Grab chung tay "Xây cầu đến lớp" cho các em nhỏ tại vùng sâu, vùng xa

Trường Thịnh

(Dân trí) - 18 năm đi cầu khỉ, té suối, trôi sách vở là những chia sẻ khiến ai cũng phải xót xa của các em nhỏ trước khi có dự án "Xây cầu đến lớp".

"Tụi nhỏ vẫn cần mẫn băng qua mỗi ngày"

Với những em nhỏ tại các bản miền núi hay làng quê nghèo xa xôi, bị chia cắt bởi sông suối và địa hình hiểm trở, câu chuyện như thế không hề lạ lẫm mà là tình trạng chung.

"Giờ nhớ lại con còn sợ lắm", một em học sinh trường THCS Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), tâm sự. "Đường tuy khó đi nhưng con cũng quen rồi. Nhưng bữa đó trời mưa quá nên nền đất trơn, con sẩy chân té suối. May mà người dân gần đó họ cứu kịp", em nói.

Thường xuyên xảy ra những tai nạn như vậy, nên nhiều phụ huynh đã phải để các em nghỉ học giữa chừng, tạm gác lại giấc mơ đến lớp để phụ gia đình làm nương rẫy.

Grab chung tay Xây cầu đến lớp cho các em nhỏ tại vùng sâu, vùng xa - 1

Các em học sinh đi qua cầu khỉ trong ngày nước dâng cao (Ảnh: Quỳnh Như).

Ngay cả các em nhỏ sống nơi miền Tây sông nước như tại Vĩnh Long cũng cùng chung cảnh ngộ. Tại đây, trong suốt 18 năm, lớp lớp học sinh đã từng phải di chuyển qua những cây cầu khỉ, cầu tạm thô sơ để đến trường mỗi ngày.

Chú Nguyễn Văn Khá - người từng ngày túc trực tại cây cầu tạm để hỗ trợ các em tới trường - kể lại: "Cả ấp có mỗi một cây cầu là cầu Út Ốm, sông sâu, cầu cao, người lớn đi không quen còn run cầm cập, nhiều người bị té, văng đồ. Ấy vậy mà tụi nhỏ vẫn cần mẫn băng qua mỗi ngày, những em bé quá thì ba mẹ phải dẫn qua chứ không tự đi được, còn nếu đi bộ thì xa lắm, đường đất bùn lầy rất khó đi. Vào những hôm trời mưa, cầu Út Ốm càng trơn trượt hơn, nhìn tụi nhỏ đi qua mà xót, chỉ sợ có đứa nào té xuống thì khổ".

"Được tới trường là con vui rồi"

Trong hoàn cảnh đó, tại mỗi buổi lễ khánh thành cây cầu mới thuộc dự án "Xây cầu đến lớp" đều có thể cảm nhận rõ niềm hạnh phúc không thể quên trong đôi mắt của bà con, nhất là các em học sinh. Dự án không chỉ mang 8 cây cầu mà còn chở thêm niềm vui của những hy vọng, ước mơ về tương lai len lỏi tới các bản làng xa xôi, khó khăn.

"Con vui lắm cô chú ơi, có cây cầu, từ nay con sẽ không phải đi đò qua sông để đến trường hay phải đi vòng 5km khi không có đò. Con cũng sẽ không sợ té ngã mỗi khi xuống đò, qua đò nữa. Đường đến trường của con đã sướng hơn rồi", em Nguyễn Huỳnh Như - học sinh lớp 7 trường THCS-THPT Phú Quới, tỉnh Vĩnh Long - chia sẻ.

Grab chung tay Xây cầu đến lớp cho các em nhỏ tại vùng sâu, vùng xa - 2

Các em nhỏ hào hứng dắt tay nhau băng qua cây cầu mới (Ảnh: Quỳnh Như).

Không chỉ có các em học sinh, niềm vui còn lộ rõ trên gương mặt của các thầy, cô giáo - những người thấu hiểu ý nghĩa to lớn của những cây cầu mới đối với các em.

"Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là kể cả những ngày mưa gió thì các em học sinh cũng có thể qua cây cầu để đến trường đi học đầy đủ. Thứ hai là rất tiện lợi cho nhà trường, trong những ngày mưa gió, công tác đảm bảo chuyên cần, duy trì sĩ số cũng tốt hơn", cô giáo Ngô Thị Thanh Tuyền (trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Nậm Hàng, tỉnh Lai Châu) chia sẻ.

Grab chung tay Xây cầu đến lớp cho các em nhỏ tại vùng sâu, vùng xa - 3

Lễ khánh thành hai cây cầu mới thuộc dự án "Xây cầu đến lớp" tại Hà Giang (Ảnh: Quỳnh Như).

"Xây cầu đến lớp" là dự án do Grab Việt Nam và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN) bắt tay thực hiện từ năm 2019, nhằm xây dựng cầu cứng và cầu liên hợp đập tràn cho trẻ em tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Trong những năm qua, dự án "Xây cầu đến lớp" đã đạt được những con số ấn tượng, với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng, trong đó hơn 6,6 tỷ đồng được Grab và người dùng chung tay đóng góp.

Những nhịp cầu mới đã đưa hàng nghìn học sinh, giáo viên và người dân địa phương đi lại giữa hai bờ an toàn và thuận lợi hơn, nhất là trong mùa mưa lũ. Cây cầu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế địa phương và cải thiện sinh kế cho bà con.

Chia sẻ về dự án, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, bày tỏ: "Chúng tôi rất vui mừng khi dự án 'Xây cầu đến lớp' mà Grab Việt Nam và Quỹ BTTEVN phối hợp triển khai trong những năm qua thành công tốt đẹp. Với sứ mệnh 'Grab vì cộng đồng' mà chúng tôi cam kết thực hiện tại Việt Nam, Grab sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành để triển khai thêm nhiều dự án cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".