tự, chị Đ.L.H (quận Tây Hồ) cho biết cũng từng bị dây diều cứa ngang cổ khi đi qua đoạn đường gần cây cô đơn (phường Quảng An, quận Tây Hồ). Sợi dây cước chắn ngang mặt chị, cứa nhẹ vào da.

"Sau vụ việc, tôi luôn chú ý đề phòng, giảm tốc độ. Nhưng mỗi lần ngang qua đây, tôi đều thấy rùng mình, ám ảnh việc bị dây diều cứa cổ nên chủ động lái xe thật chậm, quan sát kỹ càng", chị H. nói.

Hà Nội: Dây diều sắc như dao cứa ngang cổ người, chém đứt đầu xe ô tô - 3

Nam thanh niên bị dây diều cứa ngang cổ và làm đứt gân tay (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Cuối tháng 10/2022, nam thanh niên 29 tuổi chạy xe ngang qua cầu Thủ Thiêm 2 (TP Thủ Đức, TPHCM) bất ngờ bị một sợi dây diều cứa ngang cổ, làm đứt gân tay, phải nhập viện cấp cứu.

Vết thương từ cằm đến hàm trái dài khoảng 15cm, rỉ máu đỏ. Bệnh nhân bị mất da và đứt hoàn toàn gân gấp 3 ngón tay của bàn tay phải.

Ekip trực cấp cứu đã xử lý vết thương, khâu nối gân ngay trong đêm. Nhờ được can thiệp kịp thời cũng như vết thương chủ yếu ở phần mềm, anh không bị đe dọa tính mạng.

Từ thú vui dân dã đến mối đe dọa khôn lường

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết thả diều vốn là thú chơi dân gian gắn bó lâu đời với người dân, nhất là ở vùng nông thôn.

Hiện nay, những chiếc diều được cải tiến đáng kể. Từ những nguyên liệu thô sơ, chúng được nâng cấp với khung gắn đèn led, dây buộc bằng thép, dây pha sợi kim tuyến dẫn điện… với kích thước bề ngang 2-3m và chiều dài 4-5m. 

Việc thả diều trở nên phổ biến vào dịp hè. Tuy nhiên, đứng trước quá trình đô thị hóa, việc thiếu không gian vui chơi, giải trí khiến tình trạng thả diều tại các khu đô thị, nội đô ở Hà Nội và TPHCM gia tăng mối nguy hiểm và những hệ lụy khôn lường. 

"Thả diều từ một thú vui dân dã, nay có nguy cơ trở thành mối đe dọa thường trực đối với người dân, ảnh hưởng đường lưới điện", ông Tiền nhận định. 

Hà Nội: Dây diều sắc như dao cứa ngang cổ người, chém đứt đầu xe ô tô - 4

Một khu vực thả diều mùa hè ở Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ).

Theo quy định của pháp luật, tại một số khu vực đặc biệt như gần sân bay, đường dây điện cao áp... người dân bị cấm thả diều.

Theo đó, điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, người có hành vi thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. 

Tại những khu vực không có biển cấm, người dân được tự do vui chơi, lựa chọn thời gian, địa điểm thích hợp, song phải đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. 

Tuy nhiên, nếu thả diều gây thiệt hại tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác, thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà người thả diều có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc xử phạt đối với người thả diều gây thiệt hại về tài sản cho người khác. Tuy nhiên, người thả diều phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ Điều 584 và Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.

Nếu thả diều gây thiệt hại sức khỏe của người khác, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Theo đó, người này có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp vô ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. 

Trường hợp gây thương tích cho người khác, thì căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân, người vi phạm có thể phải đối diện với mức hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ một năm; cao nhất là phạt tù 3 năm. 

Người có hành vi gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 590, Điều 591 Bộ luật dân sự 2015. 

Ngoài ra, nếu thả diều gây ra sự cố lưới điện, gây nổ, gây cháy ảnh hưởng vận hành công trình điện lực;... người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. 

Hà Nội: Dây diều sắc như dao cứa ngang cổ người, chém đứt đầu xe ô tô - 5

Nhiều người dân lo ngại thả diều từ trò chơi giải trí dần trở thành mối đe dọa (Ảnh minh họa: Holidify).

Để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra, luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, người thả diều nên chọn khu vực, địa điểm rộng, thoáng đãng, không có vật cản trên không, tránh thả diều gần đường quốc lộ, đường giao thông, nơi có nhiều phương tiện giao thông đi lại.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức người dân về việc chấp hành quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ quan chức năng cần giám sát, quản lý hoạt động thả diều ở nội đô.

"Người di chuyển qua khu vực có nhiều diều cũng cần chú ý quan sát để tránh nguy cơ bị tai nạn hay gặp sự cố không mong muốn", ông Tiền nói.